.

Chuyển biến tích cực từ cơ sở

.

“Việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trong thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được cụ thể hóa và từng bước đi vào cuộc sống với nhiều hình thức phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực và được nhân dân đồng tình ủng hộ”, Phó ban Dân vận Thành ủy Phan Viết Thông cho biết.

Nhiều địa phương đã nâng cao ý thức trách nhiệm về thái độ ứng xử, phục vụ nhân dân tại bộ phận “một cửa”.  TRONG ẢNH: Phòng “một cửa” ở UBND quận Thanh Khê.
Nhiều địa phương đã nâng cao ý thức trách nhiệm về thái độ ứng xử, phục vụ nhân dân tại bộ phận “một cửa”. TRONG ẢNH: Phòng “một cửa” ở UBND quận Thanh Khê.

Có được kết quả này là sự đóng góp không nhỏ từ vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân. Đặc biệt, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” dần dần đi vào nền nếp. Mặt trận các xã, phường đã đẩy mạnh các hoạt động giám sát và hướng dẫn nhân dân giám sát việc thực hiện QCDC thông qua tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân…

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà cho biết: “Hầu hết công việc triển khai đến cơ sở đều có sự phối hợp và thống nhất cao giữa UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, tạo điều kiện để chính quyền thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và sự nhất trí đồng thuận của nhân dân; đồng thời duy trì thường xuyên hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo luật định và trả lời cho công dân”.

Theo ông Phan Viết Thông, Ban Thanh tra nhân dân (TTND) các xã, phường thường xuyên được củng cố nhằm thực hiện tốt chức năng giám sát; qua đó kịp thời phát hiện thiếu sót để đề xuất cơ quan thẩm quyền giải quyết, khắc phục. Đa phần các đơn chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù, bố trí tái định cư, ô nhiễm môi trường…

Công tác giám sát đầu tư của cộng đồng cũng góp phần khắc phục các sai sót, hạn chế trong thiết kế và chất lượng thi công công trình. Đối với các công trình triển khai tại địa phương như: làm đường bê-tông, điện chiếu sáng, các công trình dân sinh, Ban TTND đề nghị UBND phường, xã cung cấp hồ sơ các dự án, công trình và yêu cầu các dự án cung cấp thông tin để công khai cho nhân dân biết và giám sát.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân cũng được chính quyền cấp phường, xã nghiêm túc thực hiện. Nhiều địa phương chủ động tiến hành rà soát, đề xuất loại bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết và giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm về thái độ ứng xử, phục vụ nhân dân cho cán bộ, công chức tại bộ phận “một cửa”.

Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở. Đến nay, toàn thành phố có 2.240 tổ hòa giải với 10.383 hòa giải viên, hoạt động nền nếp, hiệu quả, góp phần giữ gìn đoàn kết trong nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Qua kiểm tra QCDC ở cơ sở, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết: “Ban TTND tham gia giám sát hết sức chặt chẽ. Tôi cho rằng, để phát huy quyền dân chủ thì các tổ chức này góp phần làm cho dân chủ được tốt hơn, trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền ở cơ sở được rõ hơn”.

Cụ thể như trường hợp Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây nhà truyền thống không thông qua cơ sở và người dân thấy vi phạm đã có ý kiến đề xuất cho dừng lại. Rõ ràng, sau khi có sự đồng thuận từ cơ sở, từ nhân dân thì mới bắt đầu triển khai. Hay trường hợp một trường mẫu giáo được xây dựng trong khu nghĩa địa cũ và nhân dân rất ngại khi đưa con em vào học ở đây; sau khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì đến nay nhà trường đã có rất nhiều cháu đến học.

Bài và ảnh: GIA HUY

;
.
.
.
.
.