(Diễn văn kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2015), do Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố TRẦN THỌ trình bày)
Tiết mục văn nghệ trong chương trình nghệ thuật “Đà Nẵng vang mãi bản hùng ca” chào mừng 40 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HÀ |
Hôm nay, trong không khí hân hoan của đồng bào và chiến sĩ cả nước chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2015).
…Cách đây 40 năm, vào những ngày tháng Ba lịch sử, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, mở đầu bằng đòn “đánh trúng huyệt” giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, tiếp theo là giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Huế. Chính quyền tay sai của Mỹ hô hào “tử thủ Đà Nẵng”, nhưng quân địch ở đây đã hoàn toàn bị cô lập, tinh thần suy sụp nghiêm trọng.
Trước thời cơ có một không hai đó, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Khu ủy Khu V: “Trong lúc này, thời gian là lực lượng. Phải hành động hết sức táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay”, quân dân Quảng Nam, Đà Nẵng đã nhất tề nổi dậy, triệu người như một, tạo nên làn sóng cách mạng như triều dâng thác đổ, bao vây, bức rút, gọi hàng nhiều đồn bốt của địch, buộc địch rơi vào tình trạng “tự tan rã tại chỗ”, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực của ta, với thế tiến công như vũ bão từ các hướng, tiến quân ào ạt vào giải phóng thành phố Đà Nẵng thân yêu.
Đúng 11 giờ 30 phút, ngày 29 tháng 3 năm 1975 lịch sử, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân và dân ta đã tung bay phất phới trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng, đánh dấu thời điểm lịch sử trọng đại: thành phố Đà Nẵng được giải phóng.
Năm tháng qua đi, cuộc sống sẽ không ngừng tiến về phía trước, nhưng sự kiện giải phóng Đà Nẵng vào ngày 29 tháng 3 năm 1975 mãi mãi là một trong những trang sử vẻ vang, chói lọi nhất của thành phố Đà Nẵng anh hùng; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là bản anh hùng ca tuyệt vời về đức hy sinh cao cả, tinh thần bất khuất và ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân ta.
Thắng lợi đó là sự tích tụ của một quá trình đấu tranh suốt mấy chục năm trường, từ những ngày giữ lửa trong đêm tối chống chính sách “diệt cộng”, đến những ngày đồng khởi “diệt ác, phá kiềm” với hai chân, ba mũi giáp công trên ba vùng chiến lược sáng tạo của chiến tranh nhân dân. Thắng lợi đó xuất phát từ đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân tài tình của Đảng ta; là kết quả của sự nổi dậy mạnh mẽ, quyết liệt, rộng khắp của các tầng lớp nhân dân Quảng Đà. Thắng lợi đó mở ra khả năng hiện thực để đẩy mạnh cuộc tấn công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, mở đòn tấn công quyết định vào sào huyệt cuối cùng của địch, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Trong giờ phút trang nghiêm này, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng ta bồi hồi xúc động tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người là hiện thân của ý chí: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tư tưởng, ý chí và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người sẽ sống mãi cùng non sông đất nước; sống mãi trong lòng Đảng ta, nhân dân ta; sống mãi trong tâm trí của mỗi chúng ta.
Chúng ta thành kính tưởng nhớ các vị lãnh đạo tiền bối của Đảng, của dân tộc; tưởng nhớ biết bao đồng bào, đồng chí, những người con của quê hương Quảng Nam, Đà Nẵng và mọi miền đất nước đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh trên mảnh đất Quảng Đà. Chúng ta mãi mãi nhớ ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Khu ủy Khu V và Đặc khu ủy Quảng Đà, Tỉnh ủy Quảng Nam; sự chi viện hết lòng của hậu phương lớn miền Bắc, nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng kết nghĩa; sự đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của đồng bào, đồng chí Quảng Nam anh em; sự phối hợp chặt chẽ của phong trào cách mạng toàn miền Nam và cả nước.
