Các cơ quan quản lý chuyên môn, giới kiến trúc sư, kỹ sư và người dân thành phố xem ông Nguyễn Bá Thanh là người kiến tạo đô thị Đà Nẵng có diện mạo văn minh, hiện đại như ngày hôm nay.
Để có công trình cầu Rồng với thiết kế kiến trúc vừa ý, ông Nguyễn Bá Thanh đã hơn 10 lần triệu tập các cuộc họp về thẩm định, quy hoạch và kiến trúc. Ảnh: T.T |
Ra đề bài và huy động trí tuệ các nhà chuyên môn
Tròn 10 năm gắn bó với ngành Xây dựng về công tác thông tin tuyên truyền, là người làm báo, tôi nhận thấy ông Nguyễn Bá Thanh là người mạnh dạn đầu tư phát triển, tạo dấu ấn về một thành phố Đà Nẵng hiện đại và văn minh.
Sự khác biệt ở Đà Nẵng, ở ông Nguyễn Bá Thanh là huy động được trí tuệ chuyên môn, năng lực quản lý về đầu tư phát triển đô thị với việc hình thành Hội đồng thẩm định các đồ án kiến trúc, quy hoạch và chọn địa điểm đầu tư xây dựng. Một hội đồng không có văn bản thành lập nhưng hoạt động cực kỳ hiệu quả, đóng góp rất lớn và thường xuyên cho sự phát triển của Đà Nẵng. Ngày nay, hoạt động của Hội đồng thẩm định các đồ án, huy hoạch kiến trúc thành phố vẫn duy trì và tiếp tục đưa Đà Nẵng phát triển đúng định hướng phát triển bền vững.
Mỗi một công trình mới, một dự án đầu tư mới cho phát triển đô thị, ông Nguyễn Bá Thanh luôn là người đưa ra đề bài với sự am tường chuyên môn bẩm sinh. Tôi nhớ hoài chuyện ông Nguyễn Bá Thanh ra đề bài cho một đơn vị tư vấn thiết kế Hàn Quốc: Đà Nẵng cần xây dựng một trung tâm hành chính. Mời các anh thiết kế công trình làm sao cho hiện đại nhưng rất thuần Việt, văn hóa kiến trúc Việt. Khi trả bài, các kiến trúc sư Hàn Quốc đưa ra mô hình tòa nhà búp măng với chiếc nón lá. Ông Thanh cười và nói: “Cám ơn các anh, Đà Nẵng không… lam lũ vậy đâu; tôi giới thiệu các anh gặp các kiến trúc sư của thành phố cùng đi uống cà-phê để có ý tưởng mới, sáng tạo mới”.
Hồi thiết kế kiến trúc biểu tượng đầu rồng, đuôi rồng cho công trình cầu Rồng, khi lần đầu nghe thuyết trình và xem mô hình phác thảo của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, ông Thanh cười nói: “Cũng đẹp hỉ, nhưng tôi thấy giông giống đầu gà ri hè!”. Nói xong, ông chỉ đạo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (bây giờ là Bí thư Quận ủy Hải Châu) sưu tầm, nghiên cứu mẫu vật biểu tượng của đầu rồng. Trên cơ sở dữ liệu này mà nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thành công trong thiết kế kiến trúc cho cầu Rồng như hôm nay.
Ông Nguyễn Bá Thanh luôn luôn đòi hỏi các đơn vị lập quy hoạch, tư vấn thiết kế đưa ra những sản phẩm hoàn hảo. Mỗi một dự án, mỗi công trình luôn cần có tối thiểu 3 phương án để lãnh đạo thành phố quyết định chọn ra phương án tối ưu. Các cán bộ chuyên môn của Viện Quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng luôn “bị quay” toát mồ hôi khi tham mưu với lãnh đạo thành phố về những phương án quy hoạch, thiết kế kiến trúc. Ông Thanh luôn lo từ những cái nhỏ nhất và nhìn cái nhìn xa nhất cho sự phát triển đô thị Đà Nẵng bởi đây là bộ mặt, là sự kiêu hãnh của người dân Đà Nẵng với bạn bè trong nước và quốc tế.
Công tác quy hoạch và thiết kế kiến trúc đô thị Đà Nẵng suốt thời gian dài luôn có dấu ấn của ông Nguyễn Bá Thanh. Nhắc đến đô thị Đà Nẵng là nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh. Hồi đương thời ông luôn kiệm lời nhưng cũng hào sảng, hứng khởi với cán bộ ngành Xây dựng rằng: “Mình cứ lặng lẽ làm việc, làm tận tâm, tận lực. Tôi thông tin là vừa qua, có cô Tâm (bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND và nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh-PV) đã âm thầm ra Đà Nẵng tìm hiểu, xem Đà Nẵng quy hoạch như thế nào, xem vì sao dòng sông Hàn của thành phố đẹp như ngày hôm nay. Anh chị em thấy thế mà tự hào, làm việc cho tốt”.
