Sau 3 lần tìm kiếm không mệt mỏi, vào những ngày cận Tết Ất Mùi vừa qua, hai cựu binh Mỹ Ernest Montoya và Felipe Robes mới đặt chân trở lại trên mảnh đất mà chính họ cùng nhiều đồng đội từng đổ xương máu một thời trai trẻ...
Ernest Montoya và Felipe Robes được ông Linh, cựu binh xã Duy Thu (bìa phải) và ông Ngô Thanh Thương (thứ hai, từ phải sang) hướng dẫn trở lại chiến trường xưa. |
Sân bay dã chiến An Hòa (hay còn gọi là sân bay Đức Dục, xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), được Mỹ xây dựng trong những năm 1967-1968 nhằm hỗ trợ phục vụ khu kỹ nghệ An Hòa (sân bay chỉ hoạt động một thời gian ngắn do khu kỹ nghệ phá sản). Đây từng là nơi đóng quân của nhiều cựu binh Mỹ trong những năm tháng tham gia chiến tranh ở Việt Nam và nay là một trong những địa điểm tham quan được ưa chuộng của du khách khi ghé đất Quảng (nằm trên tuyến lăng Bà Thu Bồn - sân bay An Hòa - khu đền tháp Mỹ Sơn).
TS Ernest Montoya, nay làm việc tại Bộ Giáo dục Mỹ kể lại, năm 1968, khi 17 tuổi, lần đầu tiên đến Việt Nam, ông được đưa đến Đà Nẵng, rồi thuyên chuyển một vài chỗ như: Hội An, Đại Lộc… và chính thức được bố trí vào một đơn vị trinh sát ở khu vực sân bay An Hòa, gần một chiếc cầu ngang qua sông Thu Bồn (huyện Duy Xuyên).
Còn Felipe Robes là thổ dân da đỏ, cũng có thời gian nhập ngũ và đóng quân tương tự cùng đơn vị với Montoya. Trong ký ức của cả Montoya lẫn Felipe không thể nào xóa nhòa được những hình ảnh đã xảy ra từ một trận chiến đẫm máu, ác liệt vào khoảng giữa năm 1969 ở đỉnh Hòn Tàu. Trận chiến kéo dài hơn một ngày đêm khiến hai bên cùng bị thương vong nặng nề. Hai ông đều bị thương trong trận đánh này.
Montoya điều trị tại Việt Nam khoảng 9 tháng thì được đưa về Mỹ. Còn Felipe do được hưởng chính sách thổ dân của chính phủ Mỹ nên xuất ngũ về nước sớm hơn. Từ đó, suốt thời gian dài, cả hai người bặt tin nhau.
Tình cờ, gặp nhau qua mạng xã hội, trong nỗi nhớ thôi thúc về những kỷ niệm bên dòng sông Thu, cả hai quyết định trở lại Việt Nam. Năm 2012, qua sự quen biết và giúp đỡ nhiệt tình của ông Ngô Thanh Thương (quê Quảng Nam sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh), họ đã cùng nhau trở lại thăm hỏi, tìm kiếm những địa danh còn nhớ mơ hồ trong ký ức kề cận bên sông Thu như: Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên… Sau nhiều thập niên dài, cảnh vật hầu như đã hoàn toàn thay đổi khiến họ không sao tìm được lối cũ nhưng cả hai quyết không bỏ cuộc. Họ trở lại lần thứ hai, rồi lần thứ ba...
Ông Ngô Thanh Thương cho biết, hy vọng bắt đầu lóe sáng ở lần thứ ba này, khi qua người thân từ quê nhà, ông liên lạc được một cựu chiến binh ở xã Duy Thu tên là Linh - từng là giao liên, chiến đấu ở chiến trường Quảng Đà ngay dưới chân núi Hòn Tàu, nơi dòng Thu Bồn ngang qua. Montoya nói: “Trong chuyến trở lại lần này, khi đứng bên dòng Thu Bồn, nhìn thấy dãy núi xa xa, nơi có Thánh địa Mỹ Sơn, tôi đã lặng người vì ngay khu vực quanh đây, chính tôi đã bị thương và nhiều đồng đội đã ngã xuống”.
