.

Cha truyền con nối giữ ngư trường

.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tạm dựng lên trên đường Khúc Hạo với nhiều dụng cụ đi biển, chị Lê Thị Bình bỗng trở nên sôi nổi khi nghe tôi nhắc lại sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

“Hồi nớ, cả làng cá quanh Âu thuyền Thọ Quang ni ai cũng lo, sáng sớm cho đến chiều chị em chúng tôi gặp nhau là nói chuyện ni, còn tối về thì bận mấy cũng tranh thủ xem ti-vi để coi tình hình như thế nào. Răng mà không lo được khi chồng của tôi và rất nhiều đàn ông trong khu vực đi đánh bắt cá ở đó mà. Nhiều bữa xem ti-vi thấy tình hình căng quá, chúng tôi bàn với nhau lần này mấy ổng vô là không cho đi nữa.

Nói rứa thôi, chứ nghĩ lại thì thấy như vậy vô lý quá, Trung Quốc lấn chiếm biển của mình mà mình bỏ chạy để lại vùng biển ni cho họ thì coi răng được. Nghĩ lại mình thấy xấu hổ quá. Có phải mình chồng tôi bám biển, bám ngư trường Hoàng Sa này đâu. Tất cả ngư dân miền Trung, phía sau còn có Nhà nước lo mà”, chị Bình tâm sự.

Cùng tâm trạng, chị Bùi Thị Hai cho biết: “Hồi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép được khoảng 10 ngày là chồng tôi về, tôi đã nói là thôi không đi nữa, nguy hiểm quá. Thế nhưng, sau khi nghe chồng nói là trên biển mình không đơn độc mà có bà con ngư dân, có Nhà nước bảo vệ nên cuối cùng cũng vui vẻ để chồng ra khơi.

Riêng thằng con trai đầu lòng, lúc đó đang học năm cuối tại Trường Giao thông vận tải, chuyên ngành động cơ, tôi dự định sẽ kiếm một nghề gì đó trên bờ. Nhưng lần mô nói chuyện nó cũng nói gọn lỏn “Để con tính”. Cuối cùng thì nó cũng theo cha ra biển được 4-5 tháng ni rồi. Lúc đó tôi mới biết cha con ổng tính là cho con đi học nghề sửa máy nổ để đi biển lỡ tàu chết máy biết khắc phục”.

Ông Trần Văn An, một ngư dân có trên 20 năm bám biển cũng hào hứng góp chuyện: “Ngư dân mà bỏ ngư trường Hoàng Sa là có tội với tổ tiên lắm. Bao nhiêu đời cha ông mình đều bám ngư trường Hoàng Sa, nhờ đó mình có cuộc sống như hiện nay, bây giờ càng phải bám biển để bảo vệ vùng biển của mình chứ. Tôi có hai đứa con trai, đứa đầu thì làm thợ sửa xe vì say sóng không ra biển được. Còn đứa thứ hai tốt nghiệp THPT, bây giờ cũng đi bạn với tôi cho mấy tàu ở đây.

Đi biển bây giờ không chỉ cần sức khỏe mà phải có kiến thức để biết dùng máy móc, thiết bị trên tàu. Như thằng con trai của tôi nhờ học xong THPT nên mới đi được vài lần chủ tàu đã giao cho sử dụng các loại máy móc. Tôi dự định ráng để dành chút ít tiền và vay thêm của Nhà nước để sang năm đóng một tàu cho riêng mình, lúc đó không những con trai mà cả cháu nội tôi cũng sẽ theo chúng tôi đi biển đánh bắt cá”.

Về chuyện cha truyền con nối của nghề đi biển, từng một thời dấy lên nỗi lo lắng trong các làng chài rằng thanh niên sẽ bỏ nghề biển để chọn nghề khác trên bờ. Thế nhưng, thật bất ngờ, sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam, có rất nhiều trai tráng đã quay lại theo nghiệp cha ông bám biển mưu sinh và bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

Đi đâu, ở bất cứ làng chài ven biển của thành phố, từ quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà đến Thanh Khê, Liên Chiểu đều nghe câu chuyện về con trai, cháu trai của những ngư dân theo cha, theo ông vươn khơi đánh bắt trên ngư trường của Tổ quốc.  Ông Trần Thế Thọ, một ngư dân ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê đã bỏ nghề biển sau cú sốc cơn bão Chanchu, vào thành phố Hồ Chí Minh làm nghề phụ hồ.

Vậy mà giữa năm 2014, khi Biển Đông “nổi sóng”, ông lại khăn gói trở về quê trong sự ngỡ ngàng của cả khu phố. Ông tâm sự: “Xem thời sự thấy tức quá, ngư trường cả ngàn năm nay của mình, giờ họ lại ngang nhiên lấn chiếm. Nếu ai cũng bỏ nghề biển thì sẽ mất hết, rứa là tôi quyết định quay về với nghề biển. Tôi đã động viên thêm được 2 người bà con quay về bám biển như tôi”.

THANH VÂN
 

;
.
.
.
.
.