Câu nói quen thuộc mà các thành viên trong Ban chủ nhiệm Ngân hàng máu nóng - Hội từ thiện Sông Hàn Đà Nẵng (gọi tắt là BCN MNSH) nhận được mỗi ngày là “Alô, tôi cần máu...”.
Anh Ngô Xuân Hoàng (SN 1981) thực hiện hiến tiểu cầu bằng máy tách chuyên dụng. |
Cuộc điện thoại lập tức làm BCN MNSH sốt sắng. Thông tin về số lượng, nhóm máu nhanh chóng được truyền đến tất cả thành viên trong MNSH. Trên trang facebook của MNSH, các nội dung cảm ơn sự hỗ trợ thành công máu nóng/tiểu cầu của những tấm lòng vẫn đều đặn được cập nhật mỗi ngày. Thêm nhiều nụ cười đã ở lại, tiếp tục tô thắm cho đời nhờ nghĩa cử cao đẹp- hiến máu cứu người…
Đợi máu
Một ngày cuối năm, người người, nhà nhà tất bật, hân hoan đón chào năm mới. Điện thoại của anh Lê Quang Hiếu (SN 1984), thành viên BCN MNSH, liên tục rung lên, có 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng cần 1 đơn vị máu nóng nhóm máu A, tiểu cầu máy (sản xuất khối tiểu cầu từ một người bằng máy tách chuyên dụng - PV) nhóm máu O.
Tra danh sách thành viên có nhóm máu A, anh Hiếu vội vàng liên lạc với anh Hà Quốc Hải. Không chần chừ, anh Hải gật đầu đồng ý và có mặt ở bệnh viện sau đó khoảng 10 phút. Tình nguyện viên nhóm máu A đã hỗ trợ bệnh nhân thành công, nhưng BCN MNSH vẫn chưa thể mỉm cười. Bởi lẽ, việc tìm tình nguyện viên nhóm máu O đang gặp khó khăn khi chạy tiểu cầu máy cần một nam thanh niên có sức khỏe. Hôm ấy lại là ngày lễ nên sự việc càng cấp bách hơn.
Hàng trăm cuộc điện thoại tỏa đi khắp nơi cầu cứu. Gia đình bệnh nhân Ôn Văn Thạnh lo lắng, BCN MNSH sốt ruột. Anh Nguyễn Minh Tiến (SN 1986), thành viên BCN MNSH đã có mặt tại bệnh viện, túc trực bên cạnh người bệnh để kịp thời hỗ trợ. Phải đến hơn 14 giờ, nỗi âu lo mới dần dịu lại khi anh Ngô Xuân Hoàng (SN 1981) xuất hiện tại khoa Huyết học - Truyền máu và sẵn sàng giúp đỡ.
Anh Hoàng là dân quân thuộc UBND phường An Hải Đông (quận Sơn Trà). Đang làm việc, nghe đồng nghiệp báo tin có người cần máu, anh tức tốc xin phép đơn vị và chạy nhanh đến bệnh viện. Từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi năm anh Hoàng hiến máu 3-4 lần nhưng đây là lần đầu tiên anh hiến tiểu cầu bằng máy tách chuyên dụng. “Khi hiến máu, tôi không nghĩ điều gì cả. Chỉ mong máu của mình hữu dụng với một ai đó là hạnh phúc rồi”, anh Hoàng chia sẻ.
“Tôi sẵn sàng”
Chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, điện thoại của anh Tiến lại reo vang. “Xin lỗi, tôi là người nhà của bệnh nhân Hồ Trọng (SN 1958, quê huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ba tôi cần xin tiểu cầu máy nhóm máu O…”, giọng một người đàn ông ngập ngừng.
