Chính trị - Xã hội
Ra đi từ dân...
Có thể nói trong những ngày qua, mỗi người dân Đà Nẵng như nín thở chờ đợi một phép mầu để người con quê hương mà mình yêu mến vượt qua được ranh giới khắc nghiệt của số mệnh. Nhưng bây giờ thì tất cả đã qua rồi.
Mọi phỏng đoán, âu lo, mong ước... về sức khỏe Nguyễn Bá Thanh đều đã thành quá khứ. Nguyễn Bá Thanh đã thật sự ra đi. Trong nắng quái chiều hôm, tôi đảo một vòng xe qua số nhà 189 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Khuê Trung, những người chờ đợi từ trưa để được vào nhìn mặt Nguyễn Bá Thanh lần cuối, đã bắt đầu được hướng dẫn để xếp hàng lần lượt vào thăm, theo cách đến với một người thân trong họ tộc.
Tiếc thương cho một người đồng chí, một người bạn, nhưng tôi cũng thật nao lòng khi nghĩ về những người xếp hàng chiều nay trong trật tự và lặng lẽ, đến bên người đã khuất; trong số họ, có những người đạp xe thồ, những người bán vé số, người bán hàng rong... người ở các hẻm kiệt nội thành, người từ những xã vùng xa của Hòa Vang. Họ đã gác lại công việc mưu sinh để đến đây, bày tỏ tấm lòng mình, như để giải tỏa cho nỗi tiếc thương kìm nén.
Cái được lớn nhất – như Nguyễn Bá Thanh vẫn thường nhấn mạnh – đó là được lòng dân. Ảnh: VĂN NỞ |
Trong những ngày Nguyễn Bá Thanh đau nặng, phải điều trị ở xa, trên các trang mạng, nhiều cá nhân đã tự nguyện sưu tầm và góp những tư liệu hiếm thấy về hình ảnh của một người lãnh đạo gần gũi, có phần “dân dã” với quần chúng. Tôi chú ý đến bức ảnh Nguyễn Bá Thanh ngồi đánh cờ ngay trên vỉa hè bờ sông Hàn, chiếc điện thoại di động bỏ dưới đất một cách lơ đễnh. Trong lúc chủ nhân của nó đang chăm chú vào những quân cờ, có thể lắm, ở một nơi nào khác, chiếc điện thoại di động dễ “không cánh mà bay”! Nhưng có điều chắc chắn, trong trường hợp này là không thể. Giản đơn, vì ông chủ của nó là “người nhà”, là bạn của họ.
Cũng tương tự như thế, ngôi nhà của vị lãnh đạo thành phố, đã từ lâu lắm, trừ quãng thời gian Nguyễn Bá Thanh đi chữa bệnh, cánh cửa luôn rộng mở. Không phải ai cũng đến đó chỉ để đề đạt giải quyết quyền lợi riêng tư. Đơn giản có khi là một cuộc trò chuyện bên ấm trà, bên bao thuốc có người vừa cho, bên chai rượu “xách tay” sau một chuyến đi công tác nước ngoài. Trong những câu chuyện bình thường như vậy sẽ nẩy ra bao nhiêu giải pháp, bao nhiêu chủ trương cho thành phố.
Trưởng thành từ trong lòng cuộc kháng chiến ác liệt của quê hương Hòa Vang, của Quảng Nam – Đà Nẵng, với truyền thống cách mạng của gia đình, đặc biệt là gương hy sinh của người cha là liệt sĩ, Nguyễn Bá Thanh sớm có sự quan tâm và mối cảm tình sâu nặng với người dân quê hương.
Trên bước đường công tác của mình, từ vị trí của một chủ nhiệm hợp tác xã, rồi có lúc làm giám đốc nông trường và sau này, khi đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo cao nhất của chính quyền và Đảng bộ thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, điều quan tâm của anh và của lãnh đạo thành phố là làm sao cho đời sống bà con được nâng lên, từ nội thành đến ngoại thành; làm sao cho mọi người phải yêu thành phố của mình, coi nó là nơi đáng để gắn bó.
Muốn thế phải đến với dân, đi vào trong lòng cuộc sống thực của dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội để tìm hiểu họ sống như thế nào và bằng cách nào để họ bớt nghèo bớt khổ. Đã có quá nhiều dẫn chứng về phong cách gần dân của Nguyễn Bá Thanh, không có điều kiện kể hết, chỉ biết rằng, trong số những chủ trương và giải pháp ấy, có những nét độc đáo không giống ai, theo cách nói của những nhà kinh tế học hiện nay, đó là những “giải pháp lạ”, miễn là có lợi cho số đông.
