.

Năm văn hóa, văn minh đô thị ở Đà Nẵng, từ góc nhìn lịch sử

.

Vùng đất Đà Nẵng từ xa xưa là địa bàn cư trú của người Sa Huỳnh (từ trước Công nguyên 3 – 4 nghìn năm đến sau Công nguyên). Sau đó là người Chăm (từ khoảng đầu Công nguyên đến thế kỷ 15). Những nhóm người Việt chuyển cư đầu tiên đến vùng đất này là đầu thế kỷ 14, sau cuộc hôn nhân Chế Mân-Huyền Trân Công chúa. Họ cộng cư với người Chăm.

Tuổi trẻ thành phố ra quân tuyên truyền thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Ảnh: Hoàng Hiệp
Tuổi trẻ thành phố ra quân tuyên truyền thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Ảnh: Hoàng Hiệp

Với các đợt chuyển cư lớn, sau chiến thắng Bình Chiêm, hạ thành Đồ Bàn 1471 dưới thời Lê Thánh Tông và sau sự kiện 1588 Nguyễn Hoàng vào Nam mưu tính ly khai, vùng đất này mới thật sự có đông người Việt sinh sống và từ đây mở cuộc Nam tiến, xây dựng một nước Việt Nam thống nhất từ Bắc chí Nam thời Nguyễn Gia Long.

Mặc dù có vị trí chiến lược về địa chính trị, địa kinh tế và được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức xây dựng một hệ thống phòng thủ quan trọng, bổ nhiệm các võ quan cấp cao chủ trì, Đà Nẵng chưa bao giờ là một đơn vị hành chính. Đà Nẵng cũng từng là tiền cảng của đô thị Hội An phồn thịnh một thời. Các chúa Nguyễn cũng cắt đặt các quan chức trông coi việc giao thương đứng chân ở Đà Nẵng, nhưng không hiểu sao Đà Nẵng vẫn chưa bao giờ là một đơn vị hành chính.

Cho đến năm 1888, dưới sức ép của thực dân Pháp, Đồng Khánh ký một đạo dụ nhường trọn quyền sở hữu Đà Nẵng (ngũ xã) cho chính phủ Pháp. Năm 1901, Thành Thái lại ký một đạo dụ nữa cắt thêm 14 xã làm nhượng địa. Từ đây Đà Nẵng được quy hoạch như một thành phố theo kiểu Pháp.

Với Đà Nẵng, chính sách khai thác thuộc địa của Pháp là không tập trung đầu tư và ra sức vơ vét, thành phố này phát triển chậm chạp, có thể nói là trì trệ. Chỉ có một số cơ sở hạ tầng và công nghiệp nhỏ bé. Cảng Đà Nẵng năm 1928 có 100 công nhân, năm 1945 có 500 công nhân. Xe lửa Đà Nẵng năm 1913 có 155 công nhân. Nhà đèn năm 1922 có 22 công nhân, năm 1932 có 60 công nhân.

Công cuộc đô thị hóa chậm chạp và èo uột này có làm nảy sinh một số tầng lớp cư dân mới, công nhân lao động và thị dân tiểu tư sản như viên chức công sở hay các doanh nghiệp tư nhân, giáo viên và học sinh, tiểu thương, tiểu chủ, thợ thủ công, những người làm nghề tự do dịch vụ, trong đó có không ít những người đến từ các vùng miền phía Bắc Đà Nẵng.

Việc Đà Nẵng là một thành phố nhượng địa đòi hỏi phải có một bộ máy cai trị quản lý cũng góp phần hình thành tầng lớp cư dân đô thị này. Dân số Đà Nẵng tăng trưởng không cao, năm 1921 là 16.000, năm 1936 là 25.000.

Ở các nước phương Tây, đô thị hóa được diễn ra theo quy luật tự thân vận động của nền kinh tế xã hội, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa và tiến trình cách mạng tư sản dân quyền hình thành Nhà nước pháp quyền. Nói chung là sự hình thành nền văn minh công nghiệp kéo dài mấy trăm năm. Như thế, cùng với sự hình thành một cộng đồng thị dân phải là sự tạo dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng, một thể chế Nhà nước rõ ràng, phù hợp với cuộc sống và việc quản lý đô thị.