Chúng ta bày tỏ sự khâm phục và ghi lòng tạc dạ chiến công của các tướng lĩnh, sĩ quan, các chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân đã tiến công thần tốc, giải phóng Đà Nẵng. Chúng ta tự hào về tinh thần bất khuất, quật khởi và chủ động nổi dậy của nhân dân Đà Nẵng với muôn nghìn hành động gan dạ, dũng cảm, mưu trí, làm chủ hoàn toàn và bảo vệ nguyên vẹn thành phố, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; nhanh chóng tiếp tế, cứu trợ, không để thành phố rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Ngay trong đêm giải phóng đầu tiên, đèn điện vẫn sáng trên các đường phố, trong nhà dân; nước sinh hoạt vẫn bảo đảm. Thực hiện tư tưởng nhân nghĩa và chính sách khoan hồng của Đảng, chúng ta không để xảy ra “tắm máu”, làm cho sự kiện giải phóng Đà Nẵng trở nên trọn vẹn tuyệt vời và nhân văn cao cả. Chúng ta thành tâm chia sẻ những mất mát, hy sinh của những đồng chí, đồng bào đến nay vẫn còn mang thương tật, di chứng do hậu quả chiến tranh; đặc biệt là đối với những đồng bào, đồng chí, chiến sĩ ta đã ngã xuống mà đến hôm nay hài cốt vẫn chưa được tìm thấy.
Trong những ngày tháng Ba lịch sử này, nhớ về tháng Ba của 40 năm trước, chúng ta nguyện khắc cốt, ghi tâm hình ảnh những người con Đà thành bình dị, kiên cường với những cao trào nổi dậy tại thành phố bên bờ sông Hàn vẫn còn vang vọng mãi với thời gian. Đó là hình ảnh các chiến sĩ bộ binh, pháo binh, đặc công, công binh, biệt động, du kích trí dũng song toàn, lập nên những chiến công chói lọi tại các sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn, kho xăng Liên Chiểu, kho bom Phước Lý, kho đạn An Đồn, tại trận địa pháo Thanh Vinh, Thanh Khê, Gò Hà, Quan Nam, Cẩm Lệ…
Đó là hình ảnh những công nhân, ngư dân, những lái xe, thợ máy, chị em tiểu thương, những trí thức, học sinh, sinh viên, các tăng ni phật tử Đà Nẵng… bao lần “xuống đường” đấu tranh đòi tự do, dân chủ, sắt son một lòng cho ước nguyện “nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”, vì Bắc - Nam sum họp một nhà, Tổ quốc thống nhất vinh quang.
Chúng ta làm sao quên được những bà mẹ ở căn cứ lõm K20, B1 - Hồng Phước, các lõm chính trị Thanh Khê, Thạc Gián và nhiều nơi khác đã không sợ cảnh đầu rơi, máu chảy, tù đày tra tấn, từng đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ, bộ đội, giao liên, cơ sở cách mạng, chiến sĩ binh địch vận; chúng ta quên sao được hình ảnh của các đồng chí cán bộ, chiến sĩ, đảng viên chôn mình hằng tuần trong cát nóng tại Xuân Thiều, Non Nước hay ngâm mình dưới nước sông Cẩm Lệ, Túy Loan để công kích vào đồn địch; chúng ta quên sao được tinh thần “nhà tan cửa nát cũng ừ” tại khắp Đà Nẵng, Hòa Vang… với ước vọng mãnh liệt “đánh thắng giặc Mỹ cực chừ, sướng sau”…
Chúng ta mãi mãi biết ơn các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công với nước, các cựu chiến binh, thanh niên xung phong và đồng bào ở khắp chiến trường trọng điểm Quảng Đà và đô thị Đà Nẵng, cống hiến xương máu, công sức và tài lực cho cuộc kháng chiến cứu nước với tinh thần “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, để có một ngày muôn lòng nở hoa, hòa trong câu ca reo mừng đầy hào khí: Bao mong ước mới có một ngày vui, Đà Nẵng quê ta ơi - hôm nay giải phóng rồi; Đà Nẵng ơi bao lòng thương nhớ, nay thỏa mong niềm ước mơ…
Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, tôi xin gửi lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thắm thiết và lòng biết ơn sâu sắc nhất đến các gia đình liệt sĩ, các đồng chí lão thành cách mạng, hưu trí, các tướng lĩnh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang, anh chị em thương binh, bệnh binh, các gia đình có công với cách mạng… về những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp giải phóng thành phố Đà Nẵng thân yêu của chúng ta. Xin nhiệt liệt biểu dương lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp, sự cống hiến, hy sinh to lớn, quên mình của quân và dân thành phố anh hùng.
Chúng ta vô cùng cảm ơn sự hiện diện tại buổi lễ hôm nay của hơn 300 cựu chiến binh mặt trận 4 Quảng Đà ở phía Bắc đã vượt hàng ngàn cây số, trở lại thăm chiến trường xưa, nơi các đồng chí đã có những đóng góp xứng đáng, đã dâng hiến tuổi thanh xuân và máu xương của mình vì mảnh đất trung dũng kiên cường này.
40 năm đã qua, đất nước và thành phố yêu quý của chúng ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và từng bước phát triển. Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, đồng thời tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng lại Đà Nẵng từng bước trở thành một trong những thành phố lớn, văn minh, hiện đại.
