Với mục tiêu làm cho quá trình quản lý, đánh giá chất lượng Thỏa ước lao động tập thể (Thỏa ước) ngày càng “đơn giản, hiệu quả, chất lượng”, góp phần tích cực vào việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, giải pháp quản lý, đánh giá chất lượng Thỏa ước được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi trong các cấp Công đoàn (CĐ) bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Liên đoàn Lao động thành phố chia sẻ kinh nghiệm xây dựng giải pháp quản lý, đánh giá chất lượng Thỏa ước tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quan hệ lao động năm 2014. |
Giải pháp mới
Những năm qua, công tác quản lý chất lượng, nội dung Thỏa ước tại LĐLĐ thành phố Đà Nẵng chỉ tập trung vào việc quản lý Thỏa ước trên các file cứng (theo tệp văn bản ghi tên các đơn vị CĐ cấp trên, khối trực thuộc). Khi muốn truy xuất thông tin liên quan đến nội dung và hiệu lực của các bản Thỏa ước đều phải tiến hành thủ công, cần rất nhiều thời gian nhưng lại không thể nắm được tổng quát số lượng đơn vị có Thỏa ước, số Thỏa ước hết hạn, sắp hết hạn và còn hạn. Điều này phần nào đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu về Thỏa ước hằng năm của các cấp CĐ thành phố.
Từ thực trạng trên, Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ thành phố đã nghiên cứu và xây dựng giải pháp quản lý, đánh giá Thỏa ước thông qua việc ứng dụng các công cụ soạn thảo văn bản được sử dụng phổ biến hiện nay là Word và Excel để thiết lập các lệnh quản lý nhằm rút ngắn thời gian truy xuất dữ liệu.
Theo đó, các dữ liệu về Thỏa ước sau khi xử lý thô sẽ được phân loại và tiến hành cài đặt lệnh quản lý theo 3 định dạng hiệu lực thông báo và màu sắc tương ứng (Thỏa ước hết hạn - màu đỏ; Thỏa ước sắp hết hạn - màu vàng; Thỏa ước còn hạn - màu trắng). Trên cơ sở nội dung Thỏa ước đã được phân loại (nội dung sao chép, trái quy định của pháp luật và những nội dung có lợi hơn quy định của pháp luật), bản Thỏa ước sẽ được tính điểm và xếp loại chất lượng theo thang điểm của LĐLĐ thành phố.
Tiếp đó, các lệnh liên kết giữa quản lý và đánh giá chất lượng Thỏa ước sẽ được thiết lập. Nếu so với trước đây, khi áp dụng giải pháp mới, người cán bộ quản lý chỉ cần thực hiện một số thao tác đơn giản sẽ kiểm tra được hiệu lực và đối chứng những nội dung thỏa ước với các văn bản luật đã được ban hành.
Hiệu quả thiết thực
Việc ứng dụng giải pháp mới đã giúp cho công tác lưu trữ, quản lý Thỏa ước của LĐLĐ thành phố được tiến hành khoa học và hiệu quả hơn. Hiện tại, thời gian để kiểm tra hiệu lực và nội dung của một bản Thỏa ước đã được rút ngắn đáng kể (chỉ mất khoảng 10 giây) nhưng vẫn bảo đảm được các nội dung tổng thể liên quan đến Thỏa ước. Đối với các CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở khi áp dụng giải pháp này đã chủ động trong việc quản lý số lượng, chất lượng Thỏa ước, bảo đảm việc hướng dẫn các đơn vị có Thỏa ước sắp hết hạn, hết hạn tiến hành việc thương lượng, ký kết Thỏa ước diễn ra thuận lợi.
Ngoài việc tiết kiệm thời gian, khi áp dụng giải pháp mới, cán bộ CĐ các cấp có thể dễ dàng kiểm tra, đối chứng các nội dung văn bản pháp luật hiện hành so với nội dung của Thỏa ước để từ đó loại bỏ những điều khoản đã được pháp luật quy định, bổ sung những điều khoản cao hơn luật.
Đây cũng chính là một trong những kênh thông tin hiệu quả để hỗ trợ cho CĐ các cấp nâng cao chất lượng Thỏa ước và làm cơ sở tham gia giải quyết các tranh chấp lao động tại doanh nghiệp. Mặt khác, điều này cũng sẽ giúp cho các bản Thỏa ước cô đọng, dễ hiểu, người lao động dễ đối chiếu, giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong lúc chưa có một phần mềm quản lý, đánh giá chất lượng Thỏa ước mang tính tổng thể trong toàn hệ thống CĐ, giải pháp của LĐLĐ thành phố là phương thức đã và đang mang lại hiệu quả tích cực đối với vấn đề Thỏa ước hiện nay. Gần đây, trong hội nghị về triển khai phần mềm quản lý Thỏa ước diễn ra tại Hà Nội, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng cũng đã chuyển giao giải pháp cho một số LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quan hệ lao động năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức, giải pháp cũng được lựa chọn để báo cáo chia sẻ kinh nghiệm với LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong toàn hệ thống. Hy vọng, đây sẽ là cơ sở quan trọng để LĐLĐ thành phố Đà Nẵng nói riêng và các cấp CĐ cả nước tiếp tục ứng dụng và phát triển những ích lợi mà giải pháp mới này mang lại.
Như vậy, từ những kết quả bước đầu có thể khẳng định, quy trình này có thể áp dụng cho công tác quản lý Thỏa ước của các cấp CĐ. Đây là giải pháp hết sức cần thiết nhằm từng bước nâng cao chất lượng Thỏa ước tại doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện số lượng các văn bản luật được ban hành ngày càng nhiều, nội dung các bản Thỏa ước liên tục phải bổ sung, đổi mới, trong khi đó số lượng cán bộ chuyên trách CĐ còn rất thiếu, đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở doanh nghiệp (chủ yếu là kiêm nhiệm) kiến thức pháp luật còn hạn chế, không có nhiều thời gian dành cho hoạt động CĐ như hiện nay.
Do đó, ứng dụng và phát triển giải pháp sẽ là công cụ hiệu quả để CĐ các cấp đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết các bản Thỏa ước có chất lượng, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.
Bài và ảnh: NGHI XUÂN