.

Không thể quên ơn Anh

.

Xin được gọi đồng chí/ông Nguyễn Bá Thanh là Anh, vì danh xưng này có lẽ là thân thương, gần gũi nhất chúng tôi luôn dành cho Anh.

Đối với các tầng lớp phụ nữ Đà Nẵng, Anh là biểu tượng một con người của hành động - những hành động xuất phát từ trái tim! Và những hành động này đã để lại những dấu ấn sâu sắc, không thể nào phai trong phụ nữ Đà Nẵng quê hương Anh.

Gặp gỡ phụ nữ tham gia công tác Hội.
Gặp gỡ phụ nữ tham gia công tác Hội.

1. Còn nhớ những năm đầu 2006, khi Anh đưa ra ý tưởng, có người bàn luận: Vì sao phải có bệnh viện dành riêng cho phụ nữ khi Đà Nẵng đã có Khoa Sản trong cái Bệnh viện Đa khoa lớn nhất miền Trung này? Bây giờ thì mọi người đã có câu trả lời thỏa đáng vì tất cả những gì bệnh viện này đã làm được và đã trở thành địa chỉ tin cậy của phụ nữ không chỉ ở Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung.

Nhưng, nhớ lại những ngày Anh vừa thuyết phục, vừa xắn tay vào việc này, chúng tôi càng nể trọng tấm lòng của Anh. Và có lẽ chưa bao giờ chương trình nào lại thu phục nhiều phụ nữ, nam giới và trẻ em vào cuộc như Chương trình truyền hình trực tiếp “Thắp sáng niềm tin” - vận động xây dựng “Trung tâm chẩn đoán và chữa bệnh cho phụ nữ nghèo” (dự kiến tên gọi đầu tiên Bệnh viện Phụ nữ hiện nay) do Hội LHPN TP. Đà Nẵng tổ chức vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.

Cả đến khi Chương trình truyền hình trực tiếp đã khép lại do thời lượng phát sóng, nhưng Ban tổ chức vẫn liên tục nhận được nhiều cuộc điện thoại đến “đường dây nóng” xin được ủng hộ xây dựng trung tâm. Và, nhiều ngày sau đó, nhiều người đã đến t ận cơ quan Hội LHPN thành phố để ủng hộ vừa tinh thần, vừa vật chất tham gia xây dựng trung tâm.

Còn nhớ, có một ông bố dẫn một cháu gái nhỏ đến Hội xin ủng hộ và nói rằng, cha con anh đều rất vui vì Đà Nẵng có trung tâm này và số tiền này là từ tiết kiệm heo đất của cháu gái. Có lẽ hơn ai hết, những ông bố, bà mẹ nhìn thấy rõ tương lai tốt đẹp hơn của con gái mình từ ý tưởng và quyết tâm này của Anh. 2,3 tỷ đồng từ sự tham gia của các ông bố, bà mẹ, những người phụ nữ bình thường nhất, thậm chí nghèo khó nhất; của các cháu trai, cháu gái tuy là ít ỏi so với tổng số tiền để xây dựng được một bệnh viện chất lượng cao như thế, nhưng đó là vạn tấm lòng tin tưởng, ủng hộ tấm chân tình của Anh dành cho phụ nữ.

2. Có lẽ không ai ngờ, trong vô vàn những lá đơn, lời cầu cứu đến với Anh hằng ngày, hằng giờ thì đã đọng lại trong Anh những gương mặt phụ nữ tím bầm, bị ruồng rẫy, vất vưởng ngoài đường...

Biết bao chuyện Anh phải lo toan, gánh vác: cơ sở hạ tầng, nghèo, đói, nhà ở, an ninh trật tự, an toàn giao thông..., vậy mà, một chuyện Anh day dứt rồi trực tiếp “ra tay”, đó là cuộc gặp mặt 130 ông chồng có hành vi bạo lực gia đình vào năm 2009. Đã gần 6 năm trôi qua, nhưng mỗi lần Tết đến, chúng tôi lại nhớ đến hình ảnh của những ông chồng “tiến bộ” được Anh tặng quà sau chưa đầy 5 tháng theo dõi, giúp đỡ, mới thấy hết ý nghĩa “Từ một cuộc gặp mặt đầy tính nhân văn” (1).

Bây giờ thì các cấp, các ngành đều đã vào cuộc, ngày càng nhiều người dân xem bạo lực gia đình là hành vi “phải chống”, “phải tránh vi phạm” đối với phụ nữ, nhưng ở thời điểm đó, rất nhiều người, kể cả những ông chồng bạo lực vợ thường xuyên vẫn “ngơ ngác” không hiểu vì sao ông Nguyễn Bá Thanh mời mình đến “gặp mặt”!

3. Khi còn là Bí thư Thành ủy, dẫu bộn bề công việc, nhưng Anh vẫn thường dành thời gian đến thăm chị em Hội LHPN thành phố. Anh gần gũi là thế, nhưng chị em chúng tôi thường hay có cảm giác ngại khi nói với Anh những việc mình đã làm, bởi cảm thấy quá nhỏ bé so với những gì Anh làm, Anh mong đợi.

Còn nhớ, Tết năm 2010, khi đến thăm, Anh hỏi Hội đã làm gì cho phụ nữ nghèo - anh luôn quan tâm đến phụ nữ nghèo, và chúng tôi thật thà báo cáo, ngoài những hoạt động tặng quà, Hội đã tạo điều kiện cho các chị phụ nữ nghèo vay vốn lãi suất thấp để làm ăn. Anh bảo “Họ đã nghèo mà còn vay thì tiền mô mà trả! Tôi sẽ bàn với HĐND chuyển cho Hội một tỷ để hỗ trợ không hoàn lại cho chị em nghèo; tiền hay phương tiện sinh kế do Hội tính”.

Và ngay sau đó, trong tài khoản của Hội đã có thêm một khoản tiền lớn, gấp nhiều lần số tiền Hội đã cố gắng vận động được trước đó để làm những việc Anh giao. Những năm gần đây, Tết đến, Xuân về, chúng tôi thường đến thăm Anh, chia sẻ với Anh những gì Hội đã làm cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo. Anh lắng nghe, trầm ngâm, gật đầu. Anh vẫn thế, làm tốt thì anh ghi nhận, thể hiện bằng ánh mắt, gật đầu hài lòng, nhưng ít nói lời khen; làm không tốt thì Anh chỉ ra ngay, thậm chí phê bình gắt để phải làm tốt hơn, rõ hơn.

4. Không chỉ quan tâm đến phụ nữ nghèo nói chung, Anh luôn quan tâm đến những phụ nữ yếu thế nhất, đó là phụ nữ đơn thân. Trước đây chúng ta thường nghe một vài “xóm không chồng” bởi hậu quả chiến tranh. Họ ở gần nhau, cùng cám cảnh, cùng chia sẻ. Câu chuyện ấy ở thành phố này trước đây dường như chỉ là một trong câu chuyện nhỏ rải rác trong các khu dân cư, không phải ai cũng quan tâm, đùm bọc.

Nhưng với Anh, đó là những mảnh đời xã hội có trách nhiệm bởi nếu đa phần phụ nữ đều có thêm một “bờ vai” của đàn ông để cùng gánh vác chuyện nuôi dạy con cái, thì phụ nữ đơn thân phải gánh cả hai vai. Lo cái ăn, cái học của con đã oằn vai vì chân yếu, tay mềm; huống chi lúc mưa bão, nhà cửa dột nát không có bàn tay đàn ông chèo chống; nhiều chị không có nhà sống nhờ cha mẹ, anh em thì chật chội, thậm chí bị ruồng rẫy vì trở thành gánh nặng; nhiều chị phải ở trong những phòng trọ thuê mướn không đủ tiền để trả nên rày đây, mai đó.

Có lẽ, Đà Nẵng là nơi đầu tiên xây dựng nhà ở cho những phụ nữ đơn thân và ở đó đã có Chi hội Phụ nữ của những hội viên “không chồng” từ chủ trương của Anh và Anh là người đích thân vận động kinh phí để xây dựng 126 căn hộ đầu tiên tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.

Không dừng lại ở việc làm này, tại Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố Đà Nẵng lần thứ 12 (tháng 11-2011), bên cạnh chủ trương về “Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo” (2), anh đã giao cho Hội LHPN thành phố khảo sát nhu cầu nhà ở của phụ nữ nghèo, trong đó ưu tiên giải quyết cho phụ nữ đơn thân trình HĐND, UBND bố trí chung cư cho các chị. Và từ đó, chủ trương này của Anh vẫn được triển khai, nhiều phụ nữ đơn thân, phụ nữ nghèo đã có căn hộ ấm áp trong các chung cư, an lòng nuôi dạy con cái. Và có lẽ, không chị nào có thể quên ơn Anh.

5. Có rất nhiều câu chuyện về Anh đối với phụ nữ Đà Nẵng, nhưng câu chuyện cuối cùng chúng tôi muốn chia sẻ là, sau khi tạm biệt Đà Nẵng, nhận nhiệm vụ mới ở Hà Nội, Anh đã nói với chúng tôi: tôi còn nợ chị em một điều, đó là công tác cán bộ nữ. Tôi xin lỗi vì đã chưa làm được việc đó... Chúng tôi nghẹn ngào vì sự chân tình của Anh và hy vọng, những người kế nhiệm Anh sẽ làm được việc mà Anh còn trăn trở, bởi đó cũng là một việc khó đối với phụ nữ, như những việc Anh đã làm.

Anh đã lặng lẽ ra đi, không kịp chào từ biệt những người phụ nữ thành phố luôn tin tưởng, trân trọng, yêu quý Anh. Trong dòng người vô tận đến tiễn biệt Anh, hẳn mọi người đều thấy có nhiều, rất nhiều phụ nữ. Họ đến không chỉ thể hiện lòng tiếc thương Anh mà còn để thầm thì những lời cảm ơn tự đáy lòng vì những gì Anh đã dành cho họ.

Với chúng tôi, những lời tri ân ấy chỉ biết gửi gắm qua những dòng chữ này, dù biết là không thể gói trọn những gì chúng tôi muốn nói. Không còn được nhìn thấy Anh trầm ngâm, gật đầu; cũng không còn thấy anh phê bình, nhắc nhở nữa, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, nơi cõi vĩnh hằng, Anh vẫn cảm được tấm lòng của hàng trăm ngàn phụ nữ Đà Nẵng đã, đang và luôn dành cho Anh.

ĐỖ THỊ KIM LĨNH


(1) Tên một bài báo của bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố đăng trên Tạp chí “Vì sự tiến bộ của phụ nữ thành phố Đà Nẵng”.

(2) Tên gọi của Quỹ do nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo và giao cho Hội LHPN TP.Đà Nẵng vận động mỗi hội viên phụ nữ 500 ngàn đồng, thành phố hỗ trợ thêm 500 ngàn đồng,  giao cho Hội PN cơ sở tự quản lý, để giải quyết nhu cầu cấp bách của các gia đình phụ nữ khó khăn, hoạn nạn, không cần phải thông qua các thủ tục rườm rà.

;
.
.
.
.
.