.

Coi trọng công tác tư tưởng

.

Thời gian qua, nhiều đơn vị tàu của Vùng 3 Hải quân được giao nhiệm vụ trực tuần tra bảo vệ chủ quyền trên biển.

Quan sát, phát hiện các mục tiêu trên biển.
Quan sát, phát hiện các mục tiêu trên biển.

Thời gian trực thường kéo dài, bộ đội phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thử thách, hiểm nguy... Vậy, làm thế nào để cán bộ, chiến sĩ yên tâm bám biển, làm chủ biển?

Hải đội 311, Lữ đoàn 161, Vùng 3 Hải quân là một trong những đơn vị thường xuyên làm nhiệm vụ trực dài ngày trên biển. Chỉ tính riêng năm 2014, đơn vị đã có hàng chục lượt tàu rời bến, đi gần 30.000 hải lý. Trong năm, có những con tàu đi trực dài tới gần 200 ngày; nước ngọt, rau xanh, thực phẩm có thể cạn kiệt nhưng bản lĩnh, ý chí và nghị lực của họ thì không bao giờ lay chuyển. Đầu năm 2015, nhiều tàu vừa cập bến lại nhận được lệnh chuẩn bị mọi mặt tiếp tục hành trình ra khơi làm nhiệm vụ. Dù chưa được nghỉ ngơi nhưng tất cả đều chấp hành mệnh lệnh, sẵn sàng lên tàu ra với biển.

Trung tá Nguyễn Văn Kiên, Chính trị viên Hải đội 311 cho biết: Để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ trực dài ngày trên biển không đơn thuần chỉ là động viên mà phải làm cho họ thấu suốt nhiệm vụ, chấp nhận gian khổ, hy sinh để bám biển; kiên quyết, kiên trì, dũng cảm, khôn khéo, linh hoạt trong xử lý các tình huống... Vì vậy, xây dựng yếu tố chính trị tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trước mỗi chuyến đi là rất quan trọng, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy không chỉ tận tình, trách nhiệm mà phải gần gũi, hiểu và thương cán bộ, chiến sĩ như chính người thân ruột thịt của mình.

Thượng úy Hoàng Văn Lâm, Thuyền trưởng tàu 628 cho rằng: Nếu cán bộ, chiến sĩ đi biển mà không yêu thương nhau thì rất khó thống nhất ý chí và hành động. Đã xác định “tàu là nhà” thì cán bộ, chiến sĩ trên con tàu ấy đều là anh em, biết đồng sức, đồng lòng gánh vác, giải quyết mọi công việc... Yêu thương nhau cũng chính là điều kiện thuận lợi để lãnh đạo, chỉ huy “truyền lửa” cho bộ đội, xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Là cán bộ chính trị đã tham gia nhiều chuyến đi biển, xử lý nhiều tình huống phức tạp, Trung tá Nguyễn Quang Vinh, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 161, Vùng 3 Hải quân cho biết: Cán bộ, chiến sĩ trong lữ đoàn cơ bản đều đã được thay nhau thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển. Thời gian ở bờ chỉ tính trên đầu ngón tay, có những chuyến tàu hoạt động hơn một tháng, vừa trở về đất liền sau 24 tiếng đồng hồ bổ sung thêm nhiên liệu, tiếp thêm thực phẩm lại nhổ neo rời bến. Vì vậy, nếu không có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, có niềm tin vào vũ khí trang bị thì cán bộ, chiến sĩ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Được biết, ở Vùng 3 Hải quân, trước khi đi biển, các tàu đều làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt, trong đó coi trọng yếu tố chính trị tinh thần cho bộ đội. Ngoài giáo dục, tuyên truyền, xây dựng quyết tâm, đơn vị còn chuẩn bị đầy đủ vật chất về văn hóa tinh thần như: sách, báo, phim chuyện, karaoke... để ngoài những ca trực, hay những lúc trời yên, biển lặng, cán bộ, chiến sĩ lại có những giây phút thư giãn xua đi bao vất vả, lo toan.

Theo kinh nghiệm của Trung tá Nguyễn Quang Vinh, những lúc sóng to, gió lớn hay khi đối mặt với các tình huống phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh, tính mưu trí, gan dạ, dũng cảm của người lính biển thì việc giải quyết tốt vấn đề tâm lý cho bộ đội càng cần thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, trên một chuyến tàu trực có nhiều thành phần, lực lượng, nhất là lực lượng tăng cường lần đầu tiếp xúc với tình huống phức tạp không tránh khỏi lo lắng; khi đó ngoài công tác động viên còn phải phát huy tốt sự gương mẫu, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ tàu, ngành để xây dựng ý chí, niềm tin cho bộ đội.

Bao giờ cũng vậy, khi các đơn vị đi làm nhiệm vụ trên biển, cấp ủy, chỉ huy đều chủ động nắm chắc lý lịch, hoàn cảnh gia đình, cũng như các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ để theo dõi và tìm cách động viên, đồng thời, phân công cán bộ, đảng viên có trách nhiệm nắm và quản lý tư tưởng bộ đội. Mặt khác, thông qua sinh hoạt tổ 3 người, các ngành, các kíp trực trên tàu..., nhất là thông qua hoạt động “Ngày chính trị văn hóa tinh thần”, các mối quan hệ đồng chí, đồng đội, cấp trên với cấp dưới, gia đình và xã hội… lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị nắm chắc được tình hình tư tưởng để động viên kịp thời.

Do làm nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, phức tạp, bộ đội thường xuyên phải đối mặt với sóng gió, hiểm nguy nên công tác dự báo tư tưởng cũng được các cấp ủy Đảng hết sức coi trọng. Căn cứ vào từng nhiệm vụ, từng thời điểm, lãnh đạo, chỉ huy các cấp chủ động làm tốt công tác nắm, dự báo, phân tích, đánh giá để kịp thời có chủ trương, biện pháp giải quyết tư tưởng. Nội dung dự báo thường tập trung vào việc nắm khuynh hướng tư tưởng của bộ đội; niềm tin vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tính tích cực tự giác trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đoàn kết, kỷ luật… Trong đó, đặc biệt coi trọng dự báo khuynh hướng tư tưởng tiêu cực, như: dao động tư tưởng, lơ là mất cảnh giác trong quá trình làm nhiệm vụ trên biển..

Bài và ảnh: HẢI QUÂN

;
.
.
.
.
.