Chính trị - Xã hội
Sóng điện vào xuân
“Lữ đoàn thông tin 575 thường xuyên gắn bó chặt chẽ với địa phương. Những lúc thiên tai, khó khăn, người lính thông tin luôn có mặt giúp dân kịp thời”, nhận xét của Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) Lê Duy Du kéo tôi đến với lữ đoàn sóng điện trong những ngày cuối đông năm 2014.
Củng cố ăng-ten thu phát trong tổng trạm thông tin thường xuyên của lữ đoàn. |
Khác với tiết trời miền Bắc, Đà Nẵng mùa này chỉ mới chớm rét, nhưng bước vào khuôn viên lữ đoàn, tôi cảm nhận nơi đây mùa xuân đang đến sớm. Dường như nắm bắt được suy nghĩ của tôi, Trung tá Hoàng Văn Thanh - Chủ nhiệm Chính trị lữ đoàn cho biết: “Năm nay, cùng với các hoạt động chào mừng 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, đơn vị chúng tôi có thêm “niềm vui kép” là chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của lữ đoàn (ngày 3-2-2015). Do đó, các hoạt động chuẩn bị đón Tết Ất Mùi 2015 được chúng tôi lồng ghép vào nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống của đơn vị”.
Lữ đoàn thông tin 575 có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng vũ trang quân khu. Với nhiệm vụ như vậy nên đội hình đứng chân của các đơn vị thuộc lữ đoàn trải dài suốt dải đất miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, xa sự chỉ huy của lữ đoàn nhất là trạm lẻ ở Gia Lai và cao nhất là trạm chuyển tiếp trên đỉnh núi Sơn Trà (Đà Nẵng). Vì vậy, cùng với nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, việc chăm lo đón Tết, vui xuân cho cán bộ, chiến sĩ cũng là nét riêng của lữ đoàn.
Theo Thiếu tá Phạm Thiết Tùng, Phó Chủ nhiệm phòng Chính trị, hằng năm, cứ trước Tết Nguyên đán khoảng một tuần, chỉ huy lữ đoàn lại dẫn đầu đoàn cán bộ các cơ quan đi chúc Tết các trạm từ Gia Lai đến Đà Nẵng. Đồng thời, ở mỗi điểm dừng chân, đoàn cũng đến chúc Tết chính quyền địa phương nơi đóng quân.
Dịp này, chỉ huy lữ đoàn nắm bắt tình hình, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tiêu, kịp thời triển khai bổ sung những gì đơn vị còn thiếu để bảo đảm cho anh em yên tâm trực Tết. Đặc biệt, từ 19 đến 21 giờ đêm 30, lữ đoàn tổ chức đón giao thừa tại 3 địa điểm ở 3 tiểu đoàn, có chỉ huy và các cơ quan tham dự. Thời gian còn lại đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các đại đội tự tổ chức và chờ nghe thư chúc Tết của Chủ tịch nước.
Trong không khí đầm ấm cuối năm, lời thư chúc Tết, mừng Đảng, mừng xuân của chỉ huy lữ đoàn như lời nhắn nhủ, gửi gắm niềm tin đến cán bộ, chiến sĩ đang vững vàng cánh sóng cho xuân về thêm vui. Và đây cũng là dịp để cán bộ, chiến sĩ quây quần bên nhau, cùng nhau ôn lại truyền thống đơn vị, kinh nghiệm bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống.
Dẫu nhiệm vụ mang tính đặc thù, địa bàn đóng quân trải rộng, nhưng công tác đền đáp công ơn đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thường xuyên được lữ đoàn chú trọng. Cứ dịp cuối năm, khoảng trước Tết 15 ngày, lữ đoàn tổ chức “hành quân” về với xã nghèo Tà Bhing (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) - xã được Quân khu 5 giao cho lữ đoàn nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo.
Để chuẩn bị cuộc hành quân, các phân đội tập trung tất cả vốn hỗ trợ chính sách, “hũ gạo vì người nghèo” về lữ đoàn; đồng thời tổ chức quyên góp quần áo cũ (tối thiểu còn 80% sử dụng được), hoặc quần áo mới từ các đơn vị kết nghĩa và của cán bộ, chiến sĩ trong lữ đoàn. Sau đó, gạo được đóng vào bao, mỗi bao có trọng lượng 20kg; quần áo cũng được giặt, ủi sạch sẽ, gấp gọn cho vào túi ni-lông, đóng thành kiện vuông vức.
Hơn nữa, nhằm kịp thời động viên học sinh nghèo vượt khó, lữ đoàn tổ chức mua thêm khăn quàng đỏ, cặp sách, bút mực bổ sung vào phần quà Tết. Ngoài xã Tà Bhing, lữ đoàn còn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng đi chúc Tết, tặng quà một số xã khó khăn của huyện Hòa Vang như: Hòa Bắc, Hòa Sơn.
Thiếu tá Phạm Thiết Tùng cho biết: “Chúng tôi tặng mỗi hộ 2 bộ quần áo và một bao gạo. Gia đình nào có học sinh thì tặng thêm khăn quàng đỏ, cặp sách. Với hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn, lữ đoàn còn hỗ trợ thêm 250.000 đồng để đồng bào ăn Tết”. Được biết, từ nhiều năm qua, lữ đoàn đã nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Lui ở phường Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Mỗi tháng, thông thường các anh “về với mẹ” từ 2-3 lần, có chỉ huy cơ quan chính trị, đại diện hội phụ nữ, thanh niên, trợ lý chính sách, quân y. Và mỗi khi “hết một năm”, đơn vị không quên “mừng mẹ thêm tuổi mới”.
Một mùa xuân mới đang về, cánh sóng thông tin vẫn lặng lẽ tỏa khắp miền Trung - Tây Nguyên.
Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG