.

Những hội viên đặc biệt

.

Người nước ngoài đầu tiên xin vào Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) thành phố Đà Nẵng là ông Kenneth John Hermann - cựu chiến binh Mỹ, giáo sư giảng dạy tại Trường Đại học Suny Brockport.

Ông Ranjit Dasgupta (quốc tịch Ấn Độ), Trưởng đại diện của Quỹ Harris Freeman Foundation tại Việt Nam, tặng quà cho trẻ em da cam Đà Nẵng.
Ông Ranjit Dasgupta (quốc tịch Ấn Độ), Trưởng đại diện của Quỹ Harris Freeman Foundation tại Việt Nam, tặng quà cho trẻ em da cam Đà Nẵng.

Đến nay, con số hội viên danh dự người nước ngoài của Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng lên tới 55 người, trong đó có 35 người quốc tịch Mỹ.

Giọt nước mắt của cựu chiến binh Mỹ

Đối với ông Kenneth, ra đi cũng là để trở về, tìm về Đà Nẵng (Việt Nam) - nơi ông luôn đau đáu sự day dứt, khắc khoải. Bởi nơi đây gần 40 năm trước là chiến trường mà ông cũng như nhiều thanh niên Mỹ bị bắt quân dịch. Họ đã lãng phí tuổi trẻ của mình trong cuộc chiến tranh vô nghĩa để rồi mang trong mình sự hối hận, dày vò suốt phần đời còn lại. Trở lại Đà Nẵng, ông nhận ra rằng trên mảnh đất ấy, nỗi đau vẫn dai dẳng.

Nó hiện diện trong đôi mắt ngơ ngác, nụ cười vô hồn, thân hình co quắp của những đứa trẻ lẽ ra trở thành những chàng trai, cô gái khỏe mạnh. Nó hiện diện trong những giọt nước mắt giấu vội của những người cha, người mẹ bên những đứa con yêu không được mang hình hài nguyên vẹn. Và ông đã khóc, bởi ông đã hiểu hơn về chiến tranh, về nỗi đau…

Sau đó, ông Kenneth viết đơn xin gia nhập Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng với mong mỏi làm được điều gì đó để xoa dịu những nỗi đau ấy, cũng là để xoa dịu chính nỗi đau trong lòng mình. Ông là thành viên ngoại quốc danh dự đầu tiên gia nhập Hội. Ông cũng lập quỹ để quyên góp hỗ trợ các nạn nhân da cam về vốn và phương tiện sinh kế.

“Ông Kenneth John Hermann đã kêu gọi nhiều cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam. Ông cũng đã đưa nhiều sinh viên trường đại học - nơi ông đang giảng dạy sang Việt Nam giao lưu với trẻ em da cam”, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng cho biết.

Những bước chân không mỏi

Không chỉ có những hội viên đặc biệt người Mỹ, rất nhiều người Ý, Pháp, Nhật, Canada, Úc… tình nguyện xin gia nhập Hội với nguyện vọng góp phần giúp đỡ trẻ em da cam. Lier Francis (70 tuổi, ở vùng Alsace, Pháp), bác sĩ tình nguyện tại Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng, là một trong số đó.

Trong một lần đi tình nguyện tại Việt Nam, ông thấy những đứa trẻ trong thân hình dị dạng, co quắp. Ông bảo từng nhìn thấy nhiều trẻ em dị tật nhưng chưa bao giờ thấy những đứa trẻ phải chịu nỗi đau như thế. Sau đó, ông điều trị cho nhiều em và truyền lại phương pháp điều trị cho các cán bộ Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng để giảm đau đớn cho nạn nhân da cam.

Không trực tiếp điều trị cho trẻ em da cam như bác sĩ Lier Francis nhưng bác sĩ Enzo Falcom (quốc tịch Ý) cũng gắn bó với các em. Trong nhiều năm, ông đã kêu gọi hỗ trợ hàng trăm suất cơm cho các em bị nhiễm chất độc da cam.

Ông và vợ đã trích tiền túi thành lập tổ chức Care the People với kinh phí ban đầu chỉ 3.000 USD để hỗ trợ trẻ em khó khăn, trong đó có trẻ em da cam. Đến nay, Care the People  có hàng trăm thành viên với số tiền ủng hộ khá lớn cho các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Và chính ông, bác sĩ Enzo Falcom, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cũng như các tổ chức phi chính phủ có những hành động tích cực để giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm dioxin Việt Nam và gia đình của họ.

Ngẫu nhiên “bén” duyên với Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng còn có ông Ranjit Dasgupta (quốc tịch Ấn Độ), Trưởng đại diện của Quỹ Harris Freeman Foundation tại Việt Nam. Sau khi tài trợ 2,2 tỷ đồng để cùng chính quyền và Hội xây dựng Trung tâm xông hơi, thải độc và phục hồi chức năng, ông đã quyết định tình nguyện trở thành hội viên của Hội chỉ với mục đích được giúp trẻ em da cam nhiều hơn nữa.

“Những hội viên đặc biệt của chúng tôi như ông Kenneth, Lier, Enzo… đã có nhiều đóng góp cho Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng. Họ vận động nhiều người trên toàn thế giới để hiểu thêm về nỗi đau mà nạn nhân da cam đang phải chịu đựng, đồng thời kêu gọi sự đóng góp để hỗ trợ giúp nạn nhân da cam. Thành quả 10 năm qua của Hội NNCĐDC thành phố Đà Nẵng có sự chung tay của nhiều hội viên, trong đó có những hội viên đặc biệt này”, bà Nguyễn Thị Hiền khẳng định.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.