Ông Thái Ngọc Trung, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị Đà Nẵng chia sẻ qua email cho hay: “Rất đau buồn, nghẹn lời với người chú, người anh cả của ngành Xây dựng và giới kiến trúc sư ở thành phố. Chú Nguyễn Bá Thanh luôn dành cho đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư của ngành Xây dựng thành phố các phương tiện làm việc hiện đại nhất, duyệt mua các bản quyền hoạt động chuyên môn tốt nhất và được tạo điều kiện ra nước ngoài tham quan, học tập nghiên cứu nhiều nhất”.
Đà Nẵng là “nàng công chúa”
Phát huy nội lực của Đà Nẵng là dồn mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị, chăm chút cho mảnh đất Đà Nẵng thành… nàng công chúa xinh đẹp trong mắt nhà đầu tư.
Trong những lần tiếp các nhà đầu tư trong nước và quốc tế để xúc tiến đầu tư, ông Thanh thường nói: Đà Nẵng là cô gái đẹp nên các anh đến đầu tư cũng coi như chúng ta là thông gia hỉ! Mối se duyên này đưa chúng ta về một gia đình và có trách nhiệm để cho một gia đình mới ấm êm, hạnh phúc.
Một lần nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ nhưng chậm chân với các địa điểm đầu tư ở vệt Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn, ông Thanh giới thiệu ra làng Vân. Trong mắt ông Thanh, mỗi vùng đất của Đà Nẵng quê hương là những cô gái đẹp, ông thương và ông luôn tự hào về điều này. Vùng đất làng Vân hẻo lánh là vậy, nhưng nói chuyện với nhà đầu tư, ông trở thành một thuyết khách và các đối tác luôn tâm phục, khẩu phục. Ông nói: “Vùng đất Hòa Vân là đứa con gái út, là nàng công chúa xinh đẹp nhất trong nhiều nàng công chúa. Vì đẹp nên các anh phải đầu tư cho xứng đáng, xứng tầm. Là ông sui, bà sui của nhau, chẳng việc gì phải thách cưới, nhưng đã se duyên, kết tóc thì phải làm cho vùng đất Hòa Vân trở thành điểm du lịch đẹp ở hành tinh. Tui cũng nói thật lòng, các anh cứ kén chọn đi, nhưng tôi quả quyết Hòa Vân là nàng công chúa đẹp… nhiều chàng trai đến xin làm phò mã. Nay Hòa Vân đã có chàng rể Việt và đang vun xây tổ ấm.
Những ước nguyện còn phía trước
Khi chuẩn bị ra Thủ đô Hà Nội nhận công tác mới, ông chỉ đạo tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm công tác đầu tư phát triển đô thị. Ông chỉ đạo các ngành của thành phố không có nói thành tích mà nói và bàn việc tồn tại, vướng mắc để thành phố bứt phá đi lên. Ông chỉ ra sự thiếu trách nhiệm của một số ít cán bộ tư vấn giám sát chưa làm tốt nhiệm vụ khi để đơn vị thi công làm đường chưa bảo đảm chất lượng, làm quy hoạch chưa thấu đáo.
Ông nói: “Tôi ra Trung ương nhưng tôi vẫn luôn theo dõi sát Đà Nẵng. Các anh làm quy hoạch, thiết kế kiến trúc mà làm xấu, làm nát, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân thành phố là tôi trị. Nếu có về già, về nghỉ hưu tôi cũng chống gậy, quơ gậy mà nện cho mấy ông đó hỉ”.
Ông Thanh rất mê làm cầu, mà làm cầu thì làm phải đẹp, phải có dấu ấn về thiết kế kiến trúc. Ông dặn dò: “Các con sông quê mình đẹp lắm, cần làm thêm nhiều cây cầu nữa bắc qua sông Yên, sông Túy Loan, sông Cu Đê. Xây dựng cầu không chỉ để đi lại mà là lối ngõ bước vào con đường phát triển kinh tế-xã hội cho đều khắp ở mọi vùng đất, xứ đồng”.
Ông Thanh căn dặn, quy hoạch đô thị Đà Nẵng luôn có tầm nhìn xa: “Tôi đã có dịp đi trực thăng lên vùng thượng nguồn sông Cu Đê, Hòa Bắc, cảnh quan sơn thủy hữu tình rất đẹp nên cần có sự kêu gọi đầu tư, phát triển các khu đô thị vệ tinh. Cần có sự đầu tư bứt phá về phát triển du lịch sông nước lên vùng Túy Loan huyện Hòa Vang; sớm nhìn thấy tuyến đường thủy Đà Nẵng-Hội An qua sông Cổ Cò được khơi thông. Đường bộ có các tuyến tàu điện ngầm…”
Nhiều, rất nhiều dự án, công trình trong tương lai của Đà Nẵng, ông Thanh đã dặn dò với lãnh đạo thành phố. Ông đem trọn sự yêu thương của mình cho vùng đất quê hương như thứ tình cảm máu thịt của người ông với cháu, người cha với con, người anh với em.
Ông là vị kiến trúc sư trưởng, người kiến tạo cho thành phố Đà Nẵng hôm nay và mãi mãi mai sau.
TRIỆU TÙNG