Mặc dù được xem là thành phố nhượng địa, được quy hoạch và quản lý theo mô thức một thành phố Pháp hiện đại, nhưng trong hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể, những yếu tố du nhập, áp đặt của chính quyền thực dân là nổi trội trong đô thị hóa ở Đà Nẵng. Ở đây chưa định hình một cộng đồng thị dân đúng với nghĩa của nó và tất nhiên là còn rất nhiều khiếm khuyết, bất cập về văn hóa, văn minh đô thị.

Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, Đà Nẵng hoàn toàn nằm trong vùng tạm chiếm. Nhưng khu vực phía bắc Quảng Nam là vùng chiến tranh du kích rất mạnh, luôn uy hiếp Đà Nẵng. Lực lượng cách mạng Đà Nẵng cũng phát triển với nhiều cuộc đấu tranh và những trận đánh ngay trong lòng thành phố. Ở Đà Nẵng và trên cả nước, thực dân ngày càng sa lầy. Tình hình đó khiến Đà Nẵng không được đầu tư phát triển đáng kể về cơ sở hạ tầng cũng như kinh tế-xã hội.

Sau Hiệp định Genève, Mỹ từ chỗ viện trợ cho Pháp can thiệp vào tình hình Việt Nam đã nhảy vào trực tiếp thực hiện chủ nghĩa thực dân mới rồi xâm lược Việt Nam. Đà Nẵng là thủ phủ của vùng 1 chiến thuật, là vùng chiến sự luôn nóng bỏng.

Tuy là thành phố lớn thứ hai miền Nam nhưng Đà Nẵng được xây dựng thành một căn cứ liên hiệp hải-lục-không quân khổng lồ, một trại tập trung khổng lồ, nơi Mỹ dồn xúc nông dân vùng ven thành phố toàn tỉnh Quảng Nam và nhiều tỉnh khác thực hiện chiến tranh hủy diệt.

Đây là những người nông dân bị đô thị hóa cưỡng bức, họ có phản ứng tiêu cực với quá trình đô thị hóa này. Đà Nẵng không được mở mang về sản xuất và dịch vụ như Sài Gòn, thành phố có lúc dân số lên tới 1 triệu người nhưng chủ yếu sống bám vào guồng máy chiến tranh, không có sản xuất.

Sau ngày giải phóng 29-3, chúng ta đã làm được nhiều việc trong sự nghiệp chuyển chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động sáng tạo, xây dựng đất nước, trong đó có việc đưa hàng vạn đồng bào Quảng Nam và các tỉnh miền Trung bị dồn xúc vào Đà Nẵng về lại quê hương.

Nhưng xét trên tổng thể do chúng ta thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình Liên Xô, thực hiện quản lý đất nước theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, kết quả là đất nước lâm vào khủng hoảng. Như đồng chí Trường Chinh đã nhận định “Bản chất của những sai lầm đó là: tả khuynh duy ý chí, trái quy luật khách quan. Khi đã mắc sai lầm lại bảo thủ trì trệ không dám sửa chữa”.

Đánh giá những mặt được và chưa được của quá trình đô thị hóa trong những năm quan liêu bao cấp cũng là những vấn đề lý thú. Trong thời ấy, ở Đà Nẵng cũng như ở các thành thị miền Nam có chủ trương đưa dân đi kinh tế mới ở các vùng trung du, miền núi trong tỉnh và Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên còn phải tiếp nhận những đợt sóng di dân tự do không thể hạn chế được. Hậu quả là rừng bị tàn phá, cân bằng sinh thái và cả văn hóa truyền thống bị phá vỡ. Một tỷ lệ không nhỏ những hộ đi kinh tế mới bằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn đã về lại thành phố. Và họ trở thành những người cư ngụ bất hợp pháp, gây ra bao vấn đề bức xúc xã hội.

