Chính trị - Xã hội

Chất liệu làm nên phẩm cách một con người

07:16, 17/02/2015 (GMT+7)

Đà Nẵng chiều cuối năm Giáp Ngọ, nắng vàng trải dài trên hai bờ sông Hàn lộng gió. Sắc xuân phơi mình trên những con đường xa xôi, hẻo lánh được bê-tông hóa ở vùng quê của Hòa Vang, hay từng con phố ở các quận Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn… làm Đà Nẵng vốn bình yên, thơ mộng càng trở nên đằm thắm hơn bao giờ hết.

Nhiều người dân đã khắc họa lại chân dung ông Nguyễn Bá Thanh và đem dâng lên trước vong linh ông để bày tỏ lòng tôn kính, tiếc thương. 								                  Ảnh: VĂN NỞ
Nhiều người dân đã khắc họa lại chân dung ông Nguyễn Bá Thanh và đem dâng lên trước vong linh ông để bày tỏ lòng tôn kính, tiếc thương. Ảnh: VĂN NỞ

Khắp làng quê, phố phường, mọi người cũng đang nô nức, hối hả để chuẩn bị cho một cái Tết truyền thống của dân tộc sau 40 năm ngày Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng và gần 20 năm thành phố trở thành đô thị trực thuộc Trung ương.

Rồi bỗng một hung tin được lan truyền nhanh chóng từ mọi nẻo đường, góc phố và cả trên nhiều mạng thông tin xã hội về người con thân yêu của Đà Nẵng - Nguyễn Bá Thanh - đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

Dẫu biết rằng những ngày qua bệnh tình của Anh thêm nặng, tiến triển rất xấu, các y, bác sĩ và những người thân yêu luôn túc trực, tận tình chăm sóc cứu chữa, nhưng tôi cũng như nhiều người ở thành phố bên bờ sông Hàn này không thể tin được Anh lại ra đi vào một ngày cuối năm như vậy?

Sự ra đi của Anh đã làm cho mọi người bàng hoàng, xúc động, đau thương.

Từ khi Anh lâm bệnh, đi chữa trị ở nước ngoài trở về cho đến hôm nay, sự quan tâm của người dân Đà Nẵng dành cho Anh thật vô cùng lớn lao. Họ chăm chú theo dõi, đón Anh về từ sân bay đến bệnh viện và nay từ bệnh viện lại âm thầm, buồn bã đưa anh về ngôi nhà thân yêu của mình để rồi ra đi mãi mãi.

Một sự tiếc thương và dành tình cảm cho Anh của mọi người như vậy nói lên tất cả những gì mà Anh đã không mệt mỏi cống hiến trong suốt chặng đường dài cho quê hương Đà Nẵng thân yêu.

Bởi để có một Đà Nẵng như hôm nay, chỉ trong vòng gần 20 năm, thành phố phải vượt qua biết bao khó khăn trở lực trong việc tiến hành di dời, giải tỏa gần 100 ngàn hộ dân với hàng chục vạn nhân khẩu, nhường đất cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang độ thị.

Vậy là hàng trăm khu dân cư mới khang trang sớm được hình thành, hàng trăm tuyến đường được cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới. Gần chục cây cầu mới bắc qua sông Hàn với nhiều phong cách khác nhau đã làm sông Hàn trở nên lung linh, huyền ảo về đêm và hơn thế, nhanh chóng biến vùng đất phía Đông và phía Nam thành phố tăng tốc phát triển để hội nhập chung với khu trung tâm.

Làm được điều đó, Đảng bộ và chính quyền thành phố, đứng đầu là Anh Nguyễn Bá Thanh trong những năm làm Chủ tịch hay Bí thư, dành nhiều tâm trí, sức lực để xông vào nơi khó khăn, phức tạp, từng bước tìm ra nhi ều giải pháp nhằm huy động ở mức cao nhất “sự đồng thuận của lòng dân” trong việc di dời, giải tỏa nhường đất cho quá trình mở mang phát triển đô thị Đà Nẵng thành một trung tâm phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung như hiện nay.

Một Đà Nẵng hôm nay thật ấn tượng trong mắt chính người dân Đà Nẵng và bạn bè trong và ngoài nước có dịp đến nơi đây.

Khi được tin Anh mất, anh Mai Đức Lộc, Tổng Biên tập báo điện thoại cho tôi trong tâm trạng xúc động rối bời rằng tôi phải viết một bài cho số đặc biệt của Báo Đà Nẵng để tưởng nhớ về Anh, một con người đã miệt mài, đầy sáng tạo, dám đối đầu với mọi khó khăn, thử thách cam go để góp phần từng bước tạo nên một diện mạo Đà Nẵng vô cùng ấn tượng với bạn bè trong nước và quốc tế mỗi khi có dịp đến với thành phố bên bờ Biển Đông.