Mà cũng không chỉ với số đông, có khi với một cảnh ngộ cụ thể, duy nhất, nhưng đó là trường hợp đáng phải giúp đỡ, hỗ trợ, Nguyễn Bá Thanh cũng có cách chỉ đạo thực hiện “không giống ai”, miễn là không sai chính sách, và nhờ thế mà một người nghèo trong xã hội qua được cơn khốn khó.
Trong đời thường, người lãnh đạo cao nhất của thành phố Nguyễn Bá Thanh sẵn sàng ngồi xổm bên nồi ốc luộc của người bán hàng nghèo để tìm hiểu thu nhập một ngày của họ và chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh cách thu thuế sao cho hợp lý hay nếm thử một cách tự nhiên nồi cháo tình thương trong bệnh viện; và khi cần có thể sà vào một đám đánh cờ của các cụ hưu trí bên bờ sông Hàn để “tỉ thí” vài ván như là một sự thư giãn sau công việc mệt nhọc. Nó là một ứng xử tự nhiên, không phải là kiểu “quần chúng hóa” gượng ép.
Chính vì gần dân, hiểu nguyện vọng của dân nên anh đã cùng cấp ủy định ra những chủ trương mạnh mẽ, táo bạo, mà có khi phải qua thời gian mới thấy hết giá trị. Vấn đề là việc làm ấy có cần thiết, có lợi cho dân hay không. Tập thể đã quyết là quyết tâm làm, ít vòng vo, khách sáo. Chỉ xin nhắc lại câu chuyện mà ai cũng biết, đó là chuyện xây cầu bắc qua sông Hàn. Trước năm 2000, người dân đi lại qua sông Hàn chỉ nhờ vào chiếc phà cũ kỹ và những chiếc thuyền nan. Bắc một chiếc cầu qua sông là yêu cầu bức xúc nhưng cũng quá mới mẻ. Dư luận băn khoăn cũng nhiều. Cử tri có người chất vấn : “Ai quyết định xây chiếc cầu này và nếu thất bại thì ai chịu trách nhiệm?”, Nguyễn Bá Thanh khẳng khái trả lời: “Quyết định là tập thể Thường vụ Thành ủy và người chịu trách nhiệm là tôi - Chủ tịch UBND thành phố!”
Phong cách quyết liệt, dám nghĩ táo bạo, dám hành động mạnh mẽ vì sự nghiệp phát triển thành phố đã khiến cho hình ảnh Nguyễn Bá Thanh thường được nhắc đến trong những câu chuyện của người dân thành phố. Nhiều lời khen, và cả những bình luận có khi trái chiều, về con người này.
Lãnh đạo một địa phương đang vươn mạnh theo hướng văn minh hiện đại, biết bao việc phải làm, sao tránh khỏi có những động chạm đến lợi ít riêng của một số người. Cái đọng lại là một tấm lòng, một nhiệt huyết với quê hương.
Cái được lớn nhất – như Nguyễn Bá Thanh vẫn thường nhấn mạnh – đó là được lòng dân. Đến giờ phút này, chúng ta bỗng nhận ra, cái được lòng dân không chỉ với ý nghĩa là đại đa số người dân đồng thuận với những chủ trương lớn của thành phố để Đà Nẵng có được diện mạo hôm nay, mà khi con người ấy mãi mãi ra đi, anh đã trở thành một phần không thể thiếu trong tình cảm của họ.
Cũng dễ hiểu vì sao, buổi đón người lãnh đạo của thành phố mình trở về Đà Nẵng tiếp tục điều trị, hàng ngàn, hàng ngàn người dân, không ai bảo ai, tụ tập ở phi trường, rồi sau đó theo nhau về bệnh viện, biết là không dễ gặp mặt, nhưng cốt để thể hiện tấm lòng, và cùng cất lên tiếng nói: “Cố lên! Nguyễn Bá Thanh!”.
Cũng như lúc này đây, buổi trưa vĩnh biệt 13-2-2015, khi Nguyễn Bá Thanh từ bệnh viện trở về yên nghỉ trong ngôi nhà của mình, vẫn những người dân quê hương đang tập trung trước nhà của vị Bí thư Thành ủy mà họ yêu mến, kiên nhẫn chờ đợi để nhìn mặt ông lần cuối, như với một người thân ruột thịt vừa ra đi...
13-2-2015
BÙI CÔNG MINH