Chính trị - Xã hội

Triển khai "Năm văn hóa, văn minh đô thị"

Thay đổi nhận thức và hành động

07:39, 16/01/2015 (GMT+7)

Sáng 15-1, tại Nhà hát Trưng Vương, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU (gọi tắt Chỉ thị 43) của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”.

Chủ trì hội nghị, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ nhấn mạnh: “Chỉ thị khẳng định quyết tâm chính trị cao, nhưng hiệu quả nhiều hay ít phụ thuộc vào phương pháp tổ chức thực hiện. Văn hóa là lĩnh vực rộng nhưng nếu biết quyết tâm 10, hành động 20 và tránh bệnh hình thức, nói mà không làm thì chắc chắn sẽ mang lại thành công.”

Lãnh đạo thành phố chứng kiến các địa phương ký giao ước thi đua thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Lãnh đạo thành phố chứng kiến các địa phương ký giao ước thi đua thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Ảnh: VIỆT DŨNG

7 nhiệm vụ trọng tâm

Triển khai nội dung chỉ thị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí đề nghị phải bắt đầu thay đổi thói quen từ những việc cụ thể nhất như: không vứt rác, đổ nước ra đường, quảng cáo rao vặt trái phép, lang thang xin ăn biến tướng, bu bám chèo kéo du khách, dẹp bỏ buôn gian, bán lận, tạo nếp sống văn minh phù hợp với sự phát triển đô thị nhanh chóng của Đà Nẵng.

7 nhiệm vụ trọng tâm được quán triệt gồm: tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, trường học và cộng đồng dân cư với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu biết đầy đủ về pháp luật, nhận thức sâu sắc về chủ trương thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”; gắn việc thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” với Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX: “Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống”.

Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng các dịch vụ đô thị; đầu tư tôn tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của thành phố nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý trật tự đô thị; bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông; xây dựng phương án tổ chức giao thông hợp lý, nhất là tại các nút giao thông trong giờ cao điểm nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình, họ tộc, cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến thực sự trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, nhân dân thành phố, nhất là trong văn hóa giao tiếp nơi công cộng, văn hóa thương mại, văn hóa du lịch, văn hóa giao thông, văn hóa công sở. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; kiên quyết xử lý các vi phạm về trật tự an ninh đô thị, gây rối trật tự nơi công cộng.

Tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội, nhất là tại các quán bar, vũ trường, karaoke, nơi công cộng, không để hình thành các tụ điểm phức tạp, gây dư luận xấu trong nhân dân; xử lý kiên quyết đối với các hành vi vi phạm liên quan đến văn hóa phẩm độc hại, các tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc, số đề, mê tín dị đoan.

Xử lý triệt để 3 nhóm hành vi vi phạm văn minh đô thị

Triển khai kế hoạch của UBND thành phố thực hiện Chỉ thị số 43, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh 7 nhiệm vụ cụ thể gồm: tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về văn hóa, văn minh đô thị; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, phát triển văn học-nghệ thuật và đầu tư thiết chế văn hóa; đảm bảo trật tự an toàn xã hội; giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị; đảm bảo an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh; bảo vệ môi trường; xây dựng nếp sống công cộng và giao tiếp - ứng xử văn minh. Ở mỗi nhiệm vụ sẽ lựa chọn 1 - 3 công việc cụ thể để tập trung giải quyết.

Theo Phó Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, thành phố chỉ đạo tập trung xử lý triệt để 3 nhóm hành vi vi phạm gồm: quảng cáo tờ rơi, rao vặt sai quy định gây mất mỹ quan đô thị; chèo kéo, đeo bám khách du lịch; lang thang xin ăn và ăn xin biến tướng. Để làm được việc này, thành phố thành lập lực lượng liên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý những điểm nóng về văn hóa, văn minh, vệ sinh môi trường… trên địa bàn.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng phát động phong trào thi đua, kêu gọi các tầng lớp nhân dân thành phố thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”.

