Với quyết tâm xây dựng Hòa Phong trở thành xã trung tâm của huyện Hòa Vang, trong nhiệm kỳ đến, Đảng bộ xã xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp; nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM)…
Một khu phố mới của xã Hòa Phong. |
Chọn đúng vấn đề trọng tâm, trọng điểm
5 năm qua, Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 12, nhiệm kỳ 2010-2015 và đạt được những thành tựu cơ bản toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân trong 5 năm là 15,1%. Thu nhập bình quân đầu người được nâng lên rõ rệt: từ 16,6 triệu đồng/người/năm lên 25 triệu đồng/người/năm.
Hiện xã Hòa Phong đã hoàn thành đồ án quy hoạch NTM giai đoạn 2011-2025 gắn với quy hoạch tổng thể của huyện. 5 năm qua, xã đã phát triển được các khu dân cư tại chợ Túy Loan, Trung tâm Hành chính huyện, quốc lộ 14B và đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn như đường liên xã, liên thôn, giao thông kiệt xóm, giao thông nội đồng… Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lồng ghép trong 5 năm ước đạt 283,7 tỷ đồng, tăng 73,7 tỷ so với nhiệm kỳ trước, góp phần cho Hòa Phong phát triển theo hướng đô thị hóa.
Trong xây dựng NTM, nhờ đầu tư đúng mức, các mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng và có hiệu quả, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc và đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao. Cuối năm 2014, xã đạt 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM và được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM.
Để có được kết quả đó, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong Lâm Tiến Sĩ cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ xã khóa 12 đã đề ra chủ trương sát đúng với thực tế, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng và tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài. Trong lãnh đạo, điều hành biết chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh; kết hợp công tác kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện những tồn tại, khuyết điểm để chỉ đạo, uốn nắn, xử lý kịp thời.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Hòa Phong tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại-dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Thực hiện chủ trương này, Đảng bộ xã lãnh đạo phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ chợ Túy Loan thành nơi tập trung buôn bán của cả khu vực.
Theo đó, đẩy mạnh phát triển các loại hình thương mại dịch vụ ngân hàng, viễn thông, nhà hàng, nhà nghỉ gắn với du lịch sinh thái làng nghề bánh tráng Túy Loan và ẩm thực quê hương, lễ hội đình làng, phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, đề xuất nâng cấp, cải tạo một số điểm có tiềm năng phát triển du lịch trở thành khu du lịch sinh thái của xã.
Khai thác có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, đa dạng các sản phẩm, chú trọng phát triển các dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, kêu gọi đầu tư. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị thương mại-dịch vụ là 377 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản xuất trên địa bàn.
Xã sẽ chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học, đầu tư thâm canh, tiếp tục triển khai đề án dồn điền đổi thửa và cải tạo vườn tạp trên các thôn có diện tích đất vườn rộng; chuyển đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân thành lập 3-5 tổ hợp tác sản xuất; phấn đấu đưa giá trị ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cuối năm 2020 là 280 - 290 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm 16,8%.
Cùng với việc mở rộng quy hoạch phát triển nhà máy, xí nghiệp ở vùng Tây, xã sẽ thu hút vốn đầu tư, tạo điều kiện về đất đai và kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài xã xây dựng cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dự án làng nghề, đẩy mạnh tổ hợp tác sản xuất tiêu thụ nấm ăn, tổ sản xuất bánh tráng, mì khô đi vào hoạt động có hiệu quả, giải quyết lao động tại chỗ, mở rộng thêm các ngành nghề sản xuất như may mặc, cơ khí, sản xuất đồ sắt, inox, nông cụ, điện tử, nghề mộc, sản xuất chế biến song mây gắn với công tác bảo vệ môi trường, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động…
Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG