Chính trị - Xã hội

Nghị sĩ IPU-132: Trung Quốc phải hành xử đúng luật pháp quốc tế

08:36, 30/03/2015 (GMT+7)

Trao đổi với báo chí bên lề IPU-132, bà Gabriela Moser, thành viên Đảng Xanh của Nghị viện Áo cho rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam, điều đó là rất rõ ràng. Vì vậy, Trung Quốc phải hành xử đúng luật pháp quốc tế.

 Bà Gabriela Moser, thành viên Đảng Xanh của Nghị viện Áo
Bà Gabriela Moser, thành viên Đảng Xanh của Nghị viện Áo

Một trong những nội dung sẽ được các đại biểu của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới IPU-132 thảo luận là chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đây là một trong những vấn đề mang tính thời sự và thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Nội dung này đã được thảo luận tại IPU-130 và IPU-131, nhưng chưa nhận được ý kiến thống nhất, do đó, dự thảo về chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ sẽ tiếp tục được thảo luận tại IPU-132.

Trao đổi với báo chí về chủ đề trên, bà Moser cho hay: "Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau từ diễn đàn IPU. IPU chỉ định hướng, song không thể đưa ra một quy định chung cho tất cả các nước thành viên áp dụng.

Riêng về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, cũng tuỳ thuộc vào tình hình của từng quốc gia. Sau khi thảo luận, chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến từ IPU và sẽ truyền đạt lại với quốc hội của từng nước. Tất nhiên, những định hướng từ IPU sẽ hỗ trợ rất nhiều cho những nước đang ở trong tình trạng tranh chấp lãnh thổ trong việc đưa ra hướng giải quyết đúng với luật pháp quốc tế, phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc.

Còn về vấn đề nhân quyền, tôi cho rằng đây là vấn đề của toàn cầu mà bất cứ quốc gia nào cũng quan tâm và có chung tiếng nói để cải thiện nhân quyền tốt hơn".

Khi được hỏi liệu vấn đề Biển Đông có được đề cập trong chương trình thảo luận của IPU-132 không, nữ nghị sĩ Đảng Xanh nói: “Tôi nghĩ là có. Sẽ có những ví dụ cụ thể khi IPU thảo luận. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay là rất rõ ràng. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam, nó thuộc về Việt Nam, Trung Quốc phải hành xử đúng luật pháp quốc tế”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này không chỉ tại IPU mà trên nhiều diễn đàn khác nhau, bởi đây là vấn đề của châu Á và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực rất quan trọng. Tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng để gìn giữ hoà bình”, bà nhấn mạnh.

Trước đó, trong buổi họp báo về sự kiện IPU-132, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới Saber Chowdhury cũng khẳng định: hòa bình rất quan trọng, nếu không có hòa bình không thể có phát triển bền vững.

Đề cập đến thông điệp “đặt người dân làm vai trò trung tâm trong mọi nỗ lực” mà Chủ tịch IPU Saber Chowdhury nêu trong bài phát biểu tại lễ khai mạc IPU-132 tối ngày 28/3, theo bà Moser, tất cả các nghị viện trên thế giới đều ý thức được tầm quan trọng của người dân trong những chính sách của họ. Các nghị viện cần phải thông báo đến người dân những nội dung chính sách, từ đó, phải tham khảo, lắng nghe và tổng hợp ý kiến người dân để điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế.

“Suy cho cùng, các nghị sĩ là những người được dân đề cử, họ đại diện cho người dân để nói lên những tiếng nói đáp ứng nhu cầu chính đáng của dân. Nếu họ nói “không phải hỏi ý dân”, tôi cho rằng đó là điều không thể chấp nhận”, bà nói.

Bà cũng cho biết thêm, ở Áo, trước khi đưa ra bất kỳ luật hay chính sách nào ảnh hưởng trực tiếp đến dân, chúng tôi cũng hỏi ý kiến của dân. Một đất nước phát triển không thể đặt người dân ở ngoài guồng quay hay chính sách phát triển.

Về chủ đề Việt Nam lựa chọn cho IPU-132 “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, bà Moser cho rằng, đây là nội dung quan trọng, thiết thực đối với tổ chức IPU và toàn nhân loại. Đây là dịp chúng ta đánh giá kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và thảo luận, đề ra các Mục tiêu Phát triển bền vững cho sau năm 2015.

Các vấn đề trong chương trình nghị sự như vực an ninh mạng, quản trị nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, HIV/AIDS… đều rất quan trọng.

Điểm nhấn của IPU-132 là Tuyên bố Hà Nội được hy vọng sẽ là bệ phóng cho các mục tiêu cao hơn của phát triển bền vững vì một tương lai tươi sáng, hòa bình của nhân loại.

Theo Nam Hằng (Dân trí)

.