“Chúng ta phấn đấu xây dựng mỗi người Đà Nẵng trong mắt bạn bè là một người thân thiện, chân thành, hiếu khách; là người nhiệt tình, tận tụy và sáng tạo trong lao động, công tác và  học tập; là người sống vì tập thể, vì mọi người, tôn trọng của công; là người lịch thiệp từ lời nói đến cử chỉ, hành động; biết nói lời “xin lỗi” và “cảm ơn” đúng lúc; là người khỏe mạnh, tháo vát…”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Từ năm 2015, Mặt trận các cấp phối hợp với ngành văn hóa, các tổ chức thành viên và chính quyền rà soát và có kế hoạch nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa; để các danh hiệu như “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Phường, xã văn hóa”… phải là những danh hiệu thực chất.

Các quận, huyện ký kết thi đua thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. UBND thành phố trao quyết định thành lập lực lượng liên ngành để tập trung tổ chức kiểm tra, phát hiện, tham mưu lãnh đạo thành phố xử lý nhanh vướng mắc nảy sinh.

Tạo sự thay đổi nhận thức và hành động

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ cho rằng, việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 43 cho thấy thành phố muốn tạo sự chuyển biến từ nhận thức tới hành động trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Do vậy, từng cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, công chức, đảng viên và người dân hãy tích cực hưởng ứng bằng hành động thiết thực nhất.

Để chỉ thị mang lại hiệu quả rõ nét, đồng chí Trần Thọ đề nghị chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 43 và kế hoạch triển khai của UBND thành phố, tạo sức lan tỏa trong nhận thức và hành động nhằm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trong năm 2015.

Việc phân công trách nhiệm phải cụ thể, rõ ràng, đặc biệt là phải thực sự chu đáo, tỉ mỉ trong từng khâu; vừa làm theo kiểu đặc thù nhưng cũng vừa có trọng tâm, trọng điểm. Ngay sau hội nghị này, từng đơn vị, địa phương, sở, ngành phát động đợt thi đua cao điểm trong đơn vị mình, đồng thời kêu gọi người dân tham gia để phong trào mang lại thành công.

Bên cạnh đó, các địa phương tùy thuộc vào tình hình cụ thể thành lập tổ liên ngành để tham mưu, phát hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý. Công tác xử phạt phải nghiêm túc, công khai. Định kỳ hằng tuần, hằng tháng phải tiến hành giao ban để có sự chỉ đạo, đôn đốc kịp thời, tránh hiện tượng “phát nhiều, động ít”, “đánh trống bỏ dùi”, nói nhưng không làm, không mang lại thành công.

Bí thư Thành ủy Trần Thọ chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy và các cấp đẩy mạnh tuyên truyền nội dung chỉ thị; các cơ quan báo chí thành phố xây dựng chuyên mục, chuyên trang để tập trung tuyên truyền đậm nét. Nhất là cần làm tốt việc phát hiện nhân rộng những đơn vị, cá nhân điển hình trong thực hiện chỉ thị; đồng thời phê phán những nơi làm chưa tốt, buông lỏng trách nhiệm, thiếu quản lý, giám sát chặt…

Ngoài vận động người dân thành phố nêu cao vai trò gương mẫu của công dân Đà Nẵng trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, đồng chí Trần Thọ đề nghị phải tuyên truyền để du khách khi đến Đà Nẵng hưởng ứng chủ trương này nhằm mang lại thành công cao nhất.

Phân công cơ quan thường trực của 4 nhóm

UBND thành phố phân công Công an thành phố thường trực nhóm về trật tự xã hội và trật tự an toàn giao thông. Sở Xây dựng thường trực nhóm về trật tự, mỹ quan đô thị. Sở Tài nguyên và Môi trường thường trực nhóm về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch làm thường trực chung “Năm văn hóa, văn minh đô thị”; trực tiếp phụ trách nhóm nội dung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa, văn minh đô thị; nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa và giao tiếp ứng xử công cộng.

VIỆT DŨNG

.