Nhiều ông bố, bà mẹ ngày nay “dụ” con ăn, uống sữa bằng cách cho con chơi smartphone (điện thoại thông minh), tablet (máy tính bảng).
Tình trạng này trở nên đáng báo động khi các nghiên cứu cho thấy thiết bị số có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất, trí tuệ và tâm lý của trẻ.
Chỉ ăn khi được chơi
Mỗi ngày 3 “cử” cháo, 3 “cử” sữa cũng là thời gian bé Tí (2 tuổi), con chị Nguyễn Thị Thủy (30 tuổi, quận Liên Chiểu), “dính” với chiếc smartphone. Chị Thủy cho biết, nếu không có điện thoại chơi thì ít nhất chị phải mở hoạt hình, quảng cáo trên ti-vi thì bé mới chịu ngồi yên. Có hôm nhà mất điện, chị cùng bà ngoại phải bày đủ trò vui nhưng bé không chịu ăn uống và bày trò nôn ọe vì không được đáp ứng yêu cầu như mọi khi. Và với thời lượng mỗi bữa ăn/uống khoảng 45 phút như hiện tại, mỗi ngày bé Tí “ngốn” gần 5 tiếng đồng hồ vào thiết bị số. Rồi những khi bận bịu, chị thường đưa điện thoại để con không quấy phá.
Với giá thành ngày càng rẻ, nhiều phụ huynh không ngại sắm cho con một chiếc smartphone để tiện liên lạc hay thậm chí chỉ để con bằng bạn bằng bè.
Một hôm đi học về, cậu con trai đang học lớp 7 của anh Việt Tuấn (40 tuổi, quận Hải Châu) buồn rầu vì bị các bạn chọc là “nhà quê, lạc hậu”. Hỏi ra mới biết do cả lớp đều được bố mẹ mua cho chiếc smartphone “xịn”, chỉ mỗi con anh Tuấn dùng điện thoại “cục gạch” (!?).
Thắt chặt quản lý
Hiện nay, không riêng trẻ em mà người lớn cũng bị thiết bị số cám dỗ. Tình trạng này đến mức báo động và khoa học thế giới đã có tên gọi cho hội chứng bất an khi không tiếp xúc với điện thoại là Nomophobia (viết tắt của no-mobile-phone phobia, tạm dịch: nỗi ám ảnh vì không có điện thoại di động).
Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho biết, trong vòng 2 năm trở lại đây, số ca tư vấn cách “cai” smartphone cho trẻ cũng như các bệnh liên quan đến thần kinh mà smartphone là một trong những tác nhân gây nên tăng đáng kể. Tuy nhiên, điều đáng nói là phụ huynh khi đến bệnh viện đều cố ý giấu tình trạng bệnh của con vì sợ mang tiếng xấu. “Nhiều phụ huynh thắc mắc tại sao con họ bữa nay thích chơi điện thoại hơn là đi ra ngoài chơi với bạn bè, bố mẹ. Nhưng khi bác sĩ hỏi rõ các biểu hiện hiện tại của con thì hầu hết phụ huynh giấu, nói qua loa hoặc không quan tâm nhiều đến con nên không biết”, bác sĩ Trần Thị Hải Vân, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em cho biết.
Theo bác sĩ Vân, sử dụng thiết bị số quá nhiều ảnh hưởng lớn đến “phát triển cảm xúc xã hội” của trẻ. “Những trẻ dành quá nhiều thời gian, quan tâm thiết bị số đang mất khả năng hiểu được những biểu hiện trên nét mặt, cử chỉ và giọng nói của người khác. Hậu quả của điều này là gia tăng tính hung hăng trong trẻ em cùng với việc không để ý đến cảm nghĩ của người khác”, bác sĩ Vân nói.
Không những vậy, thể trạng, trí tuệ của trẻ cũng có tác động rất lớn vì trẻ rơi vào tình trạng này thường rất thụ động, lười tham gia hoạt động ngoài trời, bướng bỉnh, ít nói. Điều này ảnh hưởng lớn đến tư duy quan sát, tìm tòi, khám phá vốn là bản năng của trẻ. Bác sĩ Vân cho rằng, để “cai” được loại nghiện này, trước hết phụ huynh không nên tỏ ra tự hào khi thấy con mình “rành” thiết bị số, nhận thức được tác hại khôn lường từ việc lạm dụng quá mức và bản thân mình phải làm gương cho con cái.
Bên cạnh đó, bố mẹ cần thắt chặt quản lý giờ giấc sử dụng điện thoại thông minh của con như: chỉ được chơi khi ngoan, đạt điểm cao, làm được một việc tốt… Cho trẻ tham gia các hoạt động cộng đồng cũng là một trong những cách hướng trẻ sử dụng thời gian có ích, xa rời những thú vui tai hại nhiều hơn lợi ích như game online trên các thiết bị số.
BÌNH AN