Do cơ chế quan liêu bao cấp, đất nước lâm vào khủng hoảng, cơ sở hạ tầng đô thị không được xây dựng bảo dưỡng, xuống cấp nghiêm trọng cùng với việc quản lý hộ khẩu chặt chẽ, cứng nhắc gắn với cung cấp gạo, nhu yếu phẩm theo tem phiếu, Đà Nẵng cũng như các đô thị khác đứng trước nguy cơ nông thôn hóa.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, Đảng ta đã khởi xướng và chủ trì công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng, có sự phát triển rất đáng khích lệ nhiều năm liền tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, Việt Nam đã chủ động hội nhập với thế giới và có vị thế ngày càng quan trọng.

Trong bối cảnh đó, sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã tập trung khai thác và phát triển quỹ đất, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch với hàng trăm dự án. Số hộ dân thuộc diện di dời giải tỏa lên đến 100 nghìn hộ, chiếm 40% số hộ. Các dự án này đã làm Đà Nẵng thay đổi từng ngày, khang trang, to đẹp đàng hoàng từng ngày, có dáng dấp một đô thị hiện đại.
Trong sự chuyển động phát triển to lớn đó, các dự án xây dựng các khu dân cư đô thị mới có vị trí quan trọng và đã góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của Đà Nẵng.

Ở đây, đô thị hóa cũng không phải là một quá trình tự thân vận động, tuần tự nhi tiến, mà có sự phát triển vượt bậc theo các quyết định hành chính. Một vùng được quyết định thuộc dự án thế là phút chốc xã thành phường, những nông dân chay qua đêm đến sáng trở thành thị dân.

Chưa bàn đến chuyện hay dở, được mất của phương sách đô thị hóa theo kiểu này. Có người nêu vấn đề làm đường nhỏ, chia lô nhỏ là băm nát quy hoạch khó mà đi lên hiện đại. Tôi thuộc trường phái ủng hộ cách làm này và tôi tin rằng 15 – 20 năm nữa người dân sẽ có cách cải tạo, nâng cấp để thay vào những con phố nhỏ toàn là nhà ống thành những đường phố lớn với các chung cư cao ốc, các biệt thự và phố thương mại hiện đại. Thời gian qua, nếu chỉ làm đường lớn, chỉ cho phép xây dựng chung cư cao cấp và biệt thự thì không thể có thị trường bất động sản sôi động, nhân dân không có điều kiện mua đất làm nhà. Chúng ta không thể có một đô thị được quy hoạch đâu ra đấy.

Việc triển khai dự án từ A đến Z đều do Đảng và Nhà nước quyết định, nói cho đúng là cả hệ thống chính trị vào cuộc thì việc triển khai mới nhanh gọn như đã diễn ra, chúng ta mới có cảnh đường giăng mắc cửi, phố giăng bàn cờ.

Vấn đề với chúng ta là chúng ta có phố, có phường, có các khu đô thị nhưng chúng ta chưa có con người có văn hóa, văn minh đô thị. Đây là một kết quả lịch sử, chúng ta phải chấp nhận và vì vậy “Năm văn hóa, văn minh đô thị” là cần thiết phải được nhận thức đúng, làm đúng, sáng tạo và có hiệu quả.

***

Để trả lời câu hỏi: Người Đà Nẵng anh (chị) là ai? Phải bắt đầu khảo sát xem xét vấn đề người Đà Nẵng có gốc gác như thế nào?

Người Đà Nẵng có gốc bản địa (đã cư trú ở Đà Nẵng 4 – 5 thế hệ, khoảng từ 1888 khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa đến nay) chắc là không nhiều (trừ khu vực nông thôn Hòa Vang). Người Đà Nẵng có gốc Quảng Nam thường cũng được xem là chính gốc, cũng có tính cách gần như người Quảng chiếm một tỷ trọng đáng kể. Người Thừa Thiên-Huế nhập cư vào Đà Nẵng cũng khá nhiều, cũng có một số người nhập cư đến từ các vùng, các tỉnh phía bắc.