Đến làng Phú Lộc (xã Đại An, huyện Đại Lộc), Montoya cũng khẳng định nhận ra được đoạn sông ông cùng đồng đội thường ra tắm, bởi vết tích của một cây cầu, còn sót lại vài mố bê-tông nhỏ nhoi sót lại. Qua đò sang mạn Duy Xuyên, đến sân bay dã chiến…, Montoya và Filippe ôm lấy người cựu chiến binh xã Duy Thu, reo vui: “Đó là chiến trường xưa!”. Gần 50 năm trước, họ là những người ở hai bên chiến tuyến. Montoya và Filippe nhặt mấy viên sỏi nhỏ rải rác trên nền đất, nói với ông Linh: “Xin anh cho tôi cầm những viên sỏi này về nước Mỹ. Chúng tôi sẽ mang những viên sỏi cạnh dòng sông Thu Bồn về đặt trân trọng trong nhà mình như một kỷ niệm trong lần trở lại chiến trường xưa”.
TS Montoya giờ đây tham gia nhiều hoạt động quan trọng trong xã hội Mỹ. Do yêu cầu công việc, những năm qua, ông đến rất nhiều nước trên thế giới. Riêng Việt Nam là đất nước duy nhất ông đến 4 lần. Ông nói: “Khi còn trẻ, tham gia cuộc chiến, tôi chỉ nguyện cầu được bình an trở về Mỹ. Giờ đây, tôi không thể nào quên được hai từ “Việt Nam”. Tôi luôn nguyện cầu được trở lại Việt Nam... Hôm nay, tôi rất ngạc nhiên về sự đổi thay của Đà Nẵng. Tuy nhiên, với những ngôi làng dọc sông Thu Bồn, tôi thấy đời sống bà con vẫn còn khó khăn dù đã hết chiến tranh. Vì vậy, tôi có tâm nguyện xây dựng một ngôi trường ngay trên địa danh cũ ở xã Duy Thu. Việc này sẽ được tiến hành theo cách thức nào đó phù hợp nhất, cùng lúc với việc lập một quỹ từ thiện...”.
TS Montoya cũng nói thêm, ông theo dõi và đọc nhiều tập sách hồi ức về chiến tranh Việt Nam tại Mỹ. Trong đó, mỗi người có mỗi cách nhìn khác nhau, nhưng có những điều chưa đúng. Do đó, ông hy vọng không xa ông sẽ cho ra một tập sách để nói lên những cảm nhận về Việt Nam của riêng mình.
Trong khi đó, Felipe kể lại, sau ngày trở về Mỹ, trong suốt quá trình làm việc, ông có nhiều dịp gặp gỡ cộng đồng người Việt. Điều đó gợi trong ông rất nhiều ký ức về miền đất cũ. Felipe mất vợ từ mấy năm trước.
Ông nói: “Tháng 7 tới, tôi có thể sẽ trở lại Việt Nam. Tôi muốn được nhập tịch, lấy vợ và sinh sống ở Việt Nam nhưng không biết có được chấp thuận hay không”. Chúng tôi nói đùa với ông: “Ông muốn lấy vợ như thế nào? Chúng tôi sẽ giới thiệu với ông một cô gái trẻ đẹp và giỏi giang nhé!”. Felipe trả lời: “Tôi muốn tìm một người phụ nữ cùng lứa với mình để dễ chia sẻ và giúp mình tiếp cận gần gũi hơn đời sống văn hóa người Việt”.
Sau sự kiện 8-3-1965, liên tiếp nhiều năm liền, nhiều toán lính Mỹ khác tiếp tục đổ bộ vào cửa ngõ Đà Nẵng để thọc sâu vào địa bàn Quảng Nam, triển khai xây dựng căn cứ liên hợp trên nhiều khu vực, làm bàn đạp tiến công các cơ sở cách mạng ở miền Nam. Ernest Montoya và Felipe Robes là hai trong vô số trường hợp của cựu binh Mỹ có mặt tại Đà Nẵng trong hoàn cảnh như vậy. Montoya ở Việt Nam 18 tháng, còn Felipe ở Việt Nam chỉ vỏn vẹn một năm. Thế nhưng, nỗi ám ảnh và những hoài niệm về nơi đây gần như đeo đẳng suốt quãng đời còn lại của họ. Chính điều đó đã thúc giục hai cựu binh quay về, tìm lại chiến trường xưa. |
TRẦN TRUNG SÁNG