.

Công tác cai nghiện gặp khó

.

Theo thông tin từ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, số người nghiện trên địa bàn thành phố tăng hơn nhiều so với trước đây với khoảng 1.900 người nghiện có trong hồ sơ quản lý. Đáng chú ý, số đối tượng được đưa vào cai nghiện tập trung còn ít, phần lớn cai nghiện tại cộng đồng.

Cách đây chưa lâu, các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng đã có đợt kiểm tra công tác cai nghiện ngoài cộng đồng tại địa phương và phát hiện nhiều bất cập, tồn tại. “Ở các trung tâm y tế tuyến quận, huyện, cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện chưa thể đáp ứng đủ điều kiện để cắt cơn, giải độc… Hầu hết các trung tâm y tế đều tận dụng, sửa chữa lại phòng bệnh bằng cách làm thêm vách ngăn với các phòng khác để phục vụ các đối tượng nghiện”, cán bộ Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng cho biết.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội ở các xã, phường, việc quản lý các đối tượng nghiện gặp nhiều khó khăn, nhất là những đối tượng thường thay đổi chỗ ở, nơi cư trú.

Ngoài ra, những đối tượng nghiện không có nghề nghiệp ổn định, một phần trong số đó bị tái nghiện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến gia đình và những người xung quanh. Hiện tại, ngành Y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế khẩn trương bố trí phòng, đội ngũ y bác sĩ đảm nhận nhiệm vụ cắt cơn, giải độc cho các đối tượng nghiện, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự.

Trung tâm y tế các quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng đã bố trí, cải tạo phòng dành riêng cho đối tượng nghiện ma tuý cắt cơn, giải độc. Lãnh đạo thành phố cũng phê duyệt kinh phí để người nghiện trong thời gian lưu lại cơ sở tiếp nhận với tiền ăn, thuốc chữa bệnh hơn 80.000 đồng/người/ngày; tiền mua sắm áo quần, vật dụng sinh hoạt 400.000 đồng/người, tiền xét nghiệm 650.000 đồng/người.

Trước những khó khăn trên, Đà Nẵng đã mạnh dạn đề xuất cách làm riêng nhằm xử lý hiệu quả công tác cai nghiện cho người nghiện bằng việc ra Quyết định số 28 ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn, kèm theo chính sách hỗ trợ.

Theo đó, các ngành liên quan như: tư pháp, công an, LĐ-TB&XH của các quận, huyện trong vòng 3 ngày phải thống nhất lập hồ sơ, chuyển qua tòa án. Sau đó, trong vòng 3-5 ngày, tòa án ra quyết định có đưa người nghiện vào cai nghiện tập trung hay không.

Tuy nhiên, để hoạt động này phát huy hiệu quả, cần khắc phục những tồn tại, hạn chế như: việc triển khai công tác cai nghiện tại gia đình và việc xem xét hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn chậm; việc quản lý di biến động và dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện vẫn còn nhiều khó khăn, một số địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện nên việc quản lý địa bàn, quản lý đối tượng còn nhiều sơ hở.

Thiết nghĩ, thành phố cần có thêm chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy; bổ sung, sửa đổi chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở dân lập điều trị nghiện tự nguyện.

HƯƠNG SEN

;
.
.
.
.
.