Giống như lễ tang của mọi người dân thường khác, lễ tang của ông cũng có vòng hoa, nước mắt của những người ở lại.
Nỗi mất mát quá lớn đối với người dân Đà Nẵng. |
Điểm khác là tại lễ tang ông, người ta thấy bàn tay lau vội dòng nước mắt của những người mẹ có con được mổ tim bằng số tiền ông tặng; là cái nhìn thất thần, là giọt nước mắt lặng lẽ của chị bán vé số, là đôi mắt hoe đỏ của anh xe ôm… Họ đến để bày tỏ sự tôn kính, để chào một người lãnh đạo luôn lắng nghe và dành cho họ sự đồng cảm sâu sắc.
“Trong đau thương lại có tự hào”
“Bên ngoài, nhân dân, bạn bè đến viếng Bá Thanh đông lắm, Thanh có biết không? Có ai biết, trong đau thương lại có tự hào”, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết vào sổ tang. Điều “tự hào” này có lẽ là sự tiếc thương vô hạn mà người dân Quảng Nam - Đà Nẵng dành cho ông. Hiếm có một đám tang nào mà trong dòng người “đông lắm” và như không dứt ấy lại có rất nhiều người nghèo. Không hương, hoa, đồ lễ; không trang phục chỉnh tề, họ đến với bộ quần áo cũ sờn, mái tóc rối bời khi vội vàng bỏ ngang buổi chợ và những công việc mưu sinh cuối năm chỉ với một nguyện ước: “Nhìn thấy “ổng” một xí, bởi mai mốt mãi mãi không được nhìn ông thêm lần nữa”.
Trưa 27 Tết, bên dòng người nườm nượp hướng về ngôi nhà số 189 Cách Mạng Tháng Tám, có một người đàn ông khuyết tật bán vé số nép mình lặng lẽ nhìn qua bờ rào. Giọng ngọng nghịu vì dị tật sứt môi, anh Huỳnh Phúc Bảo (36 tuổi) nói: “Tôi đứng đây lâu rồi mà ngại không dám vô”. Từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng bán vé số và ở trọ tại nhà đại lý trên quận Cẩm Lệ, cũng chừng đó năm, anh Bảo may mắn có một vị khách “sộp” chính là ông Bá Thanh. “Mỗi lần thấy tôi đi ngang qua thì ông kêu lại mua giùm 2 tờ, 5 tờ, nhiều nhất 20 tờ. Đặc biệt, ông Thanh không bao giờ nhận lại tiền thừa mà còn cho thêm. Ổng mất, tôi thương quá!”.
Bỏ dở buổi chợ Tết, bà Tích 70 tuổi, bán rau ở chợ Hòa Cường, mắt sưng húp tìm đến nhà ông Thanh với mong muốn nhìn “thần tượng” lần cuối. Dù ông Bá Thanh nhỏ tuổi hơn nhưng trong cảm nhận của bà Tích, ông Thanh như chú, bác khi luôn có sự quan tâm, gần gũi và đưa ra nhiều việc làm mang lại lợi ích thiết thực cho dân. Nghẹn từng hồi, bà Tích kể: “Tui chưa xin ổng cái chi nhưng hâm mộ cách ổng ăn nói, ứng xử với người dân. Chừ răng đây, không lẽ vĩnh biệt ổng thiệt rồi!”.
“Chưa xin cái chi”, nhưng bà Tích có một kỷ niệm không quên với ông Thanh. “Hồi còn làm ruộng, có lần tôi than thở dãi nắng dầm mưa miết cực khổ quá. Lúc đó, ông Thanh đang đi thực tế ở Hòa Vang, ông nói: “Làm ra hạt cơm, hạt gạo ý nghĩa lắm. Cố gắng làm ăn. Còn lao động được là còn mừng chớ có chi than cực”. Một câu nói thôi mà tôi nhớ miết”, bà Tích thổn thức. Cũng từ đó, mỗi lần có kỳ họp HĐND là bà gác mọi việc qua một bên để bật ti-vi nghe ông Thanh nói.
Tình nguyện làm “xe thồ” đưa bà Tích đến nhà viếng ông Bá Thanh, anh Chung - tiểu thương chợ Hòa Cường cho biết: Từ hồi nghe ông Thanh đau, bà Tích mất ăn, mất ngủ, cứ hỏi đủ người về tình hình sức khỏe ông ấy. Bữa ni bà càng mất tinh thần, thẫn thờ đến tội nghiệp nên tôi chở giúp bà đến đây cho thỏa ước mơ gặp ông Thanh, dù là lần cuối”.
Trò chuyện với phóng viên, anh Chung khẳng định: “Nước mình có nhiều lãnh đạo như ông Thanh thì ngon! Viết về tình cảm của người dân với ông Bá Thanh và những việc ông Thanh đã làm thì giấy mực mô cho đủ!”.
Chị Hà bán rau hành chợ Tam Giác bỏ buổi chợ đông khách ngày cuối năm, tay chân lấm lem, bắt xe ôm với giá 100.000 đồng/chuyến “khứ hồi” để đến đây đứng tiếc nhớ một người. Chưa nói mà chị đã khóc: “Cách đây hai năm, ông Bá Thanh đi đâu đó mà ghé qua chợ Tam Giác. Tôi kêu lên: Bác ơi, biết bác lâu rồi mà chừ con mới được gặp mặt. Bác Thanh cười rồi hỏi: Buôn cái chi rứa? Dạ rau hành, tôi trả lời. Bác nói tiếp: Cố làm ăn mua bán nghe. Cuộc gặp diễn ra trong tích tắc mà làm tui nhớ giọng nói, nụ cười của bác ấy”. Quẹt nước mắt, chị Hà tâm sự: “Chồng mất vì tai nạn lao động, 5 năm trước, tôi làm đơn xin có một chỗ ở, rứa là được xét một căn nhà liền kề bên phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn”.