Vậy là ngay trong đêm nay tôi ngồi vào bàn viết từ một giờ sáng. Nhưng suốt gần ba tiếng đồng hồ ngồi trước máy tôi viết đi, viết lại nhiều lần mà vẫn chưa ưng ý. Tôi cầm máy nhắn tin cho anh Mai Đức Lộc rằng tôi không thực hiện được bài viết và xin hẹn một dịp khác. Thế là tôi lại cập nhật vào mạng xã hội.

Một cảnh tượng vô cùng ngạc nhiên khi trước mắt tôi hiện ra thật không biết cơ man nào những thông tin, hình ảnh về Anh trong những năm Anh xông pha, lặn lội mọi nẻo đường, góc phố để nghe, để hiểu, để đối thoại về những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân về cuộc sống, về quá trình chỉnh trang đô thị Đà Nẵng.

Đó là hình ảnh Anh ngồi đánh cờ với dân bên bờ sông Hàn; đá bóng để gây quỹ từ thiện; thăm và tặng quà cho các bệnh nhân ở bệnh viện hay từng gia đình; trong các cuộc đăng đàn diễn thuyết trước hàng ngàn người dân, cán bộ về những vướng mắc trong công tác đền bù, giải tỏa phải giải quyết; về những công việc phải làm, về những thách thức phải vượt qua, về tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức đối với dân với nước; thậm chí nhiều người còn tạo nên những bức ảnh đầy ấn tượng lồng ảnh của Anh trong hình cờ Tổ quốc, trong cảnh thiên thai ở Bà Nà, Núi Chúa, và cảnh Đức Phật đón anh về…

Không những vậy, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội..., nhiều người dân Đà Nẵng và khắp nơi trên đất nước đã có hàng ngàn lời tiếc thương, cảm xúc cầu mong cho linh hồn của Anh thanh thản ra đi và chia sẻ sự đau buồn với gia đình Anh đã làm tôi vô cùng xúc động.

Để có được những hình ảnh mà người dân, bạn bè coi là kỷ niệm vô cùng sâu sắc, đầy ấn tượng với Anh trong những năm tháng hoạt động hay những cảm xúc tận đáy lòng khi hay tin Anh ra đi vĩnh viễn là một câu chuyện vô cùng kỳ thú.

Bởi đó là chất liệu sinh động nhất, có giá trị cao nhất để làm nên phẩm cách một con người - con người cách mạng - khi mà cuộc đời và sự cống hiến của Anh đã được cán bộ, nhân dân Đà Nẵng tin yêu, mến phục.

Với tôi, Anh là người cùng học ở trường miền Nam trên đất Bắc, cùng trong cảnh nhớ quê, nhớ người thân trong những năm chiến tranh khốc liệt, nên đã hình thành trong tâm thức chúng tôi một tình cảm sâu nặng là rất yêu thương, quý mến để động viên, giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian khổ, không ngừng ra sức học tập sớm trở về quê hương phục vụ. Nhưng chúng tôi cũng có một tính cách khá đặc trưng là hay cãi nhau một cách quyết liệt khi có chuyện nào đó mình cảm thấy bất bình mà chưa ra lẽ.
Sau này, trong những năm tháng cùng công tác trên địa bàn Đà Nẵng, Anh là nhà quản lý, nhà lãnh đạo, còn tôi làm báo, nên giữa tôi và Anh có rất nhiều kỷ niệm với nhau.

Thậm chí có lần tôi và Anh ngồi đối thoại với nhau tại phòng làm việc của Anh suốt 4 tiếng đồng hồ liền về những việc mà tôi cần biết rõ và Anh cũng muốn giãi bày một cách tường tận để sau đó chúng tôi hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau trong công việc.

Từ những cảm xúc đó, tôi âm thầm chọn từng con chữ để hoàn thành bài viết về Anh lúc 7 giờ 30 sáng 14-2 này, ngày được mọi người trên hành tinh này chọn là ngày Lễ tình nhân. Như một sự kết nối vô hình giữa những trái tim đầy yêu thương, giàu cảm xúc, đầy mơ ước và khát vọng sống cho quê hương, đất nước của Anh và của cán bộ, nhân dân Đà Nẵng đã gặp nhau đâu đó để bồi đắp nên sự thâm tình sâu sắc, khi Anh đã dành cho mọi người sự cống hiến bằng trái tim nhiệt huyết, yêu thương, nhân hậu và mọi người cũng dành cho Anh tình yêu thương nồng cháy.

Đất trời Đà Nẵng mấy hôm nay vẫn nắng hồng rực rỡ tô thắm thêm cho thành phố đang vươn mình lên những tầm cao mới và mọi người chuẩn bị đang đón một mùa Xuân đầm ấm sau 40 năm quê hương được hoàn toàn giải phóng.

Vậy mà Anh không được cùng chia vui, lại bất ngờ ra đi vĩnh viễn, để lại niềm tiếc thương của gia đình, đồng đội và người dân Đà Nẵng.

Cầu mong linh hồn Anh siêu thoát ở cõi vĩnh hằng.

LÊ MINH HÙNG

.