Chính nhờ tinh thần đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, tất cả vì lợi ích chung, chúng ta đã đưa Đà Nẵng từ một căn cứ quân sự, một trại tập trung khổng lồ của Mỹ - Ngụy, trở thành một đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, là trung tâm dịch vụ - du lịch - thương mại của miền Trung - Tây Nguyên; là đô thị có tốc độ phát triển mạnh mẽ và đang hướng đến một thành phố hài hòa, thân thiện, an bình, nhân văn, hấp dẫn và sống tốt. Mỗi người dân Đà Nẵng hôm nay đều có quyền tự hào về thành phố quê hương trong niềm tin tưởng và yêu mến của nhân dân cả nước và bạn bè bốn phương.
Thành phố đã thực hiện khá tốt công tác quy hoạch, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị tạo được dấu ấn rõ nét, quy mô đô thị mở rộng hơn nhiều lần. Chúng ta vui mừng khi kinh tế thành phố luôn duy trì ở mức tăng trưởng cao và liên tục trong suốt nhiều năm qua, cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch đúng hướng, dần dần xác lập vai trò của một thành phố động lực miền Trung - Tây Nguyên mà Trung ương đã tin tưởng giao phó.
Thành phố đã cân nhắc kỹ càng, chọn những khâu đột phá dựa trên tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển đô thị theo tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin...; thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng cao, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Uy tín và vị thế của thành phố tiếp tục được nâng lên.
Chúng ta tự hào khi thành phố phát triển kinh tế nhưng luôn quan tâm gắn với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội; tất cả hướng đến con người, vì con người. Đó là đề ra và quyết tâm thực hiện mục tiêu “thành phố 5 không”, “thành phố 3 có”, “thành phố môi trường”… Đà Nẵng là một trong những nơi hội tụ của trí thức, người lao động, những người yêu mến Đà Nẵng về đây cùng chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển thành phố. Một trong những thành công nổi bật của thành phố là thực hiện chủ trương “khai thác quỹ đất tạo nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đã tạo được một sự đồng thuận rất cao trong toàn xã hội.
Đây là tiền đề quan trọng để Đà Nẵng bứt phá, tạo được một diện mạo khang trang hơn, đẹp đẽ hơn, đàng hoàng hơn như hôm nay. Chính “lòng dân” và tinh thần “nhà tan cửa nát cũng ừ” trong những năm tháng chiến tranh, được làm mới trong giai đoạn hiện nay, đã đem lại cho Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng những thành tựu to lớn.
Đã có hơn 110 ngàn hộ dân chấp nhận di dời, giải tỏa để thành phố có điều kiện chỉnh trang lại đô thị, sắp xếp lại các khu dân cư, các trung tâm thương mại, xây dựng hàng ngàn km đường giao thông, từ chỗ chỉ có 78 tuyến phố có tên, đến nay, thành phố đã có gần 1.850 tuyến đường đô thị có tên, gấp 24 lần so với năm 1975, chưa kể nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện, kiệt hẻm đã được thảm nhựa hoặc bê-tông hóa; xây dựng nhiều cây cầu mới khang trang, đẹp đẽ, độc đáo ít có; hàng trăm công trình trọng điểm phục vụ kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội mọc lên... Tất cả đã minh chứng cho nhận định rằng: ở đây, “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ”.
Chúng ta vui mừng trước sự đổi thay đáng kể của quận Hải Châu - quận Nhất trước kia, nơi từng đồn trú nhiều cơ quan đầu não về chính trị, quân sự, tình báo của địch; cũng là nơi cách mạng đã đưa chiến tranh nhân dân vào tận hang ổ cuối cùng của chúng. Nay, sáng ngời gương mặt mới của một quận trung tâm, với những cây cầu đẹp, những đường phố, những tòa nhà cao tầng khang trang, đông vui, những bảo tàng, nhà hát, trung tâm mua sắm đang góp phần làm nên đời sống văn hóa của một thành phố tươi đẹp.
Trên quê hương Mẹ Nhu và các Dũng sĩ Thanh Khê - quận Nhì ngày trước, xưa chỉ có những xóm lao động nghèo nàn, nhếch nhác. Nay, đã mọc lên những khu dân cư mới sầm uất, những công trình đồ sộ, hiện đại như sân bay quốc tế Đà Nẵng, như cầu vượt ngã ba Huế, cầu vượt ba tầng có quy mô lớn nhất Việt Nam thời điểm này, khá đẹp, khá ấn tượng, sẽ được khánh thành và đưa vào sử dụng trong sáng mai, chấm dứt m ột điểm đen về giao thông kéo dài từ trước đến nay.
