Qua khỏi cầu vượt Hòa Cầm, chiếc xe khách chạy tuyến Đà Nẵng-Quy Nhơn đột ngột giảm tốc độ và chuyển vào sát lề đường.
Với sự hỗ trợ của những xe ôm, xe khách khá tự tin trong việc dừng, đỗ ngay khu vực cầu vượt Hòa Cầm để đón thêm khách. |
Rất nhanh chóng, phụ xe nhảy ra khỏi xe, chạy thẳng về phía mấy hành khách đứng sát bên đường, miệng giục “Lên nhanh, giá mềm thôi!”. Trong khi hành khách chuẩn bị lên xe, phía sau bất ngờ một người đàn ông chạy mô-tô mặt bịt kín áp sát và nói to “Công an”. Nghe vậy, chiếc xe khách lập tức “nhả” khách, lăn bánh về phía trước. Chúng tôi nhìn về phía sau, một mô-tô của Cảnh sát giao thông (CSGT) đang chạy đến. Đợi cho chiếc xe của CSGT đi qua, người đàn ông bịt mặt liền giục hai hành khách “Lên xe tôi chở theo xe khách!”.
Hai người khách vừa ngồi lên mô-tô, người đàn ông lập tức rồ ga đuổi theo và khoảng 500 mét đã kịp xe khách. Thì ra, người đàn ông bịt mặt là dân chạy xe ôm kiêm luôn “nhiệm vụ cảnh giới” cho xe khách để qua mặt lực lượng chức năng.
Chúng tôi lân la làm quen người chạy xe ôm và được biết: Sau Tết, CSGT làm căng quá, xe khách không dám đón khách dọc đường, nhờ vậy cánh xe ôm kiếm được chút ít. Ngày ít cũng được cả chục lượt “trung chuyển”, còn ngày nhiều có đến vài chục lượt. Với giá trung bình từ 5.000 đến 10.000 đồng/người, tùy độ dài quãng đường, hằng ngày mỗi tài xế xe ôm kiếm được vài trăm ngàn đồng.
Từ sau Tết Nguyên đán, chúng tôi dành thời gian bám theo và quan sát hoạt động của cánh xe ôm quanh khu vực cầu vượt Hòa Cầm, dọc quốc lộ 1A và đã phát hiện có gần 20 tài xế xe ôm kiêm thêm việc chở khách “trung chuyển” và “mật báo” cho các tài xế xe khách. Tất cả hoạt động diễn ra rất công khai và có sự phân công theo từng phiên.
Có “cầu” ắt có “cung”, khi dọc tuyến quốc lộ 1A, những ngày sau Tết lượng hành khách đón xe đi các tỉnh phía Nam tăng lên thì lực lượng xe ôm làm nhiệm vụ trung chuyển và cảnh giới cũng tăng lên. Trao đổi với những hành khách đón khách dọc đường, hầu hết cho biết đón xe như vậy tiện hơn vì khỏi mất thời gian, nhất là tiết kiệm hơn so với việc đi ngược về Bến xe trung tâm để mua vé. Có lẽ vì vậy mà lâu nay câu chuyện xử lý “xe dù”, “bến cóc” dọc trục đường này của các cơ quan chức năng khó triệt để.
Nên chăng, để triệt tiêu hoạt động này, cần giải pháp tăng mật độ xe buýt ở khu vực này lên, cũng như sớm đưa Bến xe phía Nam vào hoạt động. Còn như hiện nay thì “xe dù”, “bến cóc”, “xe trung chuyển”, hoạt động “cảnh giới” vẫn có đất để sống như suốt thời gian qua.
Bài và ảnh: THANH VÂN