.

Những câu chuyện với dân lành

.

Ông Nguyễn Bá Thanh đã trải qua nhiều vị trí công tác. Hồi làm Chủ nhiệm HTX thì văn phòng, phòng ngủ, phòng nghỉ chỉ là một cái giường tre.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh trong một lần tiếp xúc công dân.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh trong một lần tiếp xúc công dân.

“Ghế” ở huyện Hòa Vang, ở Nông trường Quyết Thắng, ở Sở Nông nghiệp chỉ ngồi thời gian. Chỉ có ghế Chủ tịch thành phố là Nguyễn Bá Thanh ngồi lâu nhất, để lại ấn tượng sâu sắc nhất với nhân dân, nhất là dân nghèo thành phố Đà Nẵng  - thành phố trở nên đáng sống và thân yêu.

Bỏ ngay ba cái cửa kỳ cục

Khi còn làm Chủ nhiệm hợp tác xã Hòa Nhơn 3, mấy lần Nguyễn Bá Thanh xuống Sở Nông nghiệp xin gặp giám đốc đề xuất hỗ trợ làm thủy lợi, chọn giống thay đổi cơ cấu cây trồng. Muốn gặp giám đốc Sở phải qua 3 cửa: bảo vệ, văn phòng và chuyên viên giúp việc cho giám đốc. Lên tầng 2 phải leo lên cái cầu thang gỗ ọp ẹp. Mà lên thì cho gặp giám đốc độ 9 phút. Khi đi về, lại xuống cái cầu thang kêu kịt kịt ở tầng 2 ấy.

Mỗi khi bước chân lên cái cầu thang, Nguyễn Bá Thanh nghĩ, rủi cho làm giám đốc sở này, trước tiên sẽ bỏ ngay 3 cái cửa kỳ cục kia, sẵn sàng cho bất cứ ai, nông dân, xã viên nào khi cần có thể đi thẳng một hơi lên gặp giám đốc. Nắm chức giám đốc, việc đầu tiên là dẹp ba cái cửa kỳ cục. Dẹp họp ban đêm. Ngày làm việc đừ điếc đêm còn họp với hội! Mệt thì họp làm sao có kết quả. Mỗi lần họp cho có rồi chị em phục vụ bưng lên cho mỗi người dự 2 hột vịt lộn và 1 chai bia Sông Hàn. Người ăn, người không ăn gói về nhà. Hồi ở thành phố nhỏ Nguyễn Bá Thanh đã dẹp cái kiểu họp này rồi.

Hôm chuẩn bị Đại hội lần thứ XVIII, đồng chí Phan Diễn bảo phải họp đêm vì công việc chuẩn bị cho Đại hội nhiều quá. Nguyễn Bá Thanh bảo, thôi, đừng họp đêm, không họp thì Đại hội cũng thành công tốt đẹp thôi! Chiều chủ nhật họp trù bị Đại hội XVIII thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, sáng đó Nguyễn Bá Thanh vẫn tiếp dân. Và, sau phiên họp trù bị buổi chiều, Nguyễn Thanh vẫn đi đánh tennis.

Huớ làng, tui gặp ông Chủ tịch

Chuyện này nguyên là do mấy nam nhân viên thu thuế uống rượu quỵt gây nên. Hút ốc của người ta, nói quên bỏ tiền trong túi, hẹn lần sau đến hút tiếp trả tiền luôn thể. “Nói dậy mà không phải dậy”. Bà Ba Huệ bán ốc hút bên lề đường Lê Duẩn chờ hai ông bận áo ka-ki mốc đến hút, không hút thì trả tiền, nhưng chờ mỏi con mắt. Bất ngờ bà đi mua ốc hút về thấy hai ông ấy ngồi hút ốc nhâm nhi chai xị đế ở một cái quầy khác, bà chờ hai ông ra đường thì chặn lại đòi nợ. Từ đó, mức thuế của bà bị tăng lên gấp rưỡi. Tức quá bà đâm đơn kiện. Đơn kiện đến tay, Nguyễn Bá Thanh đội chiếc mũ sập vành lội bộ lên trúng ngay địa chỉ người đâm đơn. Kéo cái ghế gỗ thấp lè tè ngồi, Nguyễn Bá Thanh gọi:

- Bà chủ, cho tôi một đĩa, nhỏ thôi và một cốc rượu gạo. Nhớ rượu gạo đó!

- Ông yên chí, rượu giả thuế vụ biết liền. Bà chủ bưng lên một đĩa ốc hút đặt lên bàn. Nguyễn Bá Thanh hỏi: - Bà bán ri ngày kiếm được bao nhiêu? Có thuế má chi không?

Như được mớm cung, khơi mào, bà bán ốc hút một thôi, một hồi ôn nghèo kể khổ và lên án hai cha nội hút ốc không trả tiền: Mấy ổng dệnh cho mỗi tháng 250 nghìn.

- Mới tăng hay lâu rồi?

- Dạ trước là 50 nghìn.

- Thu thuế bà có biên lai không?

- Đây, đây. Bà đưa ra ba cái biên lai, một cái cũ, hai cái mới để phân biệt sự chênh lệch 100% vì lý do hút ốc không trả tiền. Đòi nợ thì thù.

Nguyễn Bá Thanh trả tiền đĩa ốc mới hút có hai con, thò túi áo lấy cái đơn kêu cứu của bà bán ốc hút, viết: Đề nghị, từ nay không thu thuế quầy bán ốc hút này. Quầy của bà Ba Huệ ở số 25 đường Lê Duẩn - Hải Châu. Nguyễn Bá Thanh viết tên mình, ký rồi đưa lại tờ đơn kiện cho bà chủ, đứng dậy chào, bước xuống lề đường. Bà bán ốc hút cầm chính lá đơn bà viết, sững sờ nhìn theo… Bà Huệ la lên: - Huớ... làng, tui gặp ông Chủ tịch thành phố!

Bà bán bún ốc ơi! Các bác xích lô, các anh xe thồ, các em lang thang cơ nhỡ... từ nay - xế trưa ngày định mệnh Mười ba, thứ Sáu, không còn gặp Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh nữa rồi!

Tôi có chết đâu mà bái

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 9, từ ngày 13-10 đến ngày 1-11-1996… ra quyết định ngày 1-1-1997, chia tách tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch Đà Nẵng. Một hôm có ba bà đưa đò sang sông Hàn đến xin gặp Chủ tịch. Khi ba bà xin vô được tới Văn phòng Ủy ban thành phố, thì lập tức ba bà đứng chờ ngoài sân tranh thủ chớp thời cơ kéo vô liền xếp thành đoàn sáu bà xin gặp Chủ tịch thành phố. Sáu bà mà chỉ ba bà cầm đơn trên tay.

- Ông Chủ tịch. Sáu bà đồng loạt cúi đầu chào. Năm bà nhìn sững Nguyễn Bá Thanh. Một bà thay mặt đứng dậy chắp hai bàn tay: - Thiệt ra, chỉ có ba bà đệ đơn - Ba bà ni đây, bà ta chỉ ba bà ngồi ở cái bàn bên cạnh. Ba bà mang đơn đi mấy lần mà không dám gặp ông Chủ tịch, nên chi mới kéo thêm ba chị em chúng tôi.

- Tôi hỏi, các bà có ưng xây cầu Sông Hàn không?

- Chúng tôi thì rất quý ông. Ông làm cầu qua sông Hàn thì quá ngon. Họ đi qua đi lại dễ òm. Cuối cùng bọn tôi bị loại, không có việc làm. Không biết tính răng, lên cầu cứu ông Chủ tịch.

Hai bên chủ và khách hình như đã gặp nhau ở đâu, trông quen? Khi giám sát thi công cầu Sông Hàn, không ít lần Nguyễn Bá Thanh ngồi trên thuyền của mấy bà đưa đò, thuyền thường áp sát mấy trụ cầu. Họ không biết cha này là ai mà cứ bảo bơi đến rồi lại bơi lui, chả cứ nhìn nhìn mấy cái trụ cầu. Bơi một vòng, sắp lên bờ, chả hỏi: - Mấy ngàn?

