.

Nhớ mãi những ngày đầu giải phóng

.

Những ngày tháng 3, dù sức khỏe phần nào suy giảm theo quy luật của thời gian nhưng nhắc đến kỷ niệm một thời làm cán bộ quân quản khi thành phố vừa giải phóng, thượng tá Nguyễn Lương Cận, nguyên Chỉ huy phó động viên tuyển quân Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, lại bồi hồi xúc động. Với ông, đó là thời khắc vinh dự, tự hào, trách nhiệm và có phần may mắn.

Xe tăng quân giải phóng tiến về giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975.  			       Ảnh: XUÂN QUANG
Xe tăng quân giải phóng tiến về giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Ảnh: XUÂN QUANG

Cuối tháng 9-1974, do vết thương tái phát không thể tiếp tục tham gia chiến đấu, chuẩn úy Nguyễn Lương Cận, trợ lý huấn luyện Ban 12 Đà Nẵng, rời căn cứ Hòn Tàu lên đường ra miền Bắc chữa trị. Sau đó, ông xin trở lại chiến trường miền Nam. Thời điểm này, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của quân dân hai miền Nam - Bắc đang dần đi đến hồi kết. Do đó, việc tuyển chọn cán bộ làm công tác quản giáo, quân quản… sau giải phóng trở nên bức thiết.

Tại Đoàn an dưỡng 253, cấp trên đã chọn 75 sĩ quan với cấp bậc từ chuẩn úy trở lên. Cùng với số sĩ quan ở các đoàn khác, đoàn cán bộ đi B. làm nhiệm vụ sau giải phóng có khoảng trên 200 người. Lúc này, ở Thanh Hóa, ta đã thành lập khung “Đoàn quản giáo công tác tù, hàng binh”. Khi số cán bộ từ Hải Dương vào gia nhập, lực lượng này chính thức lên đường làm nhiệm vụ. Đoàn đi tàu hỏa tới ga Vinh, sau đó chuyển sang đi ô-tô đến Đông Hà (Quảng Trị), tập kết tại trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Bấy giờ, công tác tổ chức phân công, điều động cán bộ mới chính thức được bắt đầu. Số cán bộ trước đây từng công tác trên các địa bàn từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế khoảng 40 người tiếp tục ở lại Đông Hà. Phần lớn quân số còn lại hành quân tiếp vào Tây Nguyên. “Chúng tôi ở lại học tập, chuẩn bị các bước của công tác tiếp quản. Giải phóng đến đâu, ta nhích dần theo đường số 1 đến đó. Giải phóng Huế, chúng tôi vô Huế. Ngày 29-3 giải phóng Đà Nẵng, sáng 1-4, chúng tôi vô đến Đà Nẵng”, thượng tá Nguyễn Lương Cận cho biết.

Tuy nhiên, mặc dù thành phố đã giải phóng nhưng Quân khu 5 tiếp tục bố trí số cán bộ mới từ miền Bắc vào căn cứ Tuần Dưỡng (Quảng Nam) để nghỉ ngơi, ổn định tình hình và cập nhật một số thông tin về địa bàn, dân cư và chủ trương chính sách của cách mạng. Trung tuần tháng 4-1975, chuẩn úy Nguyễn Lương Cận và 5 đồng chí khác được về lại Đà Nẵng công tác.

Bấy giờ, tình hình trị an của thành phố đã ổn định. Tuy nhiên, số binh sĩ, sĩ quan của chế độ cũ còn chưa ra trình diện khá nhiều. Họ đang chờ đợi, nghe ngóng tình hình xem cộng sản sẽ trả thù như thế nào. Vì thế, trọng tâm của công tác tiếp quản của ta trong giai đoạn này là hoạt động tuyên truyền đường lối chính sách của cách mạng.

Thượng tá Nguyễn Lương Cận nhớ lại: “Về đến cơ quan, tôi được biệt phái về làm công tác quân quản ở phường Thạch Thang, sau đó sang phường Hải Châu. Nhiệm vụ những ngày đầu chủ yếu là đi thâm nhập địa bàn nắm tình hình, tuyên truyền vận động ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện, thu hết vũ khí trong dân. Đối với sĩ quan, ác ôn thì bắt đưa về các trại giam để cải tạo, còn hạ sĩ quan chỉ việc đăng ký kê khai xong rồi thả cho về. Đồng thời, tổ chức lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ cách mạng như: tổ chức lực lượng cốt cán, dân quân tuần tra canh gác để giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng chính quyền”.

Khoảng 2 tháng sau ngày giải phóng Đà Nẵng, cán bộ quân quản được lệnh phối hợp với các cơ quan dân sự bắt đầu tổ chức vận động nhân dân trở về quê cũ làm ăn. Vì trong thời gian chiến tranh, nhiều gia đình từ Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế đã rời quê hương đến Đà Nẵng sinh sống theo chế độ dồn dịch của địch.

Về đây, không có tiền mua đất, mua nhà ở thành phố, bà con phải kiếm những chỗ đất ngoại vi, ven biển thuộc diện vô chủ để che chắn, dựng nhà tạm sinh sống. Do đó, những ngày đầu giải phóng, dân số Đà Nẵng rất đông. Khi nước nhà thống nhất, nhiều gia đình đã tự nguyện hồi hương. Tuy nhiên, cũng có một số làm ăn được thì ở lại luôn thành phố. Thượng tá Nguyễn Lương Cận nhẩm tính: “Kể từ khi thực hiện chủ trương vận động, hỗ trợ dân nhập cư về lại quê hương, mất khoảng 3 tháng mới hoàn thành  nhiệm vụ này”.

Vuốt nhẹ mái đầu bạc, người cán bộ quân quản năm xưa trầm tư: “Vậy mà đã 40 năm! Tôi cũng không nhớ nỗi đã có biết bao đồng đội đã ngã xuống cho ngày hôm nay. Trong trận càn 21 ngày đêm cuối năm 1968 tại vùng B - Điện Bàn của Mỹ, tiểu đoàn tôi có gần 500 quân nhưng chỉ còn sống sót chưa đầy 5 chục anh em mình mẩy đầy thương tích”.

NGUYỄN SỸ LONG

;
.
.
.
.
.