Người dân đến tiễn biệt ông lần cuối. Ảnh: THANH TRẦN |
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Lễ công bố kỷ lục bản đồ bằng hoa lớn nhất Việt Nam được Công ty CP DHC - MARINA được chuẩn bị từ nhiều tháng trước, giấy mời đến quan khách, lãnh đạo thành phố, cơ quan thông tấn cũng đã được gửi đi. Thế nhưng, khi được tin ông Nguyễn Bá Thanh mất, không cần bất kỳ sự chỉ đạo nào, công ty lập tức hủy lễ công bố.
Lãnh đạo công ty nhận chứng nhận kỷ lục Việt Nam trong bầu không khí không một tiếng vỗ tay, không một nụ cười. Tất cả chỉ quấy quá cho xong như sợ có lỗi với người vừa nằm xuống, như để nhanh chóng được trở về với suy nghĩ, bâng khuâng riêng tư của mình. Băng-rôn, phông nền chuẩn bị cho buổi lễ với màu vàng cam rực rỡ không đủ để thắp sáng không gian. Những bông hoa nhiều màu sắc được kết kỳ công thành dải đất hình chữ S, Biển Đông với Hoàng Sa, Trường Sa đầy tinh xảo. Thế nhưng, dường như tất cả đều rũ xuống vì cái tang chung của người dân Đà Nẵng và vì sự mất mát không gì bù đắp nổi.
“Lễ công bố được hủy bỏ là nguyện vọng chung của cán bộ, công nhân, viên chức công ty như một nén hương lòng gửi đến vị lãnh đạo mà cuộc đời và những cống hiến của ông không chỉ có ý nghĩa với riêng Đà Nẵng mà còn với đất nước”, chị Quách Bảo Trân, nhân viên Công ty CP DHC - MARINA chia sẻ.
Lễ hội ánh sáng và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi đều được các đơn vị tổ chức tự động hủy bỏ hoặc tạm dừng đến sau Tết mà không cần và không có sự chỉ đạo nào. Chỉ duy nhất kế hoạch bắn pháo hoa đêm giao thừa được lùi lại vào dịp giải phóng Đà Nẵng là do lãnh đạo thành phố quyết định.
Nhà nằm ở cung đường gắn liền với đường hoa Bạch Đằng, bác sĩ Trần Việt Hoa cho rằng, việc thu hẹp đường hoa, hạn chế các hoạt động nghệ thuật là điều nên làm để thương tiếc một người suốt đời vì dân. Như để chứng minh cho khẳng định này, bác sĩ kể lại câu chuyện trong một đêm mưa bão cách đây 4 năm. Đoạn đường giao giữa Bạch Đằng và Trần Quốc Toản bất ngờ vỡ ra một hố lớn, nhiều người tham gia giao thông hoặc sa xuống hố hoặc xìa bánh ngã xuống đường. Bác sĩ Hoa cùng vợ sơ cứu không xuể nên quyết định điện thoại trực tiếp cho ông Thanh. Chỉ 15 phút sau, ông xuất hiện dưới mưa, trực tiếp xem xét hố đen và điều động những chiếc xe chở vật liệu xây dựng, bê-tông. Làn đường được san phẳng như mới ngay trong đêm.
“Từ giờ, tôi và người dân thành phố sẽ không bao giờ được nghe giọng nói “Quảng Nôm” đặc sệt, âm vực cao và những câu chuyện dí dỏm nhưng gửi gắm rất nhiều ưu tư của ông nữa. Sẽ không một hoàn cảnh nào, trong lúc bần cùng, túng quẫn nhất lại được nghĩ về ông như cứu cánh cuối cùng nữa. Sẽ không còn những chính sách độc đáo kết tinh từ lòng dân và tâm thế dám làm dám chịu của ông nữa… Nhưng tấm lòng luôn xem lợi ích lâu dài của nhân dân là tối thượng của ông sẽ đọng lại mãi mãi với người dân Đà Nẵng”, bác sĩ Trần Việt Hoa xúc động.
Đêm thứ bảy và chủ nhật, cầu Rồng không phun lửa và nước như thường thấy. Với bà Nguyễn Thị Tường Vy (quận Sơn Trà), đây là lẽ đương nhiên bởi: “Nếu ông Thanh không quyết thì người dân Đà Nẵng không thể có cầu Rồng, người dân hai bờ Đông Tây sẽ vẫn phải chen chúc trên cầu Sông Hàn thường xuyên quá tải, Đà Nẵng sẽ không thể có đại lộ Nguyễn Văn Linh sầm uất. Tôi hy vọng rồi đây, thành phố sẽ đặt cây cầu phản ánh trọn vẹn sự táo bạo trong ý nghĩ này là cầu Nguyễn Bá Thanh như một sự tri ân đến người lãnh đạo tài ba”.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết đại ý rằng, tất cả những cống hiến của ông đã “dành tặng cho đất nước một Đà Nẵng đáng sống, gieo ở Đà Nẵng những hạt giống lãnh đạo tiềm năng”. Mỗi chuyển động nhỏ của thành phố sẽ như có hình bóng ông dõi theo. Ông ra đi nhưng những chính sách tiên phong, những chủ trương vượt trước, những quyết định đúng đắn và sáng tạo của ông mãi còn nơi đây.
THU HOA - MAI TRANG