“Bà con rất mong anh Thanh có dịp về lại Cồn Dầu để chứng kiến thành quả của anh, chứng kiến cuộc cách mạng đổi đời của bà con mà anh là người có công đầu. Nhưng anh đã lỗi hẹn với bà con Cồn Dầu chúng tôi rồi”, chị Trần Thị Tụng, giáo dân Cồn Dầu nói khi nghe tin ông Nguyễn Bá Thanh qua đời.
"Cồn Dầu đổi đời là nhờ anh"
Không kìm được nước mắt, chị Tụng kể: Mấy hôm trước, nghe bà con giáo dân đọc báo mạng rồi thông tin với nhau về tình hình sức khỏe anh Thanh rất xấu, ai cũng lo lắng. Vậy mà...
Khi thành phố có chủ trương giải tỏa Cồn Dầu, xây dựng khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, gia đình chị là một trong số các hộ đầu tiên đồng tình với chủ trương này. Cồn Dầu vốn là vùng trũng thấp, là rốn thu nước lụt của Hòa Xuân gây khổ nhiều đời người dân. Nay thành phố quy hoạch lại khang trang hơn, đưa dân về phố mới cao hơn. Giáo dân của giáo xứ Cồn Dầu sẽ hết khổ vì lụt sao lại không đi chứ. Chính vì đồng thuận với chủ trương của thành phố mà mẹ con chị Tụng bị một số giáo dân chống đối chủ trương thành phố hành hung ngay trong khuôn viên nhà thờ sau khi đi lễ ngày chủ nhật. Không hề sợ hãi, bà Nguyễn Thị Yến - mẹ chị Tụng, vẫn động viên con quyết tâm giao mặt bằng để sớm có chỗ ở mới.
Chỉ ít ngày sau khi chị Tụng bị hành hung, ông Nguyễn Bá Thanh khi đó là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đã đến thăm chị. Bây giờ về cư ngụ tại căn nhà 3 tầng khang trang tại số 56 Hà Duy Phiên - phố Cồn Dầu mới, chị Tụng có một cuộc sống sung túc, các con đã trưởng thành đều có nghề nghiệp ổn định. “Nếu không giải tỏa Cồn Dầu thì mấy gia đình chị em tôi và nhiều bà con giáo dân Cồn Dầu có lẽ mãi mãi ở trong những căn nhà cấp bốn ọp ẹp, cứ mỗi năm phải chạy lụt một lần. Giờ nghe anh Thanh mất, bà con Cồn Dầu chúng tôi đều chung một ý nghĩ, mình có được cuộc cách mạng đổi đời hôm nay, ơn anh Thanh nhiều lắm!”, chị Tụng nói.
Ước chi ông về thăm lại Cồn Dầu
Trong ký ức bà Huỳnh Thị Tại còn nhớ, khi thành phố công bố chủ trương xây dựng khu đô thị sinh thái Hòa Xuân đã vấp phải sự phản ứng của dân Cồn Dầu do một nhóm nhỏ giáo dân quá khích lôi kéo. Là người đứng đầu thành phố lúc đó, ông Thanh 5 lần tổ chức đối thoại với người dân để giải thích với bà con. Thậm chí, ông có 2 đêm ở lại với bà con Cồn Dầu. Sáng ra, ông Thanh cùng 5 cán bộ tháp tùng bước qua bên kia đường vào quán bún bình dân của con gái bà Tại để điểm tâm.
Thấy bà Tại lui tới liên tục vì đông khách, ông Thanh nhắc: “Tui chờ lâu rồi bà Tại nghe, răng bà cứ xà quần miết mà chưa mang bún cho tui?”. Bà Tại thì lúng túng muốn làm cho nhanh để đem bún lên lại được ông Thanh nhắc: “Từ từ thôi chứ không bỏ bún không đều đó”. Bà nhận ra ông chọc cho vui nhưng vẫn ngạc nhiên: Lãnh đạo to như ông ấy mà răng vẫn vô quán bún bình dân của mình hè. Tô bún lúc đó chỉ 10 ngàn đồng thôi à! Chừ nghe ông mất, cứ nghĩ lại chuyện cũ thấy ông gần gũi, bình dân quá.
“Tôi cứ ước chi đang cầm chổi quét vỉa hè trước nhà lại được nghe ông chọc: Nhà đẹp quá hay răng mà bà cứ xà quần qua lại trước nhà rứa bà Tại? Ước rứa đó mà chừ không được rồi...”, bà Tại nói.
Ông Đoàn Cảng, Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo quận Cẩm Lệ kể rằng ông từng theo đám người bị đối tượng ở nước ngoài giật dây chống đối chủ trương thành phố. Ông Cảng bị tạm giam vì tham gia gây rối trật tự xã hội, chống đối chủ trương của thành phố nhưng được ông Thanh viết thư cho Công an quận bảo lãnh cho ông được tại ngoại vì hoàn cảnh vợ mất đã lâu, cha bị giam, mấy đứa con ở nhà không ai lo.
“Tôi tỉnh ngộ vì hành động ấy. Mình có lỗi mà vẫn được ông Thanh quan tâm đến hoàn cảnh riêng. Chừ nhìn phố Cồn Dầu mới, không chỉ có tôi mà tất cả bà con ở đây đều ghi công ông Thanh. Chúng tôi nhận ra rằng: Phần xác mà không no ấm thì phần hồn đâu yên ổn. Ông Thanh là người có công lớn nhất khi cho bà con chúng tôi cuộc đổi đời no ấm hôm nay. Tiếc thương ông Nguyễn Bá Thanh, bà con chúng tôi nguyện sống “tốt đời, đẹp đạo” bằng hành động thiết thực thể hiện trách nhiệm công dân đối với di sản sự phát triển thành phố Đà Nẵng hôm nay mà ông để lại”, ông Cảng nói.
ĐOÀN SƠN