Theo cách nghĩ của phương Tây, thứ sáu ngày mười ba là ngày không may mắn. Mà quả thật thứ sáu ngày mười ba tháng hai dương lịch vừa qua là một ngày rất không may mắn với người Đà Nẵng và với tất cả những ai hằng yêu mến, cảm phục, ngưỡng mộ anh Nguyễn Bá Thanh - người từng đứng đầu Đảng bộ và chính quyền thành phố bên sông Hàn, bởi vào thời khắc định mệnh hồi một giờ chiều hôm ấy, anh đã trút hơi thở cuối cùng. Trải qua nhiều dằn xóc của cuộc đời và của chính trường, lần nào anh cũng cố vượt qua một cách đầy bản lĩnh và có khi rất ngoạn mục. Nhưng lần này...
Đoàn người tiếp nối viếng đồng chí Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: VĂN NỞ |
Anh là kiến trúc sư trưởng của thành phố Đà Nẵng đang từng ngày đổi mới. Không có một kiến trúc sư trưởng có tầm nhìn xa và quan trọng hơn là luôn miệng nói tay làm - thậm chí luôn “hành động, hành động và hành động” - như anh, hẳn là Đà Nẵng vẫn chưa thể tạo nên được một diện mạo đô thị hiện đại, vẫn chưa thể gầy dựng được một tầm vóc và một thế đứng đường hoàng như Đà Nẵng ngày nay. Đương nhiên anh không đơn độc trên hành trình thực hiện khát vọng đưa Đà Nẵng vươn lên thành một thành phố đáng sống của nước ta.
Bởi anh có được những cộng sự tâm huyết và tài năng - trong đó không ít người lớn tuổi hơn anh và nhiều người cùng thế hệ với anh - luôn đồng hành bên anh, và trên tất cả, anh có được một nhân dân quá đỗi tuyệt vời - luôn đồng thuận với anh. Một kiến trúc sư trưởng có đẳng cấp là phải đủ khả năng tạo nên sự đồng hành ấy và sự đồng thuận ấy, và anh đã tạo nên được cả hai.
Là một cán bộ trưởng thành từ cơ sở - từng làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp ở quê nhà “Hõm mắt thâu đêm lo việc xã/ Gió rét đường trơn chân bấm đá/ Hết làng hết ruộng thôi đi về/ Miệng nói tay làm tai lắng nghe” (thơ Hoàng Trung Thông), anh có điều kiện gần gũi người dân hai sương một nắng suốt đời lam lũ làm ăn, thực sự thấm thía sức mạnh của thế trận lòng dân, từ đó mà gầy dựng cho mình phong cách sâu sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo chân lý, biết lắng nghe dân, biết trân trọng với những bức xúc chính đáng của dân, và hơn thế nữa, biết đồng cảm với nỗi khổ của dân.
Nhờ có được phẩm chất thân dân chân tình và máu thịt như vậy mà anh được người dân Đà Nẵng và không chỉ người dân Đà Nẵng tin yêu quý trọng, và không chỉ tin yêu quý trọng mà còn rất công tâm/công bằng trong đánh giá bản thân anh, đồng tình khẳng định những cống hiến xuất sắc của một Nguyễn-Bá-Thanh-sống-mãi-giữa- lòng-dân.
Anh là người sống có hoài bão lớn và quan trọng hơn là luôn muốn trao truyền cho thế hệ trẻ cái phẩm chất đáng quý và cực kỳ cần thiết này. Tất nhiên anh thừa từng trải để hiểu rằng giữa hoài bão/khát vọng với ham muốn/tham vọng có một ranh giới mỏng manh. Nhiều lần đối thoại với thanh niên toàn thành phố, anh đều khuyên tuổi trẻ Đà Nẵng hãy nên khát vọng chứ đừng nên tham vọng. Cả khát vọng và tham vọng đều hướng đến cái đang còn trong tầm nhìn mà ngoài tầm với, nhưng trong khi khát vọng luôn hướng tới những điều tốt đẹp vì đại cuộc, vì lợi ích chung của cộng đồng, thì tham vọng thường đi kèm với những tính toán ích kỷ lợi mình hại người của chủ nghĩa cá nhân.
Ngày anh từ Mỹ trở về quê nhà điều trị bệnh, hàng ngàn người dân Đà Nẵng đã ra đường chờ đón anh, hàng vạn người cầu mong anh bình phục. Theo yêu cầu nghiêm ngặt của bệnh viện, nhiều người muốn vào thăm anh mà không thể… Một số nhạc sĩ trong Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Đà Nẵng như Nguyễn Đức, Nam An, Thái Phú, Quang Khánh… vừa gấp rút hoàn thành đĩa nhạc Anh với quê hương để bày tỏ lòng mến mộ anh, cho kịp…
Và giờ đây khi năm Ngựa sắp qua, vào những ngày cuối năm âm lịch này, cả Đà Nẵng nghẹn ngào tiễn biệt anh. Theo dự kiến thì đúng thời khắc giao thừa năm nay, bầu trời thành phố cả nội thành và ngoại thành sẽ bừng sáng pháo hoa đón Tết, nhưng trước sự mất mát quá lớn lao này, trước sự ra đi quá đau lòng này, không ai nỡ…
Thay vào đó là sự tỏa sáng của một người con/một con người Đà Nẵng - Nguyễn Bá Thanh - trong lòng đồng bào, đồng chí thân thiết của anh. Tỏa sáng lúc anh còn sinh thời và tỏa sáng lúc anh đã về với cõi vô cùng, trong lòng đất mẹ Hòa Tiến yêu thương!
BÙI VĂN TIẾNG