Năm 2014, hàng ngàn hộ nghèo tại Đà Nẵng đã vươn lên làm ăn thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Có được điều đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Hỗ trợ gạo cho người nghèo dịp Tết tại Đà Nẵng. |
Đối thoại giảm nghèo
Với ông Huỳnh Tâm (50 tuổi, ở phường Nam Dương, quận Hải Châu), cái nghèo, cái khó cứ đeo bám bởi sức khỏe của vợ chồng ông đều yếu, riêng ông bệnh tật hành hạ. Bốn người con với gánh nặng cơm áo và học hành khiến ông bà dường như kiệt sức. Rồi ông được lãnh đạo địa phương gặp gỡ, đối thoại, tìm hiểu hoàn cảnh và giúp đỡ. Với 5 triệu đồng (2,5 triệu đồng được hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo của phường, 2,5 triệu đồng còn lại được vay không lãi), ông mua một chiếc tủ để bán kem.
Tiền lãi từ bán kem cộng thêm khoản thu từ công việc bảo vệ hằng đêm mang lại cho gia đình ông một khoản thu nhập khá. Vợ ông ngoài việc phụ bán kem với chồng còn bán thêm trứng vịt lộn. Nhờ vậy, ông Tâm hiện không còn trong danh sách hộ nghèo.
Bà Trần Thị Kim Yến, Trưởng phòng LĐ-TB&XH, kiêm Phó Ban chỉ đạo giảm nghèo quận Hải Châu cho biết, nhiều năm nay, các địa phương đã tổ chức gặp mặt, đối thoại với từng hộ nghèo, hộ đặc biệt nghèo để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, tư vấn hướng dẫn mô hình, kinh nghiệm làm ăn để hộ nghèo học tập.
Từ chỗ nắm bắt nguyện vọng của các hộ nghèo, quận Hải Châu đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 300 lượt hộ vay hơn 5,5 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, đồng thời cho 69 hộ đặc biệt nghèo vay không lãi hơn 1,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo và các nguồn vận động của các hội, đoàn thể, doanh nghiệp, trong năm, quận đã trao phương tiện sinh kế bằng hình thức vay không lãi cho 143 hộ nghèo với kinh phí hơn 600 triệu đồng.
Hỗ trợ dựa trên chính nhu cầu của người nghèo là cách làm hiện nay của nhiều địa phương. “Qua khảo sát nhiều năm của chúng tôi, các nhu cầu của hộ nghèo chủ yếu tập trung vào sửa nhà, trợ cấp xã hội, học bổng, bố trí chung cư…
Đây là những cách hỗ trợ mang tính hiệu quả cao, bền vững. Nhờ đó, chỉ riêng năm qua, chúng tôi đã giúp hơn 200 hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu, trong đó có 45 hộ đặc biệt nghèo”, ông Phan Trọng Tín, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban giảm nghèo phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) cho biết.
Giảm nghèo chưa bền vững?
Năm qua, Đà Nẵng có hơn 8.500 hộ vươn lên thoát nghèo (trong đó có hơn 1.500 hộ đặc biệt nghèo), vượt xa so với kế hoạch đặt ra đầu năm là giảm 6.000 hộ thoát nghèo trong tổng số hơn 15.000 hộ nghèo theo chuẩn của thành phố. Đó là kết quả từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các hộ nghèo. Tuy nhiên, làm sao để giảm nghèo bền vững là vấn đề cần quan tâm.
Theo ông Phan Trọng Tín, cần quan tâm đến công tác đào tạo nghề hơn nữa. “Nhiều hộ gia đình có đời sống rất khó khăn, phải vay nhiều tiền cho con đi học nhưng con học xong thì không có việc làm và tiếp tục trả lãi nợ. Đó là cái vòng luẩn quẩn. Vì vậy, đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tế và có định hướng ngay từ cấp học cơ sở, tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ như hiện nay”, ông Tín chia sẻ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, một thực tế nữa là việc vận động đối tượng tham gia học nghề còn gặp nhiều khó khăn, bởi hầu hết đối tượng trình độ văn hóa thấp, tuổi cao, chưa tha thiết học nghề. “Hiện nay, một số hộ nghèo có người cao tuổi, người khuyết tật, người thường xuyên ốm đau… dù đã được hỗ trợ bằng nhiều giải pháp nhưng do thiếu nhân lực nên khó có thể thoát nghèo, hoặc thoát nghèo chưa thật sự bền vững”, bà Hương nói.
Bà Hương cũng cho biết, thời gian đến, đơn vị sẽ đánh giá hoạt động trợ giúp hộ đặc biệt nghèo vươn lên thoát nghèo; đánh giá hộ nghèo, hộ thoát nghèo hằng năm; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát, huy động nguồn lực hỗ trợ các địa phương để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả hơn nữa.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