.

Đây là Đài phát thanh Đà Nẵng!

.

Những ai từng sống trong giây phút lịch sử của ngày giải phóng Đà Nẵng mới cảm nhận được sự tự hào và những giọt nước mắt hạnh phúc khi nghe phát thanh viên xướng: “Đây là Đài phát thanh Đà Nẵng, tiếng nói của Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng”.

Nữ phóng viên Anh Trang xem lại những kỷ niệm về thời kháng chiến. Ảnh: NGỌC HÀ
Nữ phóng viên Anh Trang xem lại những kỷ niệm về thời kháng chiến. Ảnh: NGỌC HÀ

Sung sướng đi giữa rừng cờ

Đã 40 năm trôi qua nhưng phát thanh viên Nguyễn Thị Anh Trang vẫn nhớ như in những ngày về Đà Nẵng cùng các bộ phận của Ban Tuyên huấn Khu ủy khu 5 tiếp quản đài địch ở khu vực An Hải, gần chân núi Sơn Trà.

Người nữ phát thanh viên năm nào nay bước sang tuổi 73, tóc đã điểm bạc nhưng giọng nói vẫn truyền cảm khi kể với chúng tôi về khí thế hừng hực của những ngày đầu giải phóng Đà Nẵng.

“Không khí lúc bấy giờ thật vui và rộn ràng. Đoàn xe đưa chúng tôi từ từ tiến về thành phố, qua ngầm Bá Huỳnh, xuống thị trấn Đức Hiệp, ra Hương An rồi xuôi theo quốc lộ 1A. Đến cầu Bà Rén, xe không qua được vì trên cầu khói lửa nghi ngút. Mấy chục chiếc thuyền lớn, nhỏ, treo cờ giải phóng miền Nam chờ sẵn để đón chúng tôi. Qua bên kia sông, hàng chục chiếc xe máy cũng treo cờ giải phóng chờ sẵn để đưa chúng tôi vào thành phố”, bà Trang hồi tưởng.

Bà Trang kể, sau khi tiếp quản đài lúc 14 giờ 30 ngày 29-3-1975, bà cùng 2 đồng nghiệp khác khẩn trương bắt tay vào việc, cùng với sự hăng hái tình nguyện phục vụ cách mạng của anh chị em trong đài cũ. Đúng 11 giờ ngày 31-3-1975, chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Đà Nẵng đã phát sóng với công suất 50kW (tần số mà cả nước và khu vực Đông Nam Á đều có thể nghe). Đèn tín hiệu thu bật sáng, nhạc hiệu bài Giải phóng miền Nam nổi lên. Khi đoạn nhạc vừa kết thúc, bà đĩnh đạc đọc to: “Đây là Đài phát thanh Đà Nẵng, tiếng nói của Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng”.

Kế đến, bà đọc bản tin thông báo: “Mệnh lệnh số 1 của Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng: xóa bỏ các cấp chính quyền ngụy, giải tán các đảng phái phản động, thành lập Ủy ban cách mạng các phường; ra mệnh lệnh giới nghiêm trong thành phố từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng; ra lệnh các sĩ quan, binh lính và nhân viên ngụy quyền các cấp nộp ngay vũ khí và trình diện tại Ủy ban cách mạng của phường”. Tiếp theo, anh Luận (một đồng nghiệp của bà Trang) đọc bài phóng sự Thành Đà dậy sóng, chiến thắng lẫy lừng và kết thúc chương trình là bài hát Cô du kích Đà Nẵng.

“Cảm giác lúc đó cực kỳ sung sướng, xúc động. Qua chương trình, đồng bào cả nước, đồng chí của tôi và bạn bè thế giới biết được tình hình Đà Nẵng - căn cứ quân sự lớn nhất của địch ở miền Trung đã được giải phóng. Đặc biệt, cha mẹ, chồng con tôi ở Hà Nội khi nghe tiếng của tôi trên sóng phát thanh cũng rất đỗi vui mừng”, bà Trang chia sẻ.

Sau này, tình cờ bà Trang gặp một thương binh từng tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng nhưng chưa biết mặt nhau. Chỉ qua giọng nói, người thương binh đã nhận ra cô phát thanh viên đọc trong buổi thu âm chương trình đầu tiên của Đài phát thanh Đà Nẵng. Họ vui mừng như những người bạn thân tình lâu năm gặp lại. “Anh thương binh kể với tôi rằng, thời điểm đó, anh bị thương nặng, phải chuyển ra Bệnh viện E (Hà Nội) điều trị. Khi nghe bản tin Đà Nẵng giải phóng, cả phòng bệnh im lặng và rồi ôm chầm lấy nhau khóc trong hạnh phúc”, bà Trang bùi ngùi.

Như một giấc mơ

Theo bà Trang, những năm kháng chiến, sự vất vả, khổ cực là vô tận. Nếu không có bản lĩnh, không có ý chí, nghị lực thì không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Là phóng viên chiến trường thì chuyện nằm vùng, tham gia những đợt chiến dịch để phản ánh lại tình hình giữa ta và địch là chuyện thường xuyên. Có khi từ Hiệp Đức, xuống Chu Lai phải bơi qua sông Tam Kỳ, có khi đi giữa làn mưa đạn… Nhưng đã vào chiến trường thì phải xác định việc hy sinh là không tránh khỏi, cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc nhưng phải bám trụ chiến đấu, giành giật từng tấc đất với địch.

“Rồi mỗi đêm, từ Hòn Tàu, nơi Đặc khu ủy Quảng Đà chọn làm căn cứ cách mạng trong 7 năm cuối cuộc chiến chống Mỹ, nhìn về Đà Nẵng đèn sáng rực, nơi có con sông Hàn êm ả, chúng tôi mơ ước làm thế nào để đến được nơi ấy. Có bao xa đâu mà không thể đặt chân lên vùng đất của quê hương. Nghĩ thế nên càng nung nấu quyết tâm chiến đấu. Vì vậy, khi đặt chân đến Đà Nẵng vào chiều 29-3, tôi cứ ngỡ là giấc mơ. Thế là giải phóng rồi. Thế là được sống rồi. Nhìn dòng sông Hàn, nhìn dãy nhà chồ, nhìn cờ bay ngợp trời, tôi như muốn hét to: một cuộc sống mới đã bắt đầu”, bà Trang chia sẻ.

40 năm trôi qua, 40 năm chọn Đà Nẵng làm quê hương sinh sống, chứng kiến những đổi thay của Đà Nẵng, bà Trang tự hào cho rằng sự cống hiến của bà và thế hệ tham gia kháng chiến chống Mỹ, giải phóng thành phố là xứng đáng.

“Dãy nhà chồ không còn nữa, sông Hàn giờ đẹp đẽ, lung linh mỗi đêm. Tôi yêu dòng sông Hàn, bởi nó ghi bao dấu ấn lịch sử và dòng sông ấy không bao giờ dậy sóng, bình yên và hiền hòa như chính con người Đà Nẵng. Tôi càng tự hào hơn và không hề nuối tiếc tuổi thanh xuân đã đóng góp cho cách mạng để quê hương tôi thanh bình, yên ấm như ngày hôm nay”, bà Trang nói.

NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.