Đồng hồ chỉ 15 giờ, đã hết thời gian có thể hỗ trợ tiểu cầu máy. Phương án khác nhanh chóng được đưa ra, chuyển từ tiểu cầu máy sang máu nóng để kịp thời cứu chữa bệnh nhân; đồng thời tiếp tục kết nối với tình nguyện viên phù hợp, có thể chạy tiểu cầu máy vào hôm sau. Tuy nhiên, việc tìm người có nhóm máu O không dễ dàng hơn trong thời điểm này, bởi người thì chưa đủ thời hạn giữa 2 lần hiến máu, người thì đang đi công tác xa…
Ngồi chờ anh Hoàng chạy tiểu cầu máy hỗ trợ chồng mình, chị Lê Thị Thanh Vân (SN 1978), vợ bệnh nhân Ôn Văn Thạnh, mau mắn: “Chị nhóm máu O, thiếu người không, lấy máu của chị nè. Chị cho một đơn vị chắc được”. Đây không phải là lần đầu tiên chị Vân sẵn sàng hiến máu “tại chỗ” như thế. Lần khác, trong lúc cùng chồng đi điều trị, chị đã xung phong hiến máu cho một bệnh nhân đang cần máu. Tuy nhiên, khi ấy, chị đang uống thuốc chữa bệnh nên không đủ điều kiện. Trước đó, chị cũng từng 2 lần hiến máu nhân đạo tại công ty.
Nỗi âu lo vơi phân nửa. Những cuộc điện thoại gọi đi vẫn không ngừng lại để tiếp tục tìm thêm tình nguyện viên thứ hai.
Trong lúc chị Vân đang làm xét nghiệm kiểm tra trước hiến máu, một thanh niên thập thò, lí nhí: “Em muốn hiến máu phải đăng ký như thế nào ạ?”. Đó là bạn Nguyễn Trung Tín (SN 1993), sinh viên Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng). “Lần trước, trường em tổ chức ngày hội hiến máu nhân đạo nhưng em không tham gia được. Em vừa kết thúc thi học kỳ, muốn hiến máu nên hỏi thăm bạn bè và được chỉ đến đây. Ngày mai, em về quê nghỉ lễ, hôm nay tranh thủ…”, Tín nói.
Niềm hy vọng nhen lên. “Em thuộc nhóm máu nào?”, mọi người trong phòng đồng loạt hỏi. Tín bẽn lẽn lắc đầu. Các thủ tục xét nghiệm kiểm tra trước hiến máu nhanh chóng được tiến hành. Niềm vui vỡ òa khi kết quả cho thấy Tín thuộc nhóm máu O. “Ba được cứu rồi”, hai người con của bệnh nhân Hồ Trọng ôm chầm lấy nhau, hồ hởi.
“Lần đầu tiên đi hiến máu, chứng kiến cảnh này, em xúc động lắm! Em rất vui vì có thể giúp đỡ một ai đó…”, Tín cười.
Máu hiếm trong đêm Đêm 30-12-2014, trong lúc mọi người cuộn mình trong chăn ấm, say giấc nồng thì điện thoại của anh Đoàn Văn Hòa (cán bộ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Đà Nẵng) reo vang. Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, một sản phụ (quê huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) chuyển dạ trong tình trạng sức khỏe yếu, nguy kịch. Các bác sĩ chỉ định mổ ngay trong đêm nhưng lại “đau đầu” trước nhóm máu hiếm Rh âm (ở Việt Nam, tỷ lệ người thuộc nhóm máu Rh âm chiếm tỷ lệ khoảng 0,07% dân số) của sản phụ. Nghe thông tin, anh Hòa vội liên lạc với thành viên CLB Máu hiếm thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng. Không quản ngại đêm khuya, không nề hà thời tiết mưa lạnh, anh Hòa cùng anh Đinh Quang Nhâm (ngụ quận Sơn Trà) và anh Nguyễn Quốc Khánh (ngụ quận Hải Châu) ngay lập tức có mặt tại bệnh viện, kịp thời hiến 2 đơn vị máu, giúp sản phụ được mẹ tròn, con vuông. |
Bài và ảnh: TRÂM ANH