.

Nhớ và nghĩ về độc lập, tự do

.

Những năm tháng đánh Mỹ, trong số các đồng chí cảnh vệ của cơ quan Đặc khu ủy Quảng Đà có em ruột Nguyễn Văn Trỗi, em ruột Lê Độ, những người anh hùng đã hy sinh lẫm liệt được cả nước kính yêu.

Với chúng tôi, việc rút Trỗi em, Độ em lên căn cứ là để các bạn ấy tiếp bước cha anh, được công tác và chiến đấu ở một đơn vị mũi nhọn, đòi hỏi tin cậy cao.

Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đây là một sự quan tâm (hay chiếu cố) các gia đình có cống hiến đặc biệt cho cách mạng. Cũng chẳng thấy ai nói đến việc đưa các bạn ấy ra Bắc để đào tạo cho tương lai.
Thế rồi cả hai Trỗi em và Độ em đã hy sinh.

Quảng Đà có mẹ Thứ, người Mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu nhất. Bà đã dâng hiến cho Tổ quốc 9 người con, 1 người rể, 1 cháu nội. Thành tích đặc biệt này đã có từ lâu và theo thời gian những hy sinh chồng lên nối tiếp, nhưng mãi sau ngày hòa bình mới có điều kiện tôn vinh. Và một câu hỏi luôn được đặt ra từ những ai đã một lần về Điện Thắng thăm Mẹ: Sức mạnh nào đã khiến Mẹ, người phụ nữ nhỏ bé, gầy yếu vượt lên những tột cùng mất mát, đau thương để sống đến hơn 100 tuổi giữa cõi đời này.

Cơ quan tôi có một anh bạn, nhà giáo - nhà thơ Trần Mậu Tý, bút danh Triều Phương, anh còn là cán bộ tuyên truyền, là trưởng đoàn văn công, một con người hào hiệp, tài hoa, năng nổ. Anh bị kẹt trong trận càn của quân Nam Hàn ở vùng đông Duy Xuyên cùng với chị Dương Thị Xuân Quý, trận này anh thoát hiểm. Nhưng chỉ chừng một năm sau anh ngã xuống cũng trên “đất lành Duy Xuyên”.

Ông nội anh từng nuôi đồng chí Võ Chí Công những năm 1930. Cha anh tiếp tục công việc ấy, rồi đến việc nuôi giấu chúng tôi, những năm cuối 60 đầu 70. Ông đi buôn bò và sống hợp pháp nên thường là nhà tài trợ chính cho chúng tôi. Nhiều lúc cơ quan cần mua một chiếc rađio bán dẫn, một ít giấy mực in ronéo, một vài tá pin, chỉ cần nghe anh em loáng thoáng bàn nhau, ông đã lẳng lặng giúi vào tay anh Tý những tờ giấy bạc.

Ông có 3 người con trai, tất cả đều trẻ, đẹp ngời ngời và đều hy sinh anh dũng. Anh Tý - niềm hy vọng cuối cùng của ông ngã xuống, chúng tôi tưởng ông suy sụp. Nhưng rồi ông vẫn nhắn chúng tôi về với ông để ông được nhìn thấy trong chúng tôi bóng dáng con ông, để ông được dành cho chúng tôi những con lươn tự tay ông đặt trúm, những con cá đối mà theo ông chỉ có ở vùng quê ông, ven Hội An mới ngon đến thế.

Ông còn nhắn với những người bạn anh Tý mới đau dậy hay vừa bị thương về sống với ông để ông bồi dưỡng. Anh Đoàn Xoa là một trường hợp.

Bây giờ nghĩ lại mới ngộ ra thời đánh Mỹ chẳng ai định ra một giới hạn nào, cũng chẳng ai phân ra các cấp độ của sự hy sinh. Tất cả mọi người đứng vào cuộc chiến đấu đều chung một tâm nguyện “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Cái ngưỡng, cái giới hạn cho sự hy sinh không hề có, chỉ có mục tiêu nhất thiết phải được thực hiện “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”.

Chúng ta chiến đấu với tâm thế ấy, với ý chí ấy.

Từ người lãnh đạo cao nhất đã vào tù ra khám thời thực dân đô hộ, đến anh thanh niên bỏ thêm đá vào túi quần cho đủ cân khi tuyển quân, chẳng ai có trong đầu một phép tính: hy sinh đến chừng này thì tôi chấp nhận, vượt qua giới hạn đó thì tôi rẽ phải, rẽ trái hay tháo lui. Chúng ta không có lối rẽ, không có đường lui, không phải vì trên mặt đất không có mà chính trong tư duy, trong ý thức chúng ta không có.

Chúng ta biết rõ cái giá máu xương mà mình, và dân tộc mình phải trả để có ngày 29-3, ngày 30-4. Và không chỉ có thế. Cuốn vào cuộc chiến này còn có bao nhiêu người nữa họ cũng máu đỏ da vàng như chúng ta, cũng là máu xương Việt Nam. Điều không may và cũng là không muốn này, không thể không tính đến để nhất thiết không cho nó tái diễn một lần nữa và để xây dựng khối đại đoàn kết hòa hợp dân tộc, nền tảng cực kỳ quan trọng cho sự phát triển phồn vinh đất nước.