Từ sau toàn thắng 30-4-1975 cùng với số cán bộ tập kết trở về, số trưởng thành từ học sinh miền Nam, cùng với số cán bộ chi viện chủ yếu ở Hải Phòng và Thanh Hóa kết nghĩa, dần dần có nhiều đồng bào các tỉnh phía bắc vào Đà Nẵng làm ăn sinh sống từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương được Trung ương xác định là trung tâm kinh tế-xã hội, là thành phố động lực của khu vực, cùng với việc triển khai rầm rộ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, phấn đấu xây dựng thành phố đáng sống, Đà Nẵng có sức thu hút lao động và cư dân nhiều vùng trong nước.

Tính từ khi là thành phố trực thuộc Trung ương đến sau 8 năm Đà Nẵng có thêm 100 nghìn dân, nhưng sau đó chỉ 5 năm (2005-2009) đã tăng 100 nghìn dân. Mỗi năm Đà Nẵng có 15 – 16 nghìn người nhập cư, tỷ lệ tăng dân số cơ học gần 16%, trong lúc tăng tự nhiên là gần 15%. Cục Thống kê còn cho biết, có 59.400 người là học sinh, sinh viên, người lao động đến Đà Nẵng để sinh sống, học tập có thuê nhà trọ, số không thuê ở dưới các hình thức khác khoảng 13 nghìn.

Người Đà Nẵng ngày càng đa dạng về gốc gác, tỷ trọng người mới nhập cư hay nhập cư được 1 – 2 thế hệ sẽ là đa số trong cộng đồng cư dân Đà Nẵng. Việc nghiên cứu xác định tính cách người Đà Nẵng phải được đặt ra trong hình thái động đó. Việc truyền thông giáo dục để xây dựng văn hóa, văn minh của người Đà Nẵng cũng phải tính đến hoàn cảnh đó.

Xây dựng văn hóa, văn minh đô thị là chuyện trầm tích, lắng đọng lâu dài, va đập cũng góp phần xây dựng, tiếp biến trong điều kiện hội nhập cũng là xây dựng. Vì thế, những biến động về gốc gác dân cư phải là điều cần chú ý. Phải có một chính sách rõ ràng, cởi mở với những người nhập cư, khuyến khích những người dân trong nước, những người lao động giỏi, tay nghề cao, những tài năng đến Đà Nẵng làm ăn sinh sống. Chính sách này là thể hiện và phù hợp với các quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp 2013 đã khẳng định.

Trước hết thành phố cần gửi đến những người nhập cư một thông điệp mong muốn họ gắn bó, yêu mến Đà Nẵng, xem nơi này là quê hương, đóng góp xây dựng Đà Nẵng, xây dựng văn hóa, văn minh đô thị ở Đà Nẵng.

Nhập cư xuyên quốc gia đang là một vấn đề lớn của thế giới, nơi nào xử lý tốt vấn đề này thì đất nước đoàn kết ổn định, có thêm nguồn lực để phát triển.

Chính sách đối với người nhập cư luôn là một chính sách lớn, quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Báo Thanh Niên ngày 17-1-2015 có bài viết thông tin là: “Ở bang Arizona mới có luật yêu cầu học sinh phải vượt qua bài thi trả lời đúng 60/100 câu hỏi về lòng yêu nước và giáo dục công dân thì mới có bằng tốt nghiệp”, lý do là “trong bối cảnh ngày càng có nhiều người nhập cư vào Mỹ và tình hình thế giới có nhiều biến động thì mỗi người càng cần thấm nhuần tinh thần đất nước”.

Vấn đề đối với chúng ta là chuyển cư trong nội bộ đất nước chắc có lẽ ít phức tạp hơn nhưng rất cần có sự nhận định và đối sách rõ ràng, nhất quán, làm thế nào để bảo đảm ổn định đoàn kết, không có kỳ thị phân biệt, phát huy sự đa dạng về văn hóa trí tuệ, về tư duy sáng tạo, xây dựng thành phố Đà Nẵng đáng sống.

Chúng ta cần nhất trí với nhau kinh tế và cả văn hóa-xã hội Đà Nẵng có phát triển mạnh mẽ, bền vững mới tạo lực hút những người lao động đến với Đà Nẵng và chính những người nhập cư “đất trăm nghề của trăm vùng” những công dân nhập cư rất đa dạng sẽ làm cho Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.
.