.

Nỗi lo tai nạn đường sắt

.

Ngày 10-1, tại Đà Nẵng, Bộ Giao thông vận tải tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với UBND các tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt theo Nghị quyết số 88/2011/NQ-CP của Chính phủ.

Các đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.  TRONG ẢNH: Người dân tham gia giao thông trên đoạn đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt tại quận Thanh Khê.
Các đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. TRONG ẢNH: Người dân tham gia giao thông trên đoạn đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt tại quận Thanh Khê.

Hiểm họa đường ngang

Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, mạng lưới đường sắt quốc gia hiện nay dài 3.143km, đi qua 34 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phần lớn các tuyến đường sắt chạy song song với đường bộ, đi qua các khu đông dân cư đã dẫn đến sự xuất hiện ngày càng nhiều các điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt.

Thống kê của ngành đường sắt cho thấy, trên toàn tuyến đường sắt quốc gia hiện có hơn 5.700 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ; trong đó, đường ngang có trên 1.500 điểm, lối đi dân sinh 4.268 điểm. Điều đáng nói, 85% số vụ tai nạn giao thông đường sắt trong những năm gần đây đều xảy ra tại các điểm giao cắt này.

Nguyên nhân phần lớn do người dân khi đi qua đường ngang đã không tự giác chấp hành các tín hiệu. Ngoài ra, các thiết bị cảnh báo được lắp đặt ở những vị trí này cũng quá gần so với đường bộ, đường có độ dốc, kiến trúc địa hình quá cao… che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.

Sau 1 năm triển khai thực hiện quy chế phối hợp, tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các điểm giao cắt cùng mức đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong năm 2014, ngành đường sắt triển khai nhiều kế hoạch cụ thể nhằm cảnh báo, hạn chế thực trạng này như cắm hơn 1.300 biển báo tại các lối đi dân sinh, hướng dẫn nghiệp vụ cho người tham gia cảnh giới hoặc chốt gác tại các địa phương, giải tỏa tầm nhìn hơn 130 đường ngang, xây dựng 24km đường gom…

Theo đó, tình hình tai nạn giao thông trên tuyến đường sắt quốc gia giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2013, trong đó giảm 32 vụ tai nạn (7,6%), số người chết giảm 8,52% (15 người) và số người bị thương giảm 15 người (5,54%).

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Đại diện thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, việc bố trí kinh phí xây dựng các đường ngang, đường gom còn chậm và nhỏ giọt khiến các dự án không được thực hiện đúng tiến độ, dang dở, gây bức xúc trong nhân dân.

Một số hạng mục tại Đà Nẵng như đường gom từ km799+120 đến km800+125 đã tạm ứng trước ngân sách thành phố hơn 1,7 tỷ đồng để chi trả công tác giải phóng mặt bằng nhưng hiện nay cũng tạm dừng dự án do thiếu vốn.

Ngoài ra, trên 10 đoạn đường gom dân sinh, đường ngang được đồng ý triển khai, thành phố cũng đã phê duyệt giá trị đền bù nhưng hiện nay cũng đã tạm dừng do không được Trung ương bố trí vốn. “Mỗi năm Đà Nẵng phải chi hơn 1,2 tỷ đồng để thuê 46 lao động bố trí tại các chốt gác dân sinh, số tiền này quá lớn so với nguồn vốn chi an toàn giao thông của thành phố”, ông Huy trình bày.

Được biết, đường sắt đi qua địa phận thành phố Đà Nẵng có 65 điểm giao cắt với đường bộ, trong đó có 3 điểm giao cắt với quốc lộ, 32 điểm giao cắt với tỉnh lộ và 30 điểm giao cắt dân sinh. Trước tốc độ phát triển của thành phố và nhu cầu đi lại ngày càng đông, việc xây dựng, hoàn thiện các đường gom, đường ngang là điều hết sức cần thiết để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông. Nhiều đại biểu cũng đồng tình và cho rằng việc chậm bố trí vốn khiến địa phương lúng túng khi triển khai.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian qua. “Các đường ngang dân sinh trái phép hiện hữu cần phải có giải pháp quản lý, khống chế và kiên quyết không để phát sinh mới.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ phân chia trách nhiệm cụ thể hơn, cùng nhau phối hợp với các địa phương bằng nhiều cách để giảm thiểu một cách tối đa tình hình tai nạn giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết. Đối với vấn đề chậm bố trí vốn xây dựng và hoàn thiện các dự án đường gom, gác chắn, đường ngang dân sinh, Thứ trưởng Đông giải thích do các dự án được phê duyệt cùng lúc tại nhiều địa phương nên nguồn kinh phí hạn chế.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét những cơ chế về nguồn kinh phí để linh động bổ sung và giải quyết theo thứ tự ưu tiên.

Bài và ảnh: PHAN CHUNG

;
.
.
.
.
.