ĐNĐT - Trưa ngày 13-2, vừa hay tin ông Nguyễn Bá Thanh qua đời, các trang mạng xã hội tràn ngập những dòng chia sẻ, tiếc thương cùng hàng ngàn bài thơ, bài viết nói lên tình cảm yêu mến và lòng kính trọng, tự hào về một người con ưu tú của thành phố Đà Nẵng.
Hơn một năm rưỡi kể từ ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong tôi lại ngập tràn cảm xúc ứa nghẹn, rưng rưng từng giờ, từng phút khi đọc những dòng viết về ông Nguyễn Bá Thanh. Hai con người, hai thế hệ, hai sự nghiệp hoàn toàn khác nhau nhưng luôn được dân yêu, dân quý và để lại một tấm gương sáng cho người dân cả nước nhớ về.
Và cứ như thế, qua facebook, qua mạng xã hội, từng người truyền tai nhau gửi lời chia buồn đến người thân, gia đình cũng như cầu mong ông yên nghỉ nghìn thu trong lòng đất mẹ.
Nhờ facebook, tôi thêm hiểu và tự hào về ông ở tính cách, con người qua lối ứng xử khéo léo, công tâm trong mọi tình huống trên quan trường cũng như ngoài xã hội. Trên trang facebook cá nhân của mình, nhà văn Nguyễn Quang Vinh bộc bạch: “Sự ra đi của anh Nguyễn Bá Thanh cũng như trước đó, sự ra đi của đại tướng Võ Nguyên Giáp kính mến đã gửi một thông điệp rất giản dị nhưng vô cùng cao cả, thông điệp đó lại chính được nhân dân đúc kết từ trong quá khứ.
Để cùng nhân dân xây dựng một thành phố đáng sống như bây giờ ông đã sống xứng đáng với vị trí của mình, cứ lo cho dân, lo cụ thể từ miếng cơm manh áo, từ việc làm cho các cháu thanh niên ra tù, đến bác xích lô, bà bán trứng lộn, chia sẻ tâm tư và nhắc nhở với cả những gã đàn ông vũ phu, biết chối bỏ những dự án làm hại cho quê hương về môi trường, tận hiến từ lời nói đến việc làm, lấy tấm lòng để thu phục những tấm lòng... Không ai ép dân “đau khổ” khi mình chết. Không ai ép được dân đi thăm viếng. Không ai ép được dân khóc vì thương tiếc mình. Chỉ cần thấy hàng ngàn, hàng ngàn người dân Đà Nẵng trong suốt chiều và đêm 12/2, bỏ hết công hết việc ngày giáp Tết, im lặng xếp hàng, im lặng bước tới nhà riêng anh Nguyễn Bá Thanh, im lặng khóc là đủ biết, có một người tên là Nguyễn Bá Thanh đã có vị trí lớn lao như thế nào trong lòng các tầng lớp nhân dân.
Anh Thanh mất đi, những điều tốt đẹp anh ấy để lại không chỉ là cho giới lãnh đạo học tập, mà mỗi chúng ta cũng nhận từ anh một thông điệp sống- sống tử tế thì được đối xử tử tế”. Sự kính trọng, yêu mến kèm theo thông điệp mạnh mẽ từ nhà văn Nguyễn Quang Vinh ngay lập tức nhận được rất nhiều bình luận từ bạn bè trên khắp cả nước, trong đó có gần 2.700 lượt like (thích) và 275 lượt chia sẻ. Bạn đọc Vô Thường bình luận thật ngắn gọn sau khi đọc những dòng trên: “Thêm một tượng đài trong lòng dân. Người dân rất công bằng và sáng suốt”.
Cùng chung nỗi buồn đau khi nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh từ trần, nữ nhà thơ Nguyệt Vũ (Hà Nội) nhanh chóng đăng đàn bài thơ “Về Đà Nẵng đi anh” với lời tựa “Kính tặng anh Nguyễn Bá Thanh”: Cầu Rồng vươn mình ra biển mỗi sớm mai/ Đà Nẵng trường sinh, Bá Thanh bất tử/ Tên Anh sẽ đi vào lịch sử/ Dân quý dân thương tài đức song hành/ Anh đã tạc tên mình Nguyễn Bá Thanh/ Trên sóng biển mênh mông, trên mây trời Đà Nẵng/ Đời bình dị mà quyền năng tỏa rạng/ Sống vì dân xây đất nước Lạc Hồng/ Về đi Anh về với quê hương/ Như cá về với sông, cây về với đất/ Nơi nguồn cội, tình người chân thật/ Về đi Anh - sống giữa lòng dân”.
Dường như với Nguyệt Vũ và nhiều người khác nữa trên khắp cả nước, nói về Đà Nẵng là nói về Nguyễn Bá Thanh, người lãnh đạo sống giữa lòng dân và chết giữa lòng dân.
Bên cạnh những dòng xót thương, đau buồn, người ta nhắc nhiều đến nhân cách lớn của nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng. Nhà báo Võ Kim Ngân, Trưởng Đại diện Báo Người lao động tại Đà Nẵng chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình rằng: “Nhận được tin anh Thanh mất giữa trưa. Gia đình đưa anh từ bệnh viện về lúc 12h10. Anh đã trút hơi thở cuối cùng trong ngôi nhà mình. Nhờ làm báo mà mình biết một con người khiến bao người ngưỡng mộ. Ở anh toát lên tinh thần và phong thái của một người quân tử. Quân tử trong công việc, trong cuộc sống, trong tình cảm. Một quân tử trong thời buổi nhiễu nhương, thật giả đan xen.
Con người của anh là công việc, cuộc sống của anh là tâm huyết và say mê. Con người của anh là nghĩa hiệp che chở và giúp đỡ những người yếu thế, nghèo khó, nhưng con người của anh cũng sắt đá và “anh chị” với những kẻ “anh chị” sừng sỏ, maphia để cầu danh, cầu lợi. Anh đi vào chợ người ta bỏ buôn bán để gặp anh. Anh đến đám đông người ta vỗ tay đón anh. Người ta chờ những lời anh nói, lắng nghe những lời anh nói vì biết rằng nó sẽ thành hiện thực và phải thành hiện thực...”.
Thế mới biết những gì đồng chí Nguyễn Bá Thanh làm được cho Đà Nẵng nhiều lắm. Điều đó thể hiện qua hàng trăm bài viết, bài báo liên tục được xuất bản, được mọi người chia sẻ cho nhau trong khoảng thời gian này. Tôi nhìn thấy ở đó cả nước mắt và sự cúi đầu im lặng cảm nhận mất mát lớn lao này.
Trang facebook Thọ Lê viết: “Trên đường đến nhà Anh, mắt mình cay xè. Cách nhà hơn 100m, cảnh sát giao thông cấm chạy xe, mình đi bộ. Đã thấy rất đông người đứng nhìn vào nhà, gương mặt ai cũng buồn rười rượi. Những vạt hoa bán Tết trước nhà anh được chủ nhân tự di chuyển để chừa không gian lo tang lễ cho Anh. Mà đúng thôi. Hoa sặc sỡ mà chi, Tết mà chi, khi Anh không còn ở cõi đời này. Tất cả thật vô nghĩa. Đau xót vô cùng”. D
ường như, Lê Thọ đang nói thay cho hàng ngàn người dân Đà Nẵng khi nghe tin ông qua đời đã ngay lập tức bỏ ngang công việc vội vã đến trước cửa nhà, chỉ mong gặp mặt ông lần cuối, cùng đôi mắt đỏ hoe, rưng rưng xúc động.
Trên mạng xã hội, bạn Lê Phi, một trong những người may mắn được vào thăm đồng chí Nguyễn Bá Thanh khi ông vừa trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng đã viết: “Được vào thăm và nhìn mặt Bác lần cuối, lòng nghẹn ngào đau xót. Tuy không sinh ra trên xứ Quảng Đà, nhưng giờ đã là công dân thành phố, tự hào về thành phố nhiều bao nhiêu thì lòng kính mến về Bác lớn bấy nhiêu. Bao nhiêu năm chưa được ngon giấc vì dân Đà Nẵng còn khổ, thành phố còn lắm khó khăn. Giờ Bác đã được ngủ một giấc ngủ ngon lành”.
Mỗi người một cảm xúc, một tâm trạng khác nhau nhưng đọng lại sau đó là tất cả tình yêu, niềm trân quý, tự hào về mảnh đất Đà Nẵng đã sinh ra một người con như Nguyễn Bá Thanh. Ở đó, hình ảnh ông hiện lên thân thương như người cha, người chú, như người anh, người em ân cần và gần gũi giữa bao người.
Để tỏ lòng yêu kính, tự hào, nhiều người cũng chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình bài hát “Hát về anh Nguyễn Bá Thanh” do nhạc sĩ Cao Tâm sáng tác cách đây không lâu, trong thời gian ông đang điều trị bệnh: “Con người tâm hồn trong sáng như vầng dương. Con người ấy dạt dào yêu thương. Con người nặng tình quê hương nên lòng dân quý dân thương chẳng nguôi. Người là anh hùng sinh từ gốc rạ quê hương tôi yêu dân đâu quản nhọc nhằn gian truân”.
Những ca từ ngọt ngào, sâu lắng trên đã chạm vào trái tim, cảm xúc của bao người. Tạm kết bài viết này, tôi xin mượn một câu trong ca khúc trên đặt tên cho bài viết, bởi qua những tình cảm chân thành, sâu sắc mà người dân cả nước đã, đang dành cho ông cho thấy Nguyễn Bá Thanh thật sự là anh hùng, người anh hùng sinh ra từ gốc rạ.
TIỂU YẾN
*Trích từ ca khúc “Hát về anh Nguyễn Bá Thanh”.