Với chủ trương phát triển thành phố cân đối, hài hòa cả hai bờ Đông và Tây sông Hàn, từ bước đột phá với cầu Sông Hàn, cả vùng quận Ba cũ đã bừng thức giấc, những xóm nhà chồ ọp ẹp, lộn xộn, những con phà cũ nát, những chuyến đò ngang đã lùi vào dĩ vãng. Quận Ba xưa chỉ thấy “nước xanh như tàu lá”, thì Sơn Trà nay cũng đà “phố xá thênh thang”, với khu công nghiệp đầu tiên của thành phố; nơi có những con đường uốn lượn, ôm quyện lấy một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, làm nao lòng du khách bốn phương; nơi có bán đảo Sơn Trà, cảng biển Tiên Sa đang chuyển mình mạnh mẽ cho khát vọng phát triển nhanh nền kinh tế biển và dịch vụ du lịch của Đà Nẵng.
Nhìn về phía Bắc thành phố, chúng ta quên sao được sự kiện những lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đặt chân xâm lược Việt Nam tại bãi biển Phú Lộc - Xuân Thiều cách đây 50 năm. Nay cả vùng phía Nam Hải Vân “đệ nhất hùng quan” đã trở thành địa bàn quan trọng của công nghiệp thành phố. Đây cũng là nơi có hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân hiện đại và dài nhất Đông Nam Á, một phần chủ yếu của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây cũng là nơi có nhiều trường đại học, cao đẳng, một trong những trung tâm giáo dục-đào tạo và khoa học công nghệ của cả vùng duyên hải miền Trung.
Gắn liền với chiến công xuất sắc của quân và dân khu vực phía Đông Nam thành phố, phát huy thế trận lòng dân son sắt của K20 anh hùng thuở ấy, chúng ta đang xây dựng quận Ngũ Hành Sơn với những khu đô thị hiện đại với các dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, phát huy làng đá mỹ nghệ truyền thống. Bên cạnh bờ biển đẹp, những khách sạn cao cấp, những khu nghỉ dưỡng sang trọng, danh thắng Ngũ Hành Sơn với núi non, hang động và những ngôi chùa đẹp sẽ là một nơi non nước hữu tình, một địa chỉ du lịch không thể không đến của bè bạn bốn phương.
Chúng ta cũng vui mừng nhận thấy những đổi thay nhanh chóng tại địa bàn quận Cẩm Lệ, nơi từng là cửa ngõ phía Nam của Đà Nẵng trong các cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân và chiến dịch giải phóng Đà Nẵng mùa Xuân năm 1975. Một cuộc lột xác ngoạn mục khi hàng ngàn hộ dân đồng thuận với chính quyền chuyển đến nơi ở mới. Không còn những con đường đất nhấp nhô ngoằn ngoèo hay những khu vực trũng sâu, ngập úng; những cây cầu, con đường mới khang trang và các khu đô thị mới, những dãy nhà cao tầng đã mọc lên; các khu phức hợp thể thao hiện đại và khu du lịch sinh thái văn hóa đặc sắc đang được khẩn trương triển khai. Cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, của bà con giáo dân đang ngày càng được cải thiện.
Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam, Hòa Vang trở thành vành đai diệt Mỹ đầu tiên của cả nước. Bác Hồ đã từng khen Hòa Vang chiến đấu kiên cường và trung dũng, dặn dò phải làm cho Hòa Vang trở thành một chấm son trên bản đồ Tổ quốc. Giờ đây, Hòa Vang đang nỗ lực để trở thành một huyện phát triển mạnh mẽ của thời kỳ đổi mới với quyết tâm trở thành một trong những huyện sớm đạt mục tiêu nông thôn mới trên cả nước với kết cấu hạ tầng nông thôn được cải thiện đáng kể, các dịch vụ đang phát triển, nhất là khu du lịch Bà Nà – Suối Mơ hùng vĩ đang vươn mình thức dậy, hấp dẫn và quyến rũ. Hòa Vang là quê hương anh hùng có số gia đình thương binh liệt sĩ, người có công cách mạng nhiều nhất, nhưng cũng là mảnh đất chịu nhiều khó khăn, vất vả nhất sau chiến tranh. Vì thế, sự đổi thay trên quê hương Hòa Vang hôm nay đã thể hiện rõ tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đối với mảnh đất này.