Năm ngàn. Chú đưa tui năm ngàn.

Chả rút đưa năm chục ngàn, nói:- Để mấy bà ăn trầu.

Bà chèo đò tay cầm tờ năm chục ngàn nhìn theo, ngạc nhiên. Thằng cha ni mô lạ ri, dẫn đi, dẫn đến, hỏi không ra là ai.    

- Phường đã làm việc với mấy cô, mấy thím chưa?

- Dạ, có mời đến hỏi thăm, báo cáo hoàn cảnh. Ai kiến nghị chi thì phường tính... Nhưng…

- Thôi. Nhưng nhị chi. Ghe bán cho ai? Sống sao đây? Chừ tính răng rồi?

- Dạ, chừ kẹt tiền mấy cái ghe phải úp trên bờ. Mà, chừ cũng không có bờ để úp.

- Thưa ông Chủ tịch. Tui là dân ngu khu đen, quanh năm làm thuê làm mướn sống qua ngày nhờ đưa đò qua lại.

- Đời ta ba đời nó. Mà đời ta hàng chục đời nó luôn! Một bà khác thấy hai bà nói được, ưng nói quá, không nhớ lời dặn chỉ một bà phát ngôn, đừng nói dật dờ với ông Chủ tịch.

- Mấy bác nói chi nói thẳng đi. Nguyễn Bá Thanh gợi ý tự do ngôn luận.

- Tôi đưa đò ngang, cha mẹ thường dặn con: - Con ơi, mẹ dặn lời này, sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua… Ba đời rồi, từ ông nội, ông già, đến tôi, sống nhờ cái ghe, cái đò, chừ…

Tôi hiểu rồi đó! Nguyễn Bá Thanh cắt ngang - Với cương vị Chủ tịch thành phố, các bác khiếu nại là đúng. Ghe của mấy bác, mấy thím đóng lâu chưa, cũ hay mới. Ba chiếc ghe mua bao nhiêu?

- Dạ, ghe cũng không mới mà cũng không cũ…

- Mấy năm rồi?

- Cho được đồng mô hay đồng nấy. Có chỗ mua thì bán.

- Thôi, mấy bà về hỏi chồng con, tính mỗi chiếc ghe giá bao nhiêu, vài ngày nữa sẽ có người đến tận nhà mua cho. Giám định mua của mấy bà đàng hoàng.

Nguyễn Bá Thanh nói và cầm điện thoại bấm, gọi Chủ tịch các xã thấp lụt Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Xuân, Hòa Quý, hỏi có ghe chống bão lụt chưa, thì anh Chủ tịch xã nào cũng nói:

- Cần ghe quá! Nhưng...

- Chưa mua thì ra liên hệ với phường An Hải Tây. Kinh phí rút từ kinh phí phòng chống bão lụt năm 2000. Mỗi xã một chiếc. Trước mắt có ngay ba chiếc. Anh mô lên trước nhận trước.

- Còn các bà tôi giải quyết công việc làm - Thả điện thoại xuống, Nguyễn Bá Thanh nhìn mấy bà nói. -
Được chưa?

Nguyễn Bá Thanh hỏi vậy thôi chứ khi nói chuyện qua điện thoại với các Chủ tịch xã, nhìn thấy mấy bà béo nhau cười toại nguyện, đắc ý. Sau câu hỏi được chưa, sáu bà đồng loạt đứng dậy chắp tay bái chào cảm ơn ríu rít.

- Tôi còn sống nhăn đây, có chết đâu mà bái. Nguyễn Bá Thanh đưa hai tay lên cười: Thôi, thỏa mãn chưa. Về được rồi. Mai đến tôi bố trí công việc.

Không biết, mấy ngày giáp Tết Ất Mùi - 2015 này có bà mô trong số sáu bà chèo đò ngày ấy chen trong đám đông vây quanh căn nhà 189, Khuê Trung, lạy, khóc tiễn biệt Nguyễn Bá Thanh về quê nhà Dưỡng Mông, Hòa Tiến!

HỒ DUY LỆ

;
.
.
.
.
.