.

Phát huy hiệu quả quan hệ phối hợp giữa Công đoàn và doanh nghiệp

.

Bình đẳng, tôn trọng quyền hạn, trách nhiệm của nhau trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động và doanh nghiệp là nguyên tắc phối hợp giữa Công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty TNHH Kad Industrial S.A VN.

Ông Hồ Sĩ Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vina Kad chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị tổng kết hoạt động Công đoàn Các KCX&CX năm 2014.
Ông Hồ Sĩ Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vina Kad chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị tổng kết hoạt động Công đoàn Các KCX&CX năm 2014.

Giải pháp phù hợp

Là đơn vị sản xuất hàng may mặc 100% vốn của Hàn Quốc, do đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Công ty TNHH Kad Industrial S.A VN (Công ty Vina Kad) chủ yếu là người nước ngoài. Với sự khác biệt về văn hóa và cách thức quản lý nên không tránh khỏi những bất đồng giữa lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động trong quá trình điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong môi trường đó, để bảo đảm quyền lợi của người lao động và ổn định mối quan hệ lao động tại doanh nghiệp, đòi hỏi Ban Chấp hành Công đoàn phải linh hoạt đề ra những giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo đó, trong quan hệ công tác, để tạo cơ chế hoạt động, Ban chấp hành Công đoàn đã chủ động xây dựng Quy chế phối hợp giữa Giám đốc doanh nghiệp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở nhằm giúp việc tổ chức các hoạt động diễn ra thuận lợi.

 Muốn vậy, trước hết Công đoàn phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm lý, tình cảm của lãnh đạo doanh nghiệp; đồng thời, linh hoạt trong quan hệ ứng xử để nhận được sự hợp tác, hỗ trợ toàn diện của lãnh đạo doanh nghiệp trong quá trình triển khai hoạt động tại doanh nghiệp.

Trong việc phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động và doanh nghiệp, Công đoàn phải xác định đúng vị trí, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên để lựa chọn hình thức, biện pháp phối hợp hiệu quả.

Với những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm doanh nghiệp, Công đoàn chỉ tham mưu, đề xuất ý kiến để lãnh đạo doanh nghiệp tham khảo, thỏa thuận và đi đến thống nhất ý kiến với Công đoàn trước khi tổ chức thực hiện. Những nhiệm vụ Công đoàn và doanh nghiệp có quyền hạn trách nhiệm ngang nhau thì cả hai bên cùng phối hợp thực hiện.

Chính điều này đã giúp cho Công đoàn khẳng định vị trí, vai trò của mình tại doanh nghiệp, từ đó những ý kiến, đề xuất của Công đoàn đã được ban lãnh đạo doanh nghiệp nghiêm túc xem xét và giải quyết kịp thời, các quyền lợi chính đáng của đoàn viên cũng nhờ đó được bảo đảm.

Hiệu quả trong hoạt động

Với cách làm phù hợp, trong năm 2014, nhiều nội dung đã được Công đoàn và ban lãnh đạo doanh nghiệp phối hợp thực hiện có chất lượng, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động và doanh nghiệp.

Trước hết, đó là sự phối hợp, thống nhất giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp và Công đoàn trong xây dựng các nội quy, quy chế làm việc, quy chế thi đua khen thưởng hằng năm nhằm tạo ra môi trường làm việc có tính kỷ luật cao, có năng suất, chất lượng, hiệu quả; người lao động vừa được bảo đảm việc làm, thu nhập vừa có thể tham gia vào các hoạt động phong trào do Công đoàn và chuyên môn tổ chức để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (theo Nghị định số 60/2003/NĐ-CP), với vai trò phối hợp của mình, một mặt, Công đoàn có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động như các chỉ tiêu, biện pháp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, xây dựng hoặc bổ sung quy định, quy chế, thỏa ước lao động tập thể, quy trình giải quyết tranh chấp lao động, xử lý kỷ luật…; mặt khác, phối hợp với ban lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức các buổi đối thoại định kỳ để lắng nghe ý kiến của người lao động, từ đó đưa ra các quyết định quản lý phù hợp.

Trong quá trình tổ chức các phong trào thi đua tại doanh nghiệp, sau khi bàn bạc với Công đoàn, ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ quyết định các nội dung, chỉ tiêu cần thực hiện và Công đoàn là lực lượng nòng cốt để tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tích cực thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, sáng kiến, cải tiến quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trên có sở đó, Ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phối hợp với Công đoàn cơ sở tổ chức tổng kết, đánh giá và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất.

Thông qua công tác phối hợp giữa ban lãnh đạo và Công đoàn, các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan trực tiếp đến người lao động đã được phổ biến kịp thời đến người lao động. Đặc biệt, với sự quan tâm của ban lãnh đạo doanh nghiệp, trong năm 2014, nhiều chương trình, kế hoạch tham quan, dã ngoại, bốc thăm trúng thưởng, thi văn nghệ, thể thao với kinh phí trên 200 triệu đồng đã được tổ chức, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho người lao động.

Cùng với đó, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp sửa chữa nhà cho gia đình chính sách, tham gia ủng hộ các chương trình xã hội từ thiện cũng đã được phối hợp thực hiện có hiệu quả…

Chính việc phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa người sử dụng lao động và Công đoàn trong thời gian qua đã giúp cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như Công đoàn ngày càng khởi sắc.

Nếu như trước đây, Công ty Vina Kad là một trong những điểm nóng về quan hệ lao động tại khu công nghiệp Hòa Khánh, thì đến nay, đời sống, việc làm và các chế độ, chính sách đối với người lao động đã được công ty bảo đảm cơ bản.

Từ chỗ chỉ có 350 công nhân, lao động, đến nay đã tăng lên 900 người, quan hệ lao động luôn được duy trì ổn định. Đây là cơ sở để Công ty Vina Kad tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, thu hút thêm lực lượng lao động trong thời gian đến.

NGHI XUÂN

;
.
.
.
.
.