Mặc dù bị cưỡng chiếm từ đầu năm 1974, Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng, một phần máu thịt của Tổ quốc, một huyện đảo của thành phố Đà Nẵng. Chúng ta ghi nhận sự chung sức đồng lòng của cả nước vì Hoàng Sa thân yêu; ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự dũng cảm, kiên cường của mỗi người dân, mỗi ngư dân ngày đêm bám biển, bám lấy ngư trường truyền thống Hoàng Sa, cùng với các chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, dân quân biển, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, tiếp tục khẳng định với bạn bè năm châu rằng: “Hoàng Sa là của Đà Nẵng, Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Ngày hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây ôn lại một chặng đường khó khăn, gian khổ đã qua, cũng là dịp ghi nhận, vinh danh những cán bộ, đảng viên và nhân dân Đà Nẵng đã làm việc hết mình và ít nhiều nhận về mình sự thua thiệt, để cho thành phố quê hương ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng các thành phố trong cả nước. Các thế hệ mai sau sẽ mãi mãi không quên những năm tháng này - những năm tháng mà cả thành phố và mỗi người dân đã vươn lên với một ý chí mạnh mẽ, một nghị lực lớn lao, quyết tâm đổi mới, tiến tới tương lai tươi đẹp bằng chính sự nỗ lực cống hiến quên mình, viết nên những trang sử mới rất đỗi tự hào.
Phấn khởi và vui mừng trước những thành tựu to lớn, có tính đột phá của thành phố hôm nay, chúng ta luôn luôn ghi nhớ và chân thành biết ơn sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương và các ban, bộ, ngành; sự cổ vũ và giúp đỡ của các tỉnh, thành bạn, của đồng bào và chiến sĩ cả nước; của đồng bào, đồng chí Quảng Nam anh em; của những người con Đà Nẵng sinh sống, làm ăn ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài với tấm lòng luôn hướng về Đà Nẵng, của những con người đang sống và làm việc trên mảnh đất thân yêu này, của các tổ chức và bạn bè quốc tế.
Những thành tựu đó là kết tinh của sự chung sức chung lòng, cống hiến hết mình của các tầng lớp nhân dân, đồng bào các tôn giáo, dân tộc trong thành phố; từ bà con nông dân đến các chị em tiểu thương; từ những công nhân ngày đêm miệt mài trong các nhà máy đến các bậc nhân sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên; từ các bậc cao niên đến các cháu thiếu niên, nhi đồng; từ các anh chiến sĩ ngày đêm cầm chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc nơi muôn trùng sóng nước, đến các chiến sĩ Công an, Biên phòng ngày đêm bám sát địa bàn; từ nhân dân các phường nội thành đến các xã vùng ven; từ các phường ven biển đến các thôn xóm miền núi…
Tất cả đều mang trong mình lòng yêu nước và tình yêu quê hương Đà Nẵng; đã đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ và lao động sáng tạo không ngừng vì tương lai tươi sáng của thành phố. Tất cả đều xứng đáng là chủ nhân của những đổi thay diệu kỳ này.
Tự hào với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, chúng ta đồng thời nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm để nhằm tìm ra những biện pháp khắc phục giúp thành phố tiếp tục vững bước tiến lên. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không e ngại và né tránh khuyết điểm, chúng ta đều biết rằng: tiềm năng, lợi thế của thành phố còn nhiều nhưng có những mặt chưa được khai thác tốt; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp; đầu tư cho phát triển sản xuất chậm so với phát triển hạ tầng và chưa có sự bứt phá; vai trò động lực, sức lan tỏa của Đà Nẵng trong vùng còn hạn chế; kinh tế biển chưa được đầu tư, khai thác hợp lý; kết cấu hạ tầng và công tác quản lý đô thị có mặt còn bất cập; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu; cải cách thủ tục hành chính vẫn có mặt hạn chế; một số mục tiêu trong chương trình “thành phố 5 không” vẫn chưa cán đích; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn nhiều yếu kém; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Những khuyết điểm, yếu kém này là điều khó tránh khỏi trong quá trình phát triển, đòi hỏi chúng ta phải dũng cảm nhìn nhận và có biện pháp khắc phục, không để chúng cản trở sự đi lên của một Đà Nẵng đang từng ngày đổi mới, phát triển.
40 năm qua, chúng ta đã cùng nhau nỗ lực phấn đấu với một tinh thần tiến công cách mạng không ngừng để thành phố có một diện mạo mới như ngày hôm nay. Trong những năm đến, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, chúng ta phải giữ vững những thành quả đã đạt được, hơn thế, phải quyết tâm phát triển thành phố một cách toàn diện và bền vững hơn. Mục tiêu lớn của chúng ta là: Tập trung xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông vận tải quan trọng trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ cao của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; thành phố động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Để làm được những điều đó, chúng ta phải hành động và hành động mạnh hơn ngay từ hôm nay; bắt đầu từ những chủ trương, chính sách hợp lòng dân, tiếp đến là những việc làm cụ thể, thiết thực nhất với sự hưởng ứng của nhân dân.
