Tháng 3-1975 mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân Đà Nẵng. Với những người trong cuộc, những ngày lịch sử ấy còn sống mãi trong ký ức của họ như một niềm kiêu hãnh diệu kỳ.
Đại tá Lê Công Thạnh (ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu), nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà nhớ lại: Đầu tháng 3-1975, tin chiến thắng Buôn Mê Thuột dội về làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ toàn Mặt trận. Ngay sau đó, hoạt động quân sự trên khắp địa bàn Quảng Đà phát triển mạnh mẽ. Quân ta liên tục tấn công, bức rút hàng chục đồn bót địch. “Từ ngày 22 đến 24-3, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) và các đơn vị của Mặt trận 4 tấn công tiêu diệt, truy kích địch ở Duy Xuyên, cắt đường số 1, thần tốc tiến vào giải phóng thị xã Tam Kỳ, rồi cùng lúc hướng về mục tiêu giải phóng Đà Nẵng”, ông Thạnh hào hứng nói.
Đã 40 năm trôi qua, ông Thạnh vẫn nhớ như in Chỉ thị của Khu ủy 5 về 3 yêu cầu trong Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng. Một là, đánh nhanh, tiến nhanh, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ lực lượng địch, không cho chúng co cụm hoặc chạy về phía nam. Hai là bảo đảm an toàn tốt nhất cho nhân dân. Ba là, cố gắng giữ thành phố còn nguyên vẹn. “Chỉ thị của Khu ủy nhanh chóng được phổ biến cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ và quân ta đã thực hiện xuất sắc các yêu cầu đó”, ông Thạnh khẳng định.
Từ ngày 25 đến 28-3, bộ đội, du kích liên tiếp tấn công, uy hiếp, bức hàng, bức rút các căn cứ địch ở Bình Long, Phong Thử, Trảng Nhật, Bồ Bồ… Hàng ngàn người dân ở Điện Bàn, Đại Lộc, Hòa Vang kéo tới những căn cứ địch và “nhập thị” vào Đà Nẵng, “báo” với ngụy quân, ngụy quyền là “Việt cộng về đông lắm, nhiều lắm!”, làm địch thêm hoang mang, khiếp sợ.
Ông Thạnh kể: Ở Điện Hòa, Điện Thắng và nhiều nơi khác, khi bộ đội chưa đến, nhân dân đã kéo vào đồn địch báo “Việt cộng về đông lắm, nhiều lắm!…”, làm chúng hoảng hốt, tháo chạy nháo nhào. Còn tại Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, nhờ sự vận động của cơ sở nội tuyến và những người dân giàu nhiệt huyết cách mạng, hơn 3.000 tân binh ngụy đã rã ngũ, chạy ra vùng giải phóng và chạy về nội thành Đà Nẵng, càng khiến địch khiếp đảm.
Đêm 28-3, lực lượng vũ trang của Mặt trận 4 và của cả quân khu từ phía nam ào ạt tiến ra Đà Nẵng. Trong khi đó, Quân đoàn 2 từ phía tây và phía bắc cũng thần tốc tiến vào thành phố. Ông Thạnh nhớ mãi sự kiện khi địch chạy qua khỏi cầu Bà Rén, chúng đã ném bom phá sập cầu để ngăn đường tiến quân của ta. Nhưng chính quyền địa phương và các cơ sở cách mạng hai bên bờ sông đã huy động hàng trăm ghe thuyền của nhân dân, cùng lực lượng công binh, khẩn trương vận chuyển bộ đội qua sông. Đến cầu Câu Lâu, hình ảnh ấy lại tiếp tục diễn ra. Tiếp đó, hàng đoàn xe chở khách của nhân dân Đà Nẵng, Hòa Vang, kể cả xe Honda, đã vào đón các đoàn quân cách mạng về giải phóng thành phố.
“Thật là sự phối hợp tuyệt vời giữa bộ đội với nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước”, ông Thạnh nhấn mạnh. Ông kể tiếp: “Tôi đi cùng xe với đồng chí Lê Ngọc Bảy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Quảng Đà, chỉ huy bộ phận đi đầu của tiểu đoàn, theo đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) tiến vào trung tâm thành phố. Đến khu vực Cầu Vồng, bộ đội xuống xe, chia 2 mũi: một mũi tiến thẳng vào Tòa thị chính, mũi thứ hai khẩn trương chiếm Kho bạc, Quân vụ thị trấn…
Rạng rỡ niềm vui, đại tá Lê Công Thạnh nói: Trong buổi sáng 29-3 lịch sử ấy, quân dân ta đồng loạt tấn công và nổi dậy làm chủ thành phố. Đến 11 giờ 30 ngày 29-3, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng. Tàn binh địch chạy về khu vực Mỹ Khê (Sơn Trà), ngoan cố chống cự và tìm đường chạy ra Biển Đông. Các đơn vị bộ đội chủ lực, có tự vệ dẫn đường, dũng mãnh tấn công, tiêu diệt địch. Pháo tầm xa của ta kịp thời khống chế các cửa biển. Không còn đường tháo chạy, quân địch lần lượt buông súng đầu hàng. Cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng kết thúc thắng lợi lúc 15 giờ ngày 29-3-1975.
LÊ VĂN THƠM