.

Tấm lòng thương dân sâu nặng

.

LTS: Giữa bề bộn công việc lo tổ chức tang lễ cho người thủ trưởng yêu kính của mình, ông Phan Văn Tâm (Vụ trưởng Vụ Địa phương - Ban Nội chính Trung ương) - người cán bộ có thời gian 22 năm liên tục làm phụ tá cho đồng chí Nguyễn Bá Thanh – gửi đến Báo Đà Nẵng bài viết kể lại một số chi tiết đáng nhớ trong suốt gần 9 tháng luôn bên cạnh đồng chí Nguyễn Bá Thanh lâm bệnh.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thăm bệnh nhân Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. 	       Ảnh: VĂN NỞ
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh thăm bệnh nhân Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Ảnh: VĂN NỞ

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh yêu quý của chúng ta là người lãnh đạo có tư tưởng “vì dân” xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Tư tưởng đó không chỉ dừng lại ở lời nói, trong các bài phát biểu ở hội nghị, cuộc họp, hay trong những bài diễn văn tại các lễ mít-tinh mà nó được thể hiện bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực, hiệu quả với tấm lòng thương dân sâu nặng.

Và trong những tháng ngày chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, hay trước khi linh cảm biết mình sẽ đi xa, tư tưởng lo cho dân, lo cho người khác vẫn luôn hiện hữu trong ông không một chút suy giảm. Ông ra hiệu cho tôi lấy giấy bút, rồi bằng giọng nói yếu ớt, ông bảo tôi ghi chép lại những dặn dò về công việc cơ quan.

Trong thời gian điều trị tại nước ngoài, ông luôn luôn nói với các bác sĩ ước nguyện của mình là muốn khỏi bệnh để về thực hiện cho xong nốt việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng để cứu chữa miễn phí cho bệnh nhân nghèo mắc bệnh ung thư. Ông thường nhắc lại câu nói: “Mắc bệnh ung thư coi như đeo án tử trên người rồi, mình làm chi xoa dịu bớt bất hạnh đó cho họ được thì làm”.

Ông cũng nói về mong ước thiết tha của mình là chữa lành bệnh để về nước xin ý kiến bộ Y tế vận động thành lập cộng đồng hiến tủy và tế bào gốc của Việt Nam để giúp chủ động chữa trị các bệnh nhân mắc các chứng bệnh liên quan đến rối loạn sinh tủy. Việc này trên thế giới đã làm nhưng Việt Nam chưa có. 

Lúc đang nằm trên giường bệnh để vào hóa trị đợt thứ hai ở Hoa Kỳ, giữa cơn đau đớn bởi những tác dụng phụ kinh khủng do hóa trị gây ra, có hai việc mà tôi nhớ mãi. Đó là, rất nhiều người dân, đồng chí, người thân, bạn bè, nhắn tin, gọi điện động viên ông cố gắng chữa lành bệnh rồi về nước, có người nói ông có nụ cười rất đẹp và đôn hậu, ông hãy cố gắng cười nhiều lên cho vơi bớt nỗi đau đớn.

Ông suy ngẫm hồi lâu rồi nói rằng, nghĩ về đất nước mình còn nhiều khó khăn, nhân dân mình còn quá vất vả, nên nhiều lúc muốn cũng không cười nhiều được, nhưng sẽ cố gắng. Rồi có lần, ông nhờ tôi đưa điện thoại và bấm máy điện cho anh Văn Hữu Chiến, thời điểm đó đang là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, nói anh em chỗ văn phòng (Văn phòng UBND thành phố) trình cho anh Chiến ký giải quyết ngay cái lô đất ở khu dân cư Đầm Rong cho một đồng chí lão thành cách mạng đang gặp điều không may mắn trong cuộc sống nên khó khăn về chỗ ở.

Ông có nói vừa thật vừa đùa với anh Chiến là nếu không giải quyết cho đồng chí lão thành cách mạng lô đất đó thì Chiến đừng đến nhà Bá Thanh chơi nữa nhé. Ông cũng trăn trở tìm cách vận động góp tiền xây nhà cho bác ấy. Nhớ lại, trước khi đi chữa bệnh xa quê hương, ông tự thảo và nói thư ký đánh máy giùm cái đơn xin mua đất rồi đem xuống cho đồng chí lão thành cách mạng đó ký vào đơn. Vì mảnh đất này cũng được nhiều người quan tâm mua, ông sợ anh em tham mưu không trình lên Chủ tịch nên anh còn nói nếu không giải quyết cho bác hưu trí cao cấp đó thì Bá Thanh sẽ đứng tên xin mua.     

Hay như lúc điều trị ở Hoa Kỳ, khi vị giáo sư, bác sĩ trực tiếp điều trị hỏi: “Nếu điều trị với phác đồ chuẩn không đáp ứng và buộc phải dùng đến phác đồ với các loại thuốc đang tiến hành nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để điều trị bệnh cho ông thì ông có đồng ý không?”.

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh trả lời: “Tôi đồng ý. Tôi chấp nhận làm bệnh nhân để các ông thử nghiệm vì nếu có chết thì một mình tôi chết, nhưng ngược lại nếu thành công thì không chỉ bản thân tôi được cứu sống mà quan trọng nhất là nó sẽ trở thành phát minh khoa học của nhân loại để giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân khác mắc bệnh như tôi”.

Vị giáo sư, bác sĩ người Mỹ tỏ vẻ rất nể phục, đánh giá cao ông về câu trả lời đầy bản lĩnh và đậm chất nhân văn đó. Tôi ngồi cạnh cảm thấy rất tự hào về người thủ trưởng bản lĩnh, đáng kính của mình, tự nhủ với chính mình rằng, đó chính là đức tính hy sinh, là mình vì mọi người, thật là
cao cả.

Những đêm trực trong bệnh viện ở Hoa Kỳ, anh em chúng tôi ngồi cạnh giường, mặc dù vẫn muốn có anh em ngồi bên cạnh nhưng vì sợ anh em chúng tôi mệt, ông nói cứ nằm nghỉ đi, khi nào mệt và cần thiết thì ông sẽ gọi dậy chứ đừng thức mà ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chúng tôi thật xúc động, bởi lẽ ngay cả lúc đau đớn vì bệnh tật mà ông cũng luôn nghĩ và lo cho người khác.

Và có một điều nữa, trong những lúc đau đớn đến mê man trên giường bệnh nơi xứ người, ông chỉ thích nghe mỗi một bài hát “Quê hương” của Giáp Văn Thạch, lời thơ của Đỗ Trung Quân. Và mỗi một lần nghe lời bài hát này, chúng tôi thấy ông đều chảy nước mắt. Có lẽ dù có đi đâu, làm gì, lúc khỏe mạnh hay lúc ốm đau, ông vẫn đau đáu về thành phố quê hương thân yêu.

PHAN VĂN TÂM

;
.
.
.
.
.