.

"Chỉ cần con khỏe, ăn Tết ở đâu cũng được"

.

ĐNĐT - “Tết ở nhà hay Tết trong bệnh viện cũng chẳng sao. Con bệnh thì lòng mình đâu màng chi xuân với Tết. Chỉ mong một điều duy nhất: Mỗi giờ, mỗi ngày trôi qua, con lại khỏe hơn một chút”.

Hành trình còn dài nhưng hai bố con đã có thể nở nụ cười khi hy vọng lại được thắp lên
Hành trình còn dài nhưng hai bố con Gia Bảo đã có thể nở nụ cười khi hy vọng lại được thắp lên

Nếu bên kia cánh cổng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, mọi người đang đếm ngược thời gian đón đợi khoảnh khắc chào năm Ất Mùi, thì bên này, mọi buồn vui, lo âu, hạnh phúc chỉ đơn giản là người bệnh có thể ngồi dậy, đi đứng và ăn hết sạch một bát cháo. Với những ông bố, bà mẹ có con ung thư, xuân về không thể bừng sáng bằng một nụ cười trên môi đứa con bé nhỏ của mình.

Mấy hôm nay, bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng lần lượt trở về quê đón Tết, nhưng bé Huỳnh Gia Bảo, 12 tháng tuổi vẫn “được” ở lại đợt này. Gia Bảo là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay tại Bệnh viện Ung thư.

Cậu bé nhỏ xíu mang căn bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Quanh em đầy dịch truyền và thuốc nhưng không bao giờ em quấy khóc, dù có lúc sốt triền miên. Bất kể gặp người quen, người lạ, cậu bé đều nhoẻn miệng cười khiến ai nấy thương em đứt ruột. Đôi mắt sưng húp, vậy mà Bảo luôn cố nhướng lên để nhìn mọi người cho thật rõ. Cũng vì sự đáng yêu này mà ngoài ba và mẹ, em còn có rất nhiều “ông, bà, cô, bác” là người chăm bệnh, bệnh nhân và y bác sĩ tại đây.

Nở nụ cười sau đôi mắt hốc hác vì bao đêm mất ngủ, anh Huỳnh Văn Giã, cha Gia Bảo kể: Vừa qua, Bảo được chính bác sĩ Khoa Huyết học và Nhi tổ chức mừng sinh nhật đầu tiên cho cháu ngay tại giường bệnh. Nhìn chén cháo sạch veo, ông bố trẻ không thể kiềm chế sự phấn kích: “Thằng nhỏ ăn được hết chừng đó là điều chúng tôi không dám mơ tới”.

Không dám mơ, bởi trước đây tròn một tháng, chính anh là người viết lá đơn cầu xin các bác sĩ Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng hãy nhận và cứu con mình trong tình trạng bé quá nhỏ và quá yếu. Chuyển con về từ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh, vợ chồng anh mang theo một tâm nguyện, đưa cháu về quê, cứu chữa được đến đâu hay đến đó.

Gia Bảo là con trai đầu lòng của người cha tự nhận mình “không quá già để cưới vợ, sinh con”. Gần 40 tuổi, anh Giã mới dám lập gia đình bởi hoàn cảnh khó khăn. Lớn lên cùng 9 anh em trai ở Điện Bàn, Quảng Nam, anh Giã sớm vào Thành phố Hồ Chí Minh thuê nhà trọ tự thân lập nghiệp bằng công việc công nhân da giày. Nhắc đến con trai, gương mặt ông bố trẻ lại rạng rỡ: “Trộm vía, mình có con muộn hơn bạn bè, nhưng Gia Bảo từ lúc sinh ra đã luôn tươi cười, dễ tính. Cu cậu ăn xong là chơi và ngủ”.

Quay sang nhìn con sau tấm cửa kính, giọng người cha lại nghẹn ngào: Đến 11 tháng tuổi, Gia Bảo hay sốt. Mình cứ nghĩ trẻ con mọc răng, viêm họng nên sốt là bình thường. Cho đến khi nhận kết quả xét nghiệm máu có dấu hiệu bất thường, được chẩn đoán bạch cầu cấp sốt nhiễm trùng và kết luận gần đây là bạch cầu cấp dòng tủy, tôi thực sự quá bàng hoàng.

Bệnh viện tại Tthành phố Hồ Chí Minh quá tải, kèm điều kiện ở trọ, kinh tế bấp bênh, vợ chồng anh Giã quyết định mang con về Đà Nẵng cho gần quê, gần nhà. Lúc vào Bệnh viện Ung thư, Gia Bảo sưng phù toàn thân, mê man li bì, tiên lượng xấu. Thế nhưng, qua một tháng điều trị tại đây, sức khỏe cậu bé có tiến triển. Bé Bảo vừa qua cơn nguy kịch. Hành trình điều trị cho con tưởng có lúc đến đường cùng, nhưng giờ mọi hy vọng lại nhen nhóm trong anh.

Nghe hỏi về việc Tết này nếu phải ở trong bệnh viện, gia đình nhỏ của anh có cảm thấy buồn không, anh Giã ôm con vào lòng thủ thỉ: “Chỉ cần con khỏe thì chỗ nào với ba mẹ cũng có Tết rồi!”.

Cũng như Gia Bảo, chàng trai vừa tròn 18 tuổi Nguyễn Trung H. sẽ phải ăn Tết cùng các bác sĩ. H. đang nằm tại Khoa Chăm sóc giảm nhẹ với cơ thể tong teo, tím bầm. Giọng thỏ thẻ, H. nói: Đây là lần đầu tiên em không được đón Tết ở nhà. Em thích nhất là đi chơi với các bạn và về quê thăm họ hàng. Em cũng tiếc bây giờ không thể ăn nhiều món mà Tết mình vẫn thường ăn.

Tết năm vừa rồi, dù vẫn đang điều trị, nhưng H. được bác sĩ cho về nhà vài ngày. Riêng năm nay, em không thể thực hiện điều đó.

Năm 16 tuổi, H. được phát hiện bị ung thư máu. Trước đó, cậu học sinh cấp 3 vẫn khỏe mạnh, vô tư như bao bạn bè. “Tự dưng em hay mệt, hay sốt rồi nghe chẩn đoán bị ung thư”, H. chia sẻ. Và cũng như sự “tự dưng” khó hiểu của hai năm trước, hiện tại H. cũng không hiểu sao bệnh tiến triển nhanh quá khiến em không thể có được vài ngày vui Tết với bạn bè.

Trước khi vào gặp H., tôi định bụng sẽ hỏi em cảm giác thế nào khi phải ăn Tết trong bệnh viện. Nhưng gặp em rồi, bỗng cảm thấy câu hỏi của mình sao lạc lõng, vô duyên. Làm sao có thể hỏi em, một cậu thanh niên mới lớn, đang tuổi chơi, tuổi học và ngời ngời mơ ước rằng có buồn không khi lỡ hẹn với Tết? Chỉ biết động viên em hãy cố lên để Tết năm sau lại được làm những điều mình thích. Không đáp lại lời chia sẻ, H. quay mặt, lặng im…

Thu Hoa

 

;
.
.
.
.
.