.
Kỷ niệm 40 năm Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên 1975

Bài 1: Tiến công giải phóng Đức Lập

Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, tôi tham gia hai chiến dịch: Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh trong đội hình của Trung đoàn 234 pháo phòng không.

Cùng với Trung đoàn pháo binh 40, Trung đoàn tăng thiết giáp 273 và Trung đoàn công binh 7 phối hợp chiến đấu với Sư đoàn bộ binh 10 hợp thành một cánh quân binh chủng. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, cánh quân này đã phối hợp tác chiến nhịp nhàng trong nhiều trận đánh, giành nhiều thắng lợi to lớn.

Là nhân viên của Ban chính trị trung đoàn, tôi được giao phụ trách bản tin với nhiệm vụ phản ánh cuộc chiến đấu của đơn vị và là cộng tác viên của báo Tây Nguyên - tờ báo của Bộ Tư lệnh bộ đội Tây Nguyên lúc bấy giờ.

Sau 2 tháng đóng quân ở Tây Nam Đắc Lắc, vừa bảo vệ vũ khí khí tài, vừa huấn luyện hợp đồng chiến đấu để chuẩn bị tốt nhất trận đánh lớn hợp đồng binh chủng mùa xuân năm 1975, ngày 7-3 (tức ngày 25 tháng giêng năm Ất Mão), đơn vị tôi - Trung đoàn 234 pháo phòng không với mật danh tại chiến trường là đoàn Trung Kiên, được lệnh hành quân về vị trí tập kết, chuẩn bị chiến đấu.

Trung đoàn 234 (E234) là đơn vị pháo cao xạ. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ, E234 nằm trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn Phòng không Hà Nội (F361) bảo vệ mục tiêu yếu địa Hà Nội: Nhà máy Điện Yên Phụ, cầu Long Biên; bảo vệ nơi làm việc của Bác Hồ và Trung ương Đảng, Chính phủ. Và đại đội 1, E234 được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” ngày 1-1-1967.

Tháng 9-1972, Trung đoàn được bổ sung Tiểu đoàn 9 từ Trung đoàn 228 và hành quân vào Tây Nguyên. Từ năm 1973 đến cuối năm 1974 trung đoàn đứng chân trên vùng giải phóng tỉnh Kon Tum, đã tham gia đánh hiệp đồng binh chủng giải phóng quận lỵ Đắc Pet (Đắc Glây- Kon Tum) tháng 6-1974 và bảo vệ hành lang giao thông từ Đắc Tô - Tân Cảnh đến Võ Định (Kon Tum). Là trung đoàn pháo phòng không với biên chế 3 tiểu đoàn pháo hỗn hợp 57 ly và 37 ly 2 nòng, lúc bấy giờ được trang bị phương tiện và khí tài hiện đại. Đầu năm 1975, trung đoàn được bổ sung một đại đội tên lửa cá nhân A72.

Trong trận tấn công Đức Lập, trung đoàn có nhiệm vụ cùng các đơn vị công binh, pháo binh và thiết giáp phối thuộc chiến đấu với sư đoàn bộ binh 10 bảo vệ pháo binh và bộ binh chiến đấu.
Đức Lập là cửa ngõ nằm phía Tây Nam Đắc Lắc, giáp biên giới với nước bạn Campuchia. Nơi đây, địch đóng nhiều căn cứ, điểm chốt dọc như Đắc Sắc, Đức Lập, Núi Lửa, Đắc Song trên chiều dài 25km để khống chế đường 14, từ Buôn Mê Thuột đi Gia Nghĩa. Đánh chiếm và giải phóng Đức Lập nhằm tạo ra thế bao vây Buôn Mê Thuột, đồng thời tạo hành lang để nối đường Hồ Chí Minh với đường 14 đến Đông Nam Bộ.

Là một quận lỵ biên giới, địa hình chật hẹp, việc bố trí các đơn vị kỹ thuật gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị pháo binh và phòng không được bố trí theo kiểu dã chiến ven các đường mới mở của công binh.
Trước trận đánh, các đơn vị tham gia được quán triệt với các chỉ tiêu: đánh và giải phóng trong một ngày là giỏi, đánh trong hai ngày là khá.

Sư đoàn 10 là đơn vị đã từng gắn bó nhiều năm trên chiến trường Tây Nguyên, từng đánh Đắc Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum (1972), chống lấn chiếm ở Kon Tum những năm 1973, 1974; vinh dự được giao nhiệm vụ đánh Đức Lập với sự phối hợp của các đơn vị pháo binh, xe tăng, phòng không.
Từ tối 8-3, các đơn vị pháo binh, xe tăng và bộ binh tiếp cận mục tiêu. Rạng sáng 9-3, loạt đạn pháo binh nổ rầm trời, làm rung chuyển cả vùng biên giới Tây Nam xưa nay vốn yên tĩnh. Sau 30 phút bắn cấp tập của pháo binh, bộ binh bắt đầu tấn công các mục tiêu. Trung đoàn 66 đánh chiếm nhanh căn cứ và tiêu diệt gọn tiểu đoàn 1, trung đoàn 53 của địch; trung đoàn 28 cũng tiêu diệt xong căn cứ Núi Lửa. Tiếp đó, các đơn vị phát triển tấn công vào căn cứ quận lỵ thì địch chống trả quyết liệt, tên quận trưởng bỏ chạy.

Trời sáng, quân địch ở quận lỵ tổ chức phản kích, bộ đội ta phải dừng lại để củng cố tuyến đã chiếm lĩnh, chuẩn bị đợt tấn công tiếp theo. Cả ngày 9-3, không quân địch quần thảo trên bầu trời để tìm và tiêu diệt các đơn vị pháo binh, các đơn vị phòng không đã nổ súng tạo nên lưới lửa phòng không dày đặc, máy bay địch không dám bay thấp để tìm mục tiêu. Lực lượng phòng không đã bắn rơi 2 máy bay địch, góp phần bảo vệ bộ binh trong thời gian củng cố lại trận địa.

Sáng 10-3, Sư đoàn 10 tổ chức tấn công đợt thứ hai vào quận lỵ Đức Lập và chiếm được quận lỵ, sau đó phát triển ra đánh chiếm cứ điểm Đắc Sắc ở phía Bắc và cứ điểm Đắc Song ở phía Nam, tiêu diệt hoàn toàn quân địch và làm chủ quận lỵ, bắt sống 100 tên, bắn rơi 2 máy bay địch, thu bốn khẩu pháo và hai xe tăng.

Trong khi Sư đoàn 10 ở lại để tiếp tục chiến đấu, giải phóng hoàn toàn quận Đức Lập, thì các đơn vị binh khí, kỹ thuật, pháo binh, phòng không ngay trong đêm ngày 9, rạng sáng 10-3, đã được lệnh rút khỏi Đức Lập và theo đường Hồ Chí Minh ra phía Bắc, vượt sông Sê-rê-pốc để về chiếm lĩnh phía Bắc thị xã Ban Mê Thuột. Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Đức Lập, Sư đoàn 10 cũng nhanh chóng hành quân bằng cơ giới về thị xã Ban Mê Thuột để làm dự bị cho chiến dịch.


           TRƯƠNG MINH DỤC
(CCB  Trung đoàn 234, Mặt trận Tây Nguyên)

 

;
.
.
.
.
.