.

Nỗi đau và niềm tự hào

.

Trận đánh tại đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) ngày 14-3-1988 có 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó có 9 người con Đà Nẵng. Hơn ¼ thế kỷ đã trôi qua nhưng người thân của các anh cứ ngỡ như nỗi đau vừa mới xảy ra.

Bà Hồ Thị Lai, mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng, luôn nhớ đến con trai.
Bà Hồ Thị Lai, mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng, luôn nhớ đến con trai.

Lần cuối được trông thấy con

Qua mấy dãy phố mới, chúng tôi gặp bà Hồ Thị Lai, mẹ liệt sĩ Trương Quốc Hùng, hiện sống trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Xuân Ôn (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu). Khi nhắc đến trận chiến Gạc Ma, bà đứng lặng bên bàn thờ con, nước mắt cứ lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo.

Chúng tôi kính cẩn thắp hương lên bàn thờ người liệt sĩ Trường Sa, rồi dìu bà lại ghế ngồi. Cụ bà 80 tuổi này lấy ra một chiếc chăn bộ đội: “Trước khi vào Khánh Hòa để đi ra Trường Sa, Hùng đem về cho tôi một cái mền và nói: Chiếc mền này đơn vị cấp bổ sung cho anh em đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Nhưng con còn khỏe, lấy tấm mền nhỏ, mỏng của nhà mình “bỏ ba lô cho gọn”, để tấm mền này cho mẹ đắp”. Trước tấm lòng hiếu thảo của con, tôi nghẹn ngào không nói lên lời. Tôi ôm Hùng vào lòng mà nước mắt cứ ứa ra. Không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được trông thấy con.

Sau khi Hùng hy sinh, bà Lai ốm liên tục, ai cũng tưởng bà “sắp đi theo anh Hùng”. Bà Lai chia sẻ: Nhờ có chính quyền, đoàn thể, bà con hàng xóm, đơn vị và anh em đồng đội của con thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ, nên bà mới vượt qua được bệnh tật. Mỗi khi nhớ đến Hùng, bà Lai lại ôm tấm mền của con vào lòng như ôm chính đứa con thân yêu của mình.

Kỷ vật sâu sắc, không gì thay thế được

Bà Lê Thị Muộn (tổ 54 phường Hòa Cường Bắc), mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự, rưng rưng nước mắt khi nhớ từng bước đi, lời nói của người con trai đã hy sinh nơi hải đảo. Bà nói: “Nó siêng lắm! Lần nào đơn vị cho về phép, nó cũng lo chẻ củi và xách nước. Hồi đó, gia đình tôi còn ở nhà tạm trong kiệt và còn phải dùng nước giếng. Hễ về nhà thì nó xách nước đầy lu, đầy ảng. Nó sợ tôi già yếu, không xách nổi”.

Những năm qua, bà Muộn luôn để chiếc áo hải quân của con trên giường của mình, như thể anh vẫn còn sống, vẫn còn nằm trong vòng tay thương yêu của bà. Ngày ngày, bà cứ mân mê chiếc áo như đang bồng bế, dưỡng nuôi anh từ tấm bé.

Một hôm nằm mơ, bà Muộn thấy Sự hiện về kêu: “Mẹ ơi! Ở dưới biển con lạnh lắm! Con lạnh lắm!”. Bà thức dậy bước lại bàn thờ con, thắp hương, khấn vái hồi lâu. Hôm sau, bà tự tay sửa chiếc áo hải quân của con thành chiếc áo cho bà mặc. Và từ đó, bà thường xuyên mặc chiếc áo ấy. Đã 27 năm rồi, chiếc áo bây giờ đã ngả màu, nhưng đối với bà Muộn, nó thiêng liêng, sâu sắc, không có gì thay thế được!

Còn cụ Trần Huỳnh (tổ 19, phường Hòa Cường Bắc, cha liệt sĩ Trần Văn Tài) nhớ lại: “Con tôi nằm trong diện được hoãn nghĩa vụ quân sự vì có hai người anh đã đi nghĩa vụ quân sự và người anh kế đang phục vụ trong quân đội, nhưng nó đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ”. Ông cụ đã ngoài 90 tuổi nhưng giọng còn khá rõ, kể tiếp: Tài có năng khiếu văn nghệ, từng được chọn tham gia thi ca khúc chính trị toàn tỉnh; nó hiền lành, thật thà, hàng xóm ai cũng thương…    

Cụ Huỳnh cho biết, liệt sĩ Trần Văn Tài và 8 đồng đội cùng quê Đà Nẵng hy sinh ở Trường Sa ngày ấy đã được các cơ quan chức năng xây mộ gió tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố. “Hằng năm, 9 gia đình đều được chính quyền đưa xe đến đón lên nghĩa trang liệt sĩ thành phố để làm lễ tưởng niệm”, cụ Huỳnh bùi ngùi. Theo cụ, bên cạnh nỗi đau mất con, cụ còn cảm thấy tự hào khi con mình đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.