Một trong những điều kiện để thành phố phát triển bền vững và tái cơ cấu nguồn thu là cộng đồng doanh nghiệp phải phát triển bền vững. Nhận thức được điều này, chúng ta đã và sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, về môi trường kinh doanh, về hành lang pháp lý và những hỗ trợ cần thiết khác… cùng với sự chủ động, sáng tạo, vượt khó của từng doanh nghiệp và các doanh nhân để phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và cho thành phố. Kinh tế phát triển và phát triển bền vững là nền móng quan trọng để chúng ta tự tin bước tiếp trên con đường xây dựng và phát triển thành phố.
Trong điều kiện địa lịch sử, địa kinh tế của Đà Nẵng, chúng ta đã xác định du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm qua, với nhiều cố gắng vượt bậc, Đà Nẵng đã bước đầu trở thành một địa chỉ du lịch có thương hiệu. Nhưng để du lịch, dịch vụ Đà Nẵng thực sự là một mũi nhọn kinh tế với hiệu quả cao, chúng ta còn phải có nhiều nỗ lực và sáng tạo, phải đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phát triển mạnh mẽ công nghệ giải trí để tăng cao số lượng du khách, nâng cao thời gian lưu trú và mức độ chi tiêu của du khách. Cả thành phố phải là một môi trường sống thân thiện, thấm đẫm chất nhân văn, làm hài lòng mọi du khách.
Chúng ta đã xác định tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và đã có một số thành tựu đầu tiên, nhất là về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Nhưng rõ ràng mục tiêu về công nghệ thông tin, công nghệ cao còn ở phía trước với nhiều thách thức và khó khăn. Chúng ta tiếp tục thực hiện phương châm Đà Nẵng làm giàu bằng kinh tế trí thức với những giải pháp khả thi về phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin.
Thành phố tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng đô thị Đà Nẵng về các hướng theo chức năng, quy mô, kiến trúc riêng của từng khu vực. Chúng ta đã xác định những công trình trọng điểm cần tập trung triển khai để tiếp tục cải thiện bộ mặt đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trước mắt, trong năm 2015, triển khai xây dựng: Trục I Tây Bắc; đường vành đai phía Nam (đoạn Hòa Phước - Hòa Khương), đường vành đai phía Bắc; các hạng mục quan trọng của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; Trạm xử lý nước thải sông Phú Lộc và cải tạo, nâng cấp kênh thoát nước Phú Lộc; Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố; Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố; Trường THPT Phan Châu Trinh; Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng; Bệnh viện Đa khoa quận Hải Châu, Bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang. Và tiếp tục trong những năm đến sẽ triển khai xây dựng: Đường vành đai phía Tây; Cảng Tiên Sa giai đoạn 2; nâng cấp Sân bay quốc tế Đà Nẵng; di dời ga đường sắt ra khỏi thành phố; Trung tâm Thương mại chợ Cồn và chợ Hàn; Bệnh viện Phụ - Sản nhi giai đoạn 2; Khu Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn; Khu du lịch làng Vân.
Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng, Đà Nẵng tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách xã hội giàu tính nhân văn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Nỗ lực đạt được mục tiêu đã khó, nhưng để duy trì được và ngày càng cải thiện hơn là công việc khó hơn nhiều lần. Đà Nẵng không thể là thành phố “sống tốt” nếu vẫn còn nhiều hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; không thể làm giàu bằng kinh tế tri thức nếu không đáp ứng đủ nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao; không thể cải thiện đời sống văn hóa, bộ mặt đô thị khi để cảnh lang thang xin ăn hoặc xin ăn biến tướng nhếch nhác tái diễn; không thể bảo đảm an ninh trật tự khi những người nghiện ma túy vẫn còn nhiều ở ngoài cộng đồng, chưa được tập trung hỗ trợ cai nghiện; không thể được xem là an bình, thân thiện khi còn để xảy ra tình trạng cướp giật, giết người để cướp của.
Cách đây 70 năm, Hồ Chủ tịch đã trao cho thế hệ học sinh hồi đó sứ mệnh đưa nước ta tiến lên sánh vai với các cường quốc năm châu. Giờ đây sánh vai với các cường quốc năm châu vẫn là mệnh lệnh của cuộc sống, là ước vọng cháy bỏng của những thế hệ đi trước đã ngã xuống trên mảnh đất này và cũng chính là đòi hỏi bức xúc của chúng ta. Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng trong thời đại ngày nay, toàn cầu hóa và hội nhập là xu thế tất yếu. Chúng ta không được phép chủ quan, thỏa mãn khi tự so sánh với mình cách đây 20, 30 hoặc 40 năm trước mà phải thẳng thắn thừa nhận về năng suất lao động, về sức cạnh tranh của nền kinh tế chúng ta còn thấp thua xa nhiều thành phố, nhiều quốc gia trong khu vực.
Nếu giữ độ tăng trưởng như hiện nay cũng phải mất thời gian khá lâu chúng ta mới đạt được mức phát triển như các thành phố của các nước tiên tiến trong khu vực hiện nay. Do vậy, chúng ta cần nỗ lực và nỗ lực hơn nữa để có thể theo kịp đà phát triển chung ấy. Một khi chúng ta tự mãn, tự bằng lòng, chưa làm được những gì tốt hơn, nghĩa là chúng ta có lỗi với bao thế hệ đi trước, chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm của mình, chưa đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân hôm nay và cả những thế hệ mai sau.
Tất cả những định hướng nêu trên phụ thuộc vào đội ngũ cán bộ và chất lượng của nguồn nhân lực. Chúng ta phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo, bồi dưỡng một thế hệ người Đà Nẵng biết kế thừa truyền thống yêu nước và cách mạng của cha anh, có bản lĩnh, có trí tuệ, có kỹ năng sống, biết giao tiếp và hợp tác, biết làm việc có hiệu quả, sẵn sàng dấn thân, chấp nhận mạo hiểm, luôn tự đòi hỏi đổi mới và hết lòng ủng hộ cái mới, trung thực và sáng tạo. Chúng ta sẽ phải xây dựng một thế hệ cán bộ Đà Nẵng dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm; không sợ khó khăn, không né tránh, không ngại va chạm; biết dấn thân vì sự nghiệp chung của Đảng, của dân. Đội ngũ cán bộ đó phải có tài năng và phẩm chất, bám sát thực tiễn và gắn bó chặt chẽ với nhân dân; phải biết hổ thẹn khi không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chúng ta cần nói ít, làm nhiều; “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”.
Đà Nẵng chỉ có thể đạt được mục tiêu có cơ cấu kinh tế hiện đại với du lịch, dịch vụ là mũi nhọn, với sự phát triển mạnh của công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và Đà Nẵng sẽ không thua chị kém em trong cuộc hội nhập toàn cầu khi một triệu người dân Đà Nẵng có ý chí mạnh, có quyết tâm cao.
Chính vì vậy, mọi người, mọi nhà và cả hệ thống chính trị của thành phố hãy tích cực ủng hộ và hăng hái thực hiện “Năm văn hóa văn minh đô thị 2015”. Bởi văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của phát triển bền vững, mục đích cốt lõi và lâu dài của xây dựng và phát triển văn hóa là hướng đến con người, vì con người với nhân cách cao đẹp, những chủ nhân thật sự xây dựng nên thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại. Với những gì người Đà Nẵng đã từng làm và đang tiếp tục làm, chúng ta tin rằng, Đà Nẵng bước đầu đã có một hình ảnh đẹp, và người Đà Nẵng đã được thừa nhận là một cộng đồng tốt. Cho nên, người Đà Nẵng phải bảo vệ, giữ gìn, phát huy hình ảnh thành phố và cộng đồng ấy. Mỗi người dân Đà Nẵng và du khách đến thành phố này hãy chung tay xây dựng nếp sống đẹp văn minh đô thị.
Đó là không vượt đèn đỏ, không bấm còi inh ỏi ngoài đường, không vượt làn, không chen lấn để được vượt lên trên, không xả rác bừa bãi, không khạc nhổ lung tung; xin lỗi những người bị mình làm phiền...; tận tình hướng dẫn cho người lạ đường đi nước bước…; không chặt chém, chèo kéo khi buôn bán giao dịch, nỗ lực hỗ trợ để khách hàng hài lòng... Đẳng cấp, vị thế của một thành phố quyết định bởi chất lượng những người dân thành phố. Sự cống hiến, sức sống của mỗi người dân thành phố là mạch nguồn làm nên sức mạnh, vẻ đẹp, sự lan tỏa và thu hút của thành phố. Đà Nẵng chỉ có thể đứng vững và phát triển trong cuộc hội nhập và cạnh tranh bằng sức mạnh khối đại đoàn kết vững chắc của nhân dân Đà Nẵng, bằng sự nỗ lực vượt bậc và năng động sáng tạo cao nhất của mỗi người và mọi nhà, của mọi cộng đồng, mọi tổ chức, mọi doanh nghiệp và doanh nhân Đà Nẵng.
Trong những ngày tháng Ba lịch sử này, toàn thành phố tràn ngập cờ hoa, một triệu trái tim của nhân dân Đà Nẵng đang cùng chung nhịp đập, cùng sống lại không khí tưng bừng của 40 năm trước, lòng tràn đầy xúc động và tự hào, càng thấy yêu quý biết bao những năm tháng được sống trong hòa bình, độc lập. Chúng ta không chỉ ôn lại và tự hào về truyền thống anh hùng của một thời kỳ chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà còn tự nhìn lại, suy ngẫm về 40 năm hòa bình, xây dựng để sống sao cho xứng đáng với truyền thống ấy.
Ngay từ giờ phút này và trong suốt cả những chặng đường sắp đến, “những tiếng ngày xưa vọng nói về” của lịch sử đã và sẽ luôn cổ vũ tinh thần cho chúng ta. Từ các nghĩa quân ngã xuống khi giữ thành Điện Hải trong buổi đầu đánh Pháp năm 1858, đến tư tưởng dân chủ, dân quyền của các nhà Duy Tân kiệt xuất Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… và cái chết bất tử của Thái Phiên, Trần Cao Vân năm 1916; từ Nguyễn Văn Trỗi trong 9 phút làm nên lịch sử, đến Lê Độ ôm bom vượt sông Hàn diệt địch; hay chiến sĩ biệt động trẻ Nguyễn Văn Dự đã hy sinh tại đầu cầu Trịnh Minh Thế vào thời khắc thành phố được giải phóng và rất nhiều những người con của quê hương đã ngã xuống vì Tổ quốc với lời thề sắt son “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó cũng là ước nguyện của hàng vạn người dân Đà Nẵng, rằng sau ngày nước nhà độc lập, thống nhất sẽ quyết tâm xây dựng thành phố bên sông Hàn ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Vì tất cả những lẽ đó, vì ước vọng ngày mai tươi sáng, vì ước mong chính đáng của mọi người dân Đà Nẵng, chúng ta không thể chấp nhận một Đà Nẵng chậm bước, tụt hậu mà phải từng ngày, từng giờ bứt phá đi lên.
Phát huy khí thế cách mạng hào hùng của những ngày Tháng Ba lịch sử, tôi kêu gọi toàn thể Đảng bộ, đồng bào và chiến sĩ Đà Nẵng hãy phát huy truyền thống cách mạng, không phân biệt già trẻ, gái trai, sinh quán, lương giáo; tất cả chúng ta những người đang sinh sống trên mảnh đất thân yêu này, hãy kết thành một khối thống nhất, chung sức chung lòng, đem tất cả tâm huyết, tài năng và trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách, vững bước tiến lên trên con đường phát triển, dấy lên cao trào thi đua yêu nước sôi nổi, lập thành tích xuất sắc chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2015, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng… quyết tâm đưa Đà Nẵng tiến vững chắc trên con đường xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những người con của Đà Nẵng đang sinh sống, làm ăn ở mọi phương trời, những người yêu mến gắn bó với Đà Nẵng hãy tiếp tục dành sự cổ vũ, ủng hộ cho Đà Nẵng như các bạn đã làm trong chiến tranh cứu nước và trong suốt 40 năm qua.
Quá khứ chỉ vinh quang khi hiện tại và tương lai biết làm đẹp cho đời, Đà Nẵng anh hùng trong quá khứ, năng động đổi mới trong hiện tại, nhất định Đà Nẵng sẽ bứt phá mạnh mẽ hơn, bền vững hơn trong tương lai. Đó là mệnh lệnh của hơn triệu người dân thành phố. Đó cũng là quyết tâm sắt đá, là lời hứa thiêng liêng, là quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng trước anh linh của lớp lớp thế hệ đã hy sinh trên mảnh đất này. Đó chính là khát khao cháy bỏng, là cam kết đầy trách nhiệm của chúng ta với đồng bào, chiến sĩ cả nước hôm nay và với muôn đời con cháu mai sau. Đây cũng chính là niềm tin tất thắng, là hành động thiết thực nhất của tất cả chúng ta trong ngày lễ kỷ niệm trọng thể và đầy ý nghĩa này. Đó là tất cả những gì mà chúng ta có thể làm được để vinh danh ngày chiến thắng 29 tháng 3 lịch sử, để không phụ lòng tin yêu và sự hy sinh cao cả của lớp lớp cha anh đã ngã xuống cho mảnh đất Đà Nẵng thân yêu này.
(*) Tít bài do Báo Đà Nẵng đặt.