Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới (15-3) năm nay do Quốc tế người tiêu dùng (CI) chọn chủ đề là “Dinh dưỡng lành mạnh”. Những năm trước đây, CI tập trung bảo vệ quyền người tiêu dùng (NTD) trong những lĩnh vực sản xuất vật chất như tài chính, ngân hàng, thời đại kỹ thuật số… thì năm nay, vấn đề bảo đảm sức khỏe cho NTD lại trở nên bức thiết. Bởi theo CI, chất lượng an toàn thực phẩm là lĩnh vực mà người tiêu dùng ít thể hiện quyền lợi của mình nhất.
Chưa có lúc nào NTD lại chịu thiệt thòi giữa “vòng vây” thực phẩm bẩn nhiều đến như vậy. Ra chợ thì tràn lan thực phẩm “3 không”, vào các quán ăn thì bị “choáng” bởi khâu chế biến mất vệ sinh, thậm chí NTD cũng không yên tâm khi dùng sản phẩm của doanh nghiệp. Bởi bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì còn không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận trước mắt mà làm ăn gian dối. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố, trong năm 2014, qua kiểm tra hơn 6.300 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, có đến 705 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt trên 240 triệu đồng.
Qua điều tra của các ngành chức năng cho thấy, kênh phân phối của phần lớn thực phẩm bẩn hiện nay là các quán ăn bình dân, các chợ cóc, gánh hàng rong, xe đẩy bán thực phẩm di động... Những người kinh doanh loại “thức ăn đường phố” này phần lớn có mức thu nhập thấp, ý thức kém thì việc vận động họ bán thực phẩm sạch cho NTD là rất khó. Bởi chính bản thân họ cũng chưa nhận biết được đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn và cũng vì miếng cơm manh áo nên nhiều người đành “nhắm mắt làm liều”. Trong khi đó, việc kinh doanh thực phẩm bẩn hiện nay lại chỉ bị xử phạt hành chính với mức rất thấp so với lợi nhuận mang lại, chưa kể số vụ vi phạm được phát hiện rất ít so với thực tế.
Hiện nay vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho NTD được cả thế giới đặt ra mức báo động vì theo CI, 4 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu có liên quan đến việc dùng thực phẩm bẩn. Thế nhưng, theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đà Nẵng, trong nhiều năm qua, đa số vụ việc mà Hội tiếp nhận từ NTD chủ yếu là liên quan đến các mặt hàng gia dụng, điện lạnh, điện tử như tivi bị hư, điện thoại không cài được phần mềm, gạch men bị đổi màu… Vấn đề dùng thực phẩm an toàn để bảo đảm sức khỏe cho bản thân mình dường như NTD không mấy quan tâm hoặc không biết đây là lĩnh vực mà mình cũng được bảo vệ quyền lợi.
Không chỉ NTD lo lắng mà việc kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của thực phẩm vẫn là bài toán nan giải đối với cơ quan quản lý Nhà nước. “Các cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm soát thực phẩm khi đã về chợ, còn việc kiểm tra nguồn gốc là rất khó khăn”, ông Đoàn Ngọc Minh, Chánh Văn phòng Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đà Nẵng cho hay. Cũng theo ông Minh, trong khi công tác quản lý thực phẩm đang gặp khó khăn do các cơ quan chức năng không thể “vươn dài cánh tay” để kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các vùng biên giới thì NTD cần thông thái lựa chọn những sản phẩm có xuất xứ và nguồn gốc cũng như tẩy chay thực phẩm bẩn.
Lấy chủ đề là “Dinh dưỡng lành mạnh”, CI đưa ra cảnh báo “Đã đến lúc thế giới phải nhận ra cái giá của chế độ ăn không lành mạnh”. Vì vậy, NTD cần thể hiện quyền lợi của mình khi dùng phải thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Và cũng đã đến lúc, người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn cần bị xử lý mạnh tay hơn với mức xử phạt thích đáng hơn.
MAI KHÔI