Nhờ tập trung chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông nghiệp huyện Hòa Vang từng bước được tái cơ cấu và ngày càng nâng cao năng suất và chất lượng nông sản phục vụ đô thị.
Sinh viên Đại học Đà Nẵng tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Hòa Nhơn. |
Nghị quyết của Huyện ủy Hòa Vang (khóa 15) về phương hướng và nhiệm vụ năm 2015 nêu rõ mục tiêu năm 2015 là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Theo đó, huyện sẽ tập trung phát triển ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng nông sản phục vụ đô thị, trong đó tập trung huy động nguồn lực đầu tư để 4 xã Hòa Nhơn, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn đạt chuẩn NTM và đây cũng là công trình trọng điểm để chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 16.
Để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Lê Văn Toàn cho biết: “Trong thời gian tới, Huyện ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã đẩy mạnh thực hiện lộ trình chuyển đổi sản xuất giống lúa trung, ngắn ngày, nâng cao chất lượng, hiệu quả các vùng sản xuất lúa giống; đồng thời tổ chức sản xuất có hiệu quả các vùng chuyên canh rau, nhân rộng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, củng cố và nâng cao hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất”.
Trong năm 2014, huyện Hòa Vang đã chuyển đổi nhiều giống lúa trung, ngắn ngày với tổng diện tích gieo sạ đạt 1.977 ha. Một số giống lúa như HT1, OM6976 đã được đưa vào thay thế các giống dài ngày và bước đầu đạt được hiệu quả. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, không xảy ra bão lũ đã góp phần ổn định sản xuất, năng suất lúa được đánh giá là cao nhất trong vòng 40 năm qua với bình quân cả năm đạt 62,5 tạ/ha, cao hơn năm 2013 là 4,45 tạ/ha. Một số loại cây trồng khác như bắp, đậu phụng cũng cho năng suất cao.
Cùng với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm thì huyện đã chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện là 399 ha với sản lượng ước đạt 850 tấn. Một số mô hình đem lại lợi nhuận cao và ổn định như: nuôi tôm thẻ chân trắng ở Trường Định, nuôi cá trê lai ở Hòa Khương… Ngoài việc triển khai một số khu nuôi trồng thủy sản ở Bàu Tràm, Nam Thành (xã Hòa Phong), An Châu (xã Hòa Phú), huyện còn quy hoạch thêm các khu nuôi trồng thủy sản ở vùng hạ lưu hồ Trước Đông (xã Hòa Nhơn), Phú Sơn 1, Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương)…
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết: Hiện nay huyện cũng đã thực hiện đề án “dồn điền đổi thửa” ở 5/11 xã và triển khai chương trình cải tạo vườn tạp thông qua việc hỗ trợ kinh phí cho 223 hộ dân mua các giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao như mít, chanh, dừa xiêm, ổi, bưởi da xanh, vú sữa, thanh long ruột đỏ… Huyện cũng triển khai có hiệu quả các mô hình xây dựng NTM theo Quyết định 33 như: trồng hoa lan, nấm, rau an toàn và nuôi cá trê lai, tôm, dê…; đầu tư cơ bản hạ tầng, hỗ trợ sản xuất 67 ha vùng sản xuất rau chuyên canh thuộc dự án Qseap tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Tiến, xây dựng cánh đồng mẫu lớn 100 ha ở các xã Hòa Tiến, Hòa Phong, Hòa Khương.
Bên cạnh đó, huyện còn đầu tư mạnh về đường giao thông, kênh mương nội đồng, trong đó nổi bật là xây dựng 20 tuyến đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất của người dân. Nhờ tập trung đầu tư đúng hướng, đến nay huyện Hòa Vang đã có 6/11 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và phấn đấu các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên trong năm nay.
Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG