.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Tổ dân phố "phình ra", hội trường "nhỏ lại"

.

Bên cạnh nhiều mặt thuận lợi của việc chia tách và thành lập mới nhiều tổ dân phố (TDP), vẫn còn một số khó khăn, chẳng hạn trong việc tổ chức, điều hành giao ban với tổ trưởng TDP hằng quý của lãnh đạo UBND các phường trên toàn thành phố Đà Nẵng.

Thực hiện Chỉ thị 21 của Thành ủy Đà Nẵng, tháng 10-2012, Sở Nội vụ tiến hành sắp xếp lại TDP trên toàn thành phố. Theo đó, từ 2.176 tổ lên 5.667 tổ, tăng 3.491 tổ, tăng gần 150% so với ban đầu. Phường có số TDP nhiều nhất là Hòa Minh (quận Liên Chiểu) với 274 tổ, phường ít nhất là Nam Dương (quận Hải Châu) với 55 tổ.

Việc thực hiện Chỉ thị 21 của Thành ủy đã mang lại nhiều thành quả đáng kể. Trong đó, 4 nhiệm vụ trọng tâm (quản lý cư trú; giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; giúp nhau giảm nghèo; thực hiện vệ sinh môi trường và nếp sống văn hóa, văn minh đô thị) được triển khai hiệu quả.

Song, khó khăn được đặt ra là mỗi lần giao ban, các phường khó tìm được địa điểm tổ chức họp phù hợp do cùng một lúc tập trung lượng lớn tổ trưởng TDP. Lãnh đạo một phường cho biết, hội trường UBND có sức chứa không quá 100 người nhưng số tổ trưởng TDP của phường trên 100 người. Mặt khác, việc in, photocopy các văn bản điều hành, tuyên truyền liên quan đến TDP để gửi, phát đủ cho từng tổ trưởng cũng gây tốn kém không ít.

Theo ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), hiện hội trường UBND phường quá chật so với nhu cầu thực tế. Phường đang kiến nghị UBND quận cấp kinh phí để cải tạo, mở rộng hội trường nhưng cũng rất khó vì điều kiện kinh tế còn hạn hẹp. “Mỗi cuộc giao ban với các tổ trưởng TDP, hơn 100 người tập trung trong hội trường chật chội, không gian hẹp, người đông, mỗi người một tiếng góp vô, hội trường nhanh chóng thành chợ. Anh cán bộ tổ chức cuộc họp cầm micro nhắc đi nhắc lại cả chục lần mới dần ổn định. Và tất nhiên, chất lượng cuộc họp cũng hạn chế đáng kể”, ông Tuấn nói.

Có ý kiến cho rằng, việc TDP “phình ra”, hội trường “nhỏ lại” là điều đương nhiên và dù sao cũng chỉ là một khó khăn nhỏ trong việc xây dựng, quản lý cơ sở. Tuy nhiên, nếu những “cái nhỏ” như vậy được giải quyết, khắc phục thì sẽ thúc đẩy những “cái lớn” vận hành suôn sẻ.  

Bên cạnh đó, chất lượng tổ trưởng TDP cũng là vấn đề đáng đề cập. Ngay ở một số phường nội thị vẫn tồn tại người làm tổ trưởng có học vấn hạn chế, dẫn đến công tác điều hành TDP chưa đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, công tác quản lý TDP đối với cán bộ phụ trách rất khó khăn. Câu chuyện về một cán bộ phụ trách TDP ở phường bị “hớ” khi bất ngờ ông Chủ tịch UBND phường hỏi tên tổ trưởng ở tổ dân phố nọ làm gì, ở đâu.

Vị cán bộ sau một hồi lục lọi trong trí nhớ vẫn không thể định hình người vừa được đề cập ở vị trí nào trên địa bàn phường với lý do: số lượng tổ trưởng toàn phường quá đông. Song, sự “lơ đễnh” của vị cán bộ này quả thật đáng trách bởi điều đó minh chứng ông ta không hề sâu sát các TDP trên địa bàn do mình phụ trách. Không thể lấy lý do có quá đông TDP mà bỏ qua sự sâu sát công việc.

TRỌNG HUY
 

;
.
.
.
.
.