Nhìn lại những ngày máu lửa đã qua, nhìn về những ngày yên bình đang tới, chúng ta nói với nhau: Chúng ta đã có độc lập tự do “máu các chị, các anh không uổng”.

Giá trị của nó, ý nghĩa của nó hiển hiện ở chỗ toàn thắng đã về ta. Song chúng ta mãi không quên lời Cụ Hồ: “Nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Rồi chúng ta lại tường minh điều này: Hoa dân chủ, trái tự do không ai ban cho mình. Chỉ có ra công vun trồng chăm bón mới có. Thế là bằng tất cả ý thức sâu sắc và tình cảm nồng nàn, chúng ta tự đòi hỏi mình làm sao để máu của chúng ta không uổng. Có một câu trả lời không vào thẳng vấn đề nhưng rất thiết cốt. Chúng ta chính mỗi người và mọi người chúng ta phải đảm đương trọng trách ấy, trong quá khứ chúng ta đã hy sinh vô vàn xương máu, chính vì thế bây giờ chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Như một nghịch lý không phải những người đã hy sinh cống hiến lớn lao giờ đây được thong dong thụ hưởng, mà những người ấy vì hiểu rõ giá trị của những cống hiến hy sinh nên càng ra sức giữ gìn, bồi đắp, phát huy những giá trị ấy.

***

Tết Đinh Mùi (1967) có lẽ là Tết cuối cùng có dân ở vùng giải phóng đồng bằng Quảng Đà. Xuân Mậu Thân (1968) thì tất cả dồn sức cho 2T: “tổng công kích - tổng khởi nghĩa”, quân và dân chẳng ai lo Tết, vui Tết.

Những khu vườn rộng, đẹp, xanh ở Gò Nổi như hoang vu hơn vẫn thấy những cây mai dù không được chăm chút, tuốt lá đúng kỳ vẫn nở những bông vàng tươi ấm.

Không gian thoang thoảng mùi đường thắng vừa tới và mùi nếp đậu rang thơm đến ứa nước miếng.
Sáng mồng một Tết, những giây phút yên ắng hiếm hoi…

Không như mấy ngày trước đó, vừa mở mắt đã phải hội ý, đoán định: “Hôm nay địch sẽ càn vùng nào?”, “Sẽ đổ quân hướng nào?”. Tranh thủ một thoáng chốc ngừng bắn, anh Hồ Nghinh, anh Trần Thận và vài ba anh em văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà rủ nhau đi chúc Tết đồng bào, những gia đình cơ sở, nơi cơ quan đóng quân, nói theo ngôn ngữ của Quảng Nam “Đã ăn mòn bát gãy đũa”.

Nhà đầu tiên đoàn vào chúc Tết là nhà bà Diệu ở Xuân Đài, một cơ sở cật ruột của các anh.

Thấy đoàn khách quý đi vào sân, bà Diệu nhanh nhẹn bước ra trong bộ đồ bà ba mới rợi. Anh Nghinh cười thân tình cởi mở “Năm mới chị ưng bọn tôi chúc chi đây?”. Không một chút đắn đo, bà Diệu nói ngay rành rõ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Anh Nghinh, anh Thận và mọi người cười vang vui vẻ. Còn gì vui hơn khi ý tưởng quyết tâm của người lãnh đạo tối cao mới hôm nào còn trong thông điệp nay đã đi vào lòng dân sống động tự nhiên, giữa lúc bốn bề cuộc chiến bước vào hồi sinh tử.

20 năm trước, một đêm Hà Nội rét căm căm vang lên tiếng nói ấm áp mạnh mẽ của Người “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Cả dân tộc lắng nghe và cả dân tộc đứng dậy vượt lên gian truân thử thách.

Vì sao triết lý, đạo lý, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” lại đi nhanh và thấm sâu vào lòng người như vậy.

Điều kỳ diệu ấy đến từ hai phía.

Chỉ có 9 từ nhưng ý nghĩa thật sâu sắc, phổ quát cho mọi cảnh huống của từng người và cho cả một dân tộc đang vùng lên.

Và quan trọng hơn vì trong máu, trong tim mỗi người Việt đã có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc dồi dào, nồng thắm.

Sự cộng hưởng từ hai phía đã tạo nên sức mạnh bùng nổ.

Sức mạnh ấy trước hết ở chỗ mọi người chấp nhận, tin theo, tôn thờ triết lý, đạo lý, chân lý ấy dấn thân vào cuộc chiến đấu là tự nâng cao ý chí nhân cách của mình để rồi tự khám phá, tự nhân lên sức mạnh của mình.

Hồn thiêng dân tộc kết nối tất cả làm nên Việt Nam vô địch - toàn thắng.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.