Nhờ làm tốt công tác dân vận, thành phố Đà Nẵng đã khơi dậy sức mạnh lòng dân, tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển thành phố.
Nhờ “khéo” trong công tác dân vận, bộ mặt nông thôn mới Hòa Vang ngày càng khởi sắc. Trong ảnh: Đường về xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang hôm nay. |
Mô hình hay, cách làm tốt
Qua gần 5 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng mô hình “Dân vận khéo” thành phố Đà Nẵng đã phát huy được quyền làm chủ, tiềm năng, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Nhờ “khéo” trong công tác dân vận nên đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo tại cơ sở cũng như trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới.
Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, quận Cẩm Lệ đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các hội đoàn thể và người dân chung sức lo cho người nghèo. Nhiều tổ chức, đoàn thể có các sáng kiến mới, mang lại hiệu quả thiết thực, khơi dậy khát vọng và ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân.
Điển hình như Hội Phụ nữ quận thực hiện phong trào “Tiết kiệm một ngày đầu xuân”, “Nuôi trâu vàng”, “Tiếp sức phụ nữ nghèo”, “Hũ gạo tiết kiệm”; đến nay, đã thu được hơn 500 triệu đồng và hàng nghìn ki-lô-gam gạo, góp phần sửa chữa nhiều căn nhà, hỗ trợ sinh kế cho hơn 50 chị em phụ nữ nghèo; hỗ trợ vật dụng gia đình cho 149 chị; hỗ trợ làm hệ thống nước sạch cho 7 hộ; tặng 15 sổ tiết kiệm và 37 sổ bảo hiểm y tế cho phụ nữ khó khăn; cho các chị em vay hàng chục triệu đồng không tính lãi.
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang trong những năm qua cũng đã ghi nhận được những “tấm lòng vàng”. Qua hơn 4 năm, nhân dân toàn huyện đã hiến trên 50.000m2 đất, tháo dỡ hàng nghìn mét tường rào cổng ngõ, đóng góp hàng chục nghìn ngày công… Mặc dù đời sống chưa khá giả, nhưng không ít gia đình đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất ở, đất vườn.
Điển hình như hộ bà Lê Thị Hiên, ở thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, hiến 520m2 đất vườn; hộ ông Nguyễn Văn Long ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc hiến 350m2 đất thổ cư; hộ ông Hoàng Vi Thanh, ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú hiến 574m2 đất ở, đất vườn; hộ ông Trần Hữu Giật, ở thôn 5, xã Hòa Khương hiến 250m2 đất ở, tháo dỡ 70 mét tường rào…
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Phạm Quý cho biết: Phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố trong những năm qua đã tập trung giải quyết các vấn đề vừa cơ bản, vừa bức thiết của địa phương, hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương, tạo ra hướng phát triển tích cực ở cơ sở.
Kinh nghiệm từ thực tiễn
Để có được những kết quả tích cực nêu trên, ông Phạm Quý chia sẻ: Những nơi có phong trào thi đua “Dân vận khéo” phát triển đều gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tập trung của cấp ủy Đảng; đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác triển khai thực hiện, xây dựng mô hình “Dân vận khéo”. Mỗi cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai đều tích cực, linh hoạt, sáng tạo và gắn với tình hình ở cơ sở và nhiệm vụ mỗi địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố đã có sức lan tỏa rộng là nhờ các chủ trương đúng đắn, các giải pháp triển khai cụ thể và cách thức thực hiện phải phù hợp. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận hết lòng vì dân là tiền đề quan trọng bảo đảm sự thành công của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Ngoài ra, thực tiễn đã chứng minh, muốn làm tốt công tác dân vận, phải tôn trọng dân, chú ý lắng nghe dân trình bày nguyện vọng, đòi hỏi chính đáng; từ đó tập trung giải quyết một cách tích cực, kịp thời những vấn đề bức xúc, tháo gỡ khó khăn ngay từ cơ sở. Cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị đều phải làm công tác dân vận, phải có trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, gương mẫu, tích cực, năng động, sáng tạo, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “Phải thật thà nhúng tay vào việc”; thực hiện tốt phong cách: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”…
Bài và ảnh: VĂN NỞ