Trong cuộc tổng tấn công và đại thắng mùa xuân 1975, lực lượng pháo phòng không, trong đó có Trung đoàn Pháo phòng không 224 (Sư đoàn 375, quân chủng Phòng không - Không quân) đã sử dụng nhiều cách đánh sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng, kết hợp chặt chẽ với lực lượng binh chủng hợp thành tạo nên sức mạnh trên mọi hướng.
Trong chiến dịch này, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) của trung đoàn đã hành quân cơ động vừa tiêu diệt mục tiêu trên không, vừa bảo vệ cơ sở địa bàn của ta sau khi được giải phóng, cùng các lực lượng phòng không của Sư đoàn 375 bắn rơi 13 máy bay Mỹ, trong đó có nhiều chiếc hiện đại, góp phần làm nên một trong những chiến thắng vĩ đại trong thế kỷ 20.
Sau chiến dịch Tây Nguyên - Buôn Mê Thuột thắng lợi, ta liên tiếp giải phóng nhiều vùng đất quan trọng từ Quảng Trị đến Khánh Hòa. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh “Kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất”, chấp hành sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 375, Trung đoàn 224 có nhiệm vụ cơ động, tham gia giải phóng và bảo vệ các mục tiêu quan trọng từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. CBCS xác định đây là vinh dự và trách nhiệm lớn lao, quyết tâm ra sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ trung đoàn đến các đại đội làm thật tốt công tác chuẩn bị như: kế hoạch hành quân, bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật, luyện tập thuần thục các phương án chiến đấu của trung đoàn. Trên đường hành quân cơ động, cần tập trung tiêu diệt các tốp máy bay địch quay lại đánh phá các mục tiêu của ta… Do có sự chuẩn bị và đề phòng từ trước nên CBCS của trung đoàn đã chủ động phục kích đánh trả nhiều cuộc tập kích của địch, bảo vệ vững chắc mục tiêu được giao, tiêu diệt nhiều máy bay địch.
Tiêu biểu một trong những trận đánh đó là: 17 giờ ngày 22-3-1975, ngay sau khi Quảng Trị vừa được giải phóng, trung đoàn được lệnh triển khai ở khu vực Cam Lộ, trực tiếp là bảo vệ kho tàng ở Phan Xá và hỗ trợ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở thị trấn Cam Lộ. Lợi dụng tình hình chưa ổn định, địch đã sử dụng nhiều tốp, chiếc đánh phá ác liệt vào khu vực Cam Lộ, hòng bắn phá kho tàng và cơ sở chính trị non trẻ của ta ở đây.
Trung đoàn được lệnh phối hợp với các lực lượng, các đơn vị bạn chiến đấu. Với tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo và truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, các đơn vị đã đồng loạt điểm xạ, bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay A4D của Mỹ, góp phần đập tan âm mưu của địch, bảo vệ cơ sở, địa phương an toàn. Đây là trận đánh thắng xuất sắc giành hiệu suất chiến đấu cao của Trung đoàn 224 trên đường hành quân thần tốc vào giải phóng Huế - Đà Nẵng. Sau chiến công đó, trung đoàn đã vinh dự được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất...
Phát huy thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những năm qua, trung đoàn luôn làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời trên địa bàn Đà Nẵng. Lớp lớp CBCS trung đoàn tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu, ra sức huấn luyện làm chủ vũ khí khí tài được giao; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
40 năm đã trôi qua kể từ khi tiếp quản và trực tiếp bảo vệ các mục tiêu trên địa bàn Đà Nẵng từ năm 1975 đến nay, đơn vị đã làm tốt công tác giúp đỡ nhân dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương biểu dương khen ngợi.
Với những thành tích đã đạt được, năm 2014, trung đoàn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu “Đơn vị huấn luyện giỏi”; Tư lệnh quân chủng tặng cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua quyết thắng khối các trung đoàn pháo phòng không”, danh hiệu “Đơn vị văn hóa”. Đặc biệt, với những chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài trung đoàn còn có đại đội 4 đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào ngày 16-12-2014.
NGUYỄN VĂN LỘC