.

Sinh viên đại học chính quy có thể được tạm hoãn nhập ngũ

.

Thường vụ Quốc hội nhất trí tạm hoãn gọi nhập ngũ với sinh viên đang học hệ đại học chính quy và kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ với đối tượng này lên 27.

Sinh viên đang học đại học sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Sinh viên đang học đại học sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Sáng 19-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bàn về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi góp ý, đối với sinh viên đang học hệ chính quy không nên gọi nhập ngũ, bởi như vậy là xem nhẹ hiệu quả đào tạo, chỉ coi trọng quân sự chứ không coi trọng những lĩnh vực khác.

Theo ông Thi, gọi nghĩa vụ quân sự mà không nới độ tuổi là khó, vì tốt nghiệp THPT là 18 tuổi, học đại học 4 năm nhưng có thể lưu ban, ốm đau, cố tình vượt tuổi. "Chúng ta chỉ tính cơ học, còn thực tế có trường hợp cố kéo dài thời gian học để vượt tuổi gọi nhập ngũ", ông Thi nói.

Ông Thi đề xuất, việc lựa chọn học đại học trước rồi mới đi nghĩa vụ quân sự nên để thanh niên tự quyết. Các em học xong mới gọi nghĩa vụ quân sự là đúng với mục tiêu đáp ứng nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Vì vậy, cần kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến 27 thay vì 25 như hiện nay

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng, thanh niên đang học đại học thì không nên gọi đi nghĩa vụ quân sự vì việc học phải liên tục. Nếu đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, khi về học sẽ quên mất kiến thức. "Thời chiến thì khác, còn thời bình thì không nên gọi sinh viên đi nghĩa vụ, chúng ta có thể gọi các em sau khi đã học xong", ông Ksor Phước góp ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, nếu kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến 27 và gọi 100% số này đi nghĩa vụ thì mới có tác dụng hiện đại hoá quân đội. Tuy nhiên, thực tế quân đội mới gọi vài trăm người, nên lại gây bất cập ngay trong tuổi 27.

"Kéo dài tuổi gọi nhập ngũ đến 27 sẽ mở rộng đối tượng nhập ngũ, nhưng gia tăng mất công bằng vì tỷ lệ gọi rất thấp. Đây là bài toán khó", ông Khoa phân tích và thông tin, hiện nay sinh viên tốt nghiệp nhập ngũ tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 5% và vẫn chưa sử dụng hiệu quả vì ngành học không phù hợp với quân đội.

Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh chia sẻ, tâm tư của đại biểu Quốc hội là muốn gọi hết công dân trong độ tuổi vào quân đội để được rèn luyện, nhưng rất khó. Bởi mỗi năm có 7-8 triệu người đến độ tuổi gọi nhập ngũ, trong khi quân đội chỉ tuyển một phần nhỏ.

Các đại biểu đề nghị sinh viên tự đảm bảo kinh phí để học quân sự tập trung trong 3 tháng và được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự trong thời bình, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng điều này là không nên vì sinh viên rất đông, cả nước có 32 trung tâm quốc phòng an ninh. Số lượng trung tâm này chỉ đảm bảo đào tạo vài trăm nghìn người, nếu đưa hàng triệu sinh viên vào học thì không khả thi. Hơn nữa sẽ không công bằng giữa người có tiền và không có tiền, chất lượng đào tạo cũng hạn chế.

"Về độ tuổi tạm hoãn nghĩa vụ, Chính phủ trình dự thảo sinh viên đang học chính quy thì được tạm hoãn, sau này kết thúc thì gọi sau. Nhưng đại biểu lại cho ý kiến không hoãn. Qua tiếp thu và thảo luận, ban soạn thảo vẫn đề nghị hoãn gọi đối tượng này để ổn định tư tưởng sinh viên, tránh những kẽ hở trong quá trình tuyển quân. Tuổi gọi có thể kéo dài cho đối tượng tạm hoãn này", Bộ trưởng cho hay.

Kết thúc thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tổng hợp các ý kiến đại biểu, theo đó đồng ý tạm hoãn gọi nhập ngũ với sinh viên đang học hệ đại học chính quy và kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27. Còn thanh niên bình thường vẫn duy trì độ tuổi gọi nhập ngũ như trước - từ 18 đến 25.

Dự luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) theo kế hoạch sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp giữa năm 2015.

Theo VnExpress

;
.
.
.
.
.