Người nặng lòng với huyện đảo Hoàng Sa thân yêu ấy là nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương, hội viên Hội Khoa học Lịch sử thành phố và Hội Văn nghệ dân gian thành phố, vừa qua đời ngày 23-3 ở Đà Nẵng, do tuổi cao sức yếu.
Ông họ Nguyễn Phước, gốc hoàng tộc nhưng nhiều năm gắn bó với đất Quảng, nhất là với Hội An - nơi ông từng sống thuở thiếu thời. Lĩnh vực khoa học mà ông được đào tạo rất bài bản ở miền Bắc là nông nghiệp, có điều vốn sâu nặng nghĩa tình với đất Quảng, ông đã dành nhiều công sức và tâm huyết để nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung, về lịch sử và văn hóa Hội An nói riêng.
Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, nhiều bài báo giới thiệu những vẻ đẹp văn hóa của đất Quảng và của Hội An, trong đó có cuốn Hội An, Di sản thế giới được Hội Liên hiệp Văn học - nghệ thuật Đà Nẵng tặng thưởng năm 2004 và cuốn Xứ Quảng, vùng đất và con người xuất bản năm 2013…
Đặc biệt, suốt mấy chục năm nay, ông luôn đau đáu về Hoàng Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, của đất Quảng và của thành phố bên sông Hàn, đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép bằng vũ lực từ năm 1974.
Với khả năng đọc hiểu thông thạo Pháp văn, lại có điều kiện tiếp cận được nhiều tài liệu tiếng Pháp lưu trữ tại Bộ Ngoại giao liên quan đến Hoàng Sa, ông đã tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh ngoại giao học thuật khẳng định công cuộc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa, theo cách phù hợp với sở trường của ông. Không sử dụng được máy tính như các nhà nghiên cứu thế hệ sau, song bù lại chữ ông viết tay rất chân phương và đẹp như in.
Còn nhớ có lần ông tiếp cận được với văn bản của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa quyết định thành lập xã Định Hải - bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa - trực thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam mà không thể mượn ra ngoài để photocopy, cũng chẳng có máy ảnh để chụp tại chỗ, ông đã ngồi hàng giờ tỉ mẫn chép tay cái văn bản rất có ý nghĩa về lịch sử và pháp lý ấy, tuyệt đối chính xác, không sai sót một dấu phẩy.
Tất nhiên bản chép tay nắn nót từng chữ rất công phu của ông khó có thể được xem là bằng chứng có giá trị khoa học trong đấu tranh ngoại giao học thuật, nhưng lại là chứng cứ rất hùng hồn về tình cảm cháy bỏng mà một ông già người Đà Nẵng đã trân trọng dành cho Bãi Cát Vàng bao đời thân thiết của mình.
Trong Hội thảo khoa học Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa do Hội Khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa và Trung tâm Nghiên cứu Minh triết thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 19-1-2014 ở ngay một khách sạn mang tên Hoàng Sa trên đường Dương Đình Nghệ, ông rất xúc động khi được tôi trìu mến giới thiệu ông là Đại lão Hoàng Sa Nguyễn Phước Tương.
Chắc hẳn ông đang ấp ủ nhiều dự định nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa nhưng tuổi già và bệnh tật đã thành trở lực cản ngăn ông. Và ông - Đại lão Hoàng Sa - đã đành phải trao truyền lại cho chúng ta những dự định còn nóng hổi ấy, cả khát vọng khôn nguôi về một ngày đòi lại được Hoàng Sa. Mấy dòng ngắn ngủi này xin được xem là nén tâm nhang thắp lên để tiễn biệt ông - một người nặng lòng với Hoàng Sa vừa rời bỏ chúng ta để ra đi về cõi vô cùng...
BÙI VĂN TIẾNG
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng