.

Tháo dỡ dù bạt, mái che: Trả lại mỹ quan thành phố

.

Thống kê của tổ liên ngành 43 cho thấy, công tác vận động người dân tháo dỡ dù bạt, mái che trên các tuyến đường trọng điểm của thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Để “né” nắng, người dân che bằng rèm, mền; phủ áo mưa, bìa carton… (Ảnh chụp trên đường Lê Duẩn).
Để “né” nắng, người dân che bằng rèm, mền; phủ áo mưa, bìa carton… (Ảnh chụp trên đường Lê Duẩn).

Theo đó, không phải tháo dỡ tất cả các mái hiên (cả di động lẫn cố định), mà chỉ vận động tháo dỡ ở những tuyến đường trọng điểm và các mái hiên không đúng quy định.

Tích cực vận động dân

Thực hiện chủ trương của thành phố, sau 2 tháng triển khai “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, tổ liên ngành 43 đã tích cực vận động người dân tháo dỡ các mái che trên các tuyến đường trọng điểm. Đồng thời, tổ liên ngành 43 cũng tiến hành kiểm tra, vận động chủ quán ăn tháo dỡ lều bạt, dù che, mái hiên di động đặt sai quy định trên toàn địa bàn thành phố.

Qua đó đã vận động tháo dỡ gần 1.500 dù bạt, mái hiên di động tại các tuyến đường: Lê Lợi, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Trưng Nữ Vương, 2 Tháng 9, Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu); hơn 1.000 dù bạt, mái hiên cố định tại các tuyến đường: Điện Biên Phủ, Lê Duẩn, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Linh (quận Thanh Khê); vận động các quán ăn khu vực xung quanh hồ Thạc Gián (quận Thanh Khê) tháo dỡ lều bạt, dù che, mái hiên di động gây mất mỹ quan…

Ông Nguyễn Hoài Nam, tổ trưởng tổ liên ngành 43 cho biết, tổ 43 đang tiếp nhận thông tin để xử lý qua các nguồn: từ 7 đội 43 thường xuyên của 7 quận, huyện; từ đường dây nóng của thành phố qua tổng đài (0511.3881888); qua đơn thư và điện thoại của nhân dân đến tổ 43; qua mạng xã hội facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - xanh - sạch - đẹp; từ chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo thành phố. Qua đó, đã xử lý dứt điểm nhiều trường hợp và nhận được sự đồng tình của người dân.

Chấn chỉnh để đẹp hơn

Từ ngày vận động tháo dỡ dù bạt, mái che, có thể thấy các con đường trung tâm rất thoáng đãng, hiện đại như: Trần Phú, Bạch Đằng, Lê Duẩn… Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi cái nắng nóng của miền Trung bắt đầu xuất hiện thì mới thấy nhiều cảnh không đẹp mắt. Trên phố chuyên doanh Lê Duẩn, khoảng 10-15 giờ, để “né” nắng, người dân làm đủ cách: che cửa hàng bằng rèm, màn và cả bằng mền; đậy xe bằng áo mưa, bìa carton…, trông rất nhếch nhác!

Khi chúng tôi hỏi, một chủ cửa hàng quần áo than thở rằng, từ ngày tháo dỡ mái hiên thì gặp khá nhiều trở ngại. “Trời nóng và hanh quá. Bữa ni còn đỡ, vài tháng nữa, nóng chịu chi nổi. Nắng nóng làm hư quần áo, buộc lòng phải che đậy, mà che đậy ri thì khách hàng họ không muốn vào, ảnh hưởng việc kinh doanh”, chủ cửa hàng này nói. Một người dân sống trên tuyến đường Lê Duẩn cũng phản ánh: “Tháo mái che, con đường trông đẹp hẳn. Nhưng con đường này không có cây xanh che mát, trong khi vào mùa hè thì trời nắng gắt”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người dân về vấn đề này. “Chúng tôi đang “đau đầu” tìm giải pháp. Trước mắt, động viên người dân tự khắc phục nhưng làm sao cho đẹp mắt, chờ cây xanh lớn lên mới mong cải thiện được vấn đề. Đồng thời, suy nghĩ, tìm kiếm ý tưởng mái che phù hợp, nắng mang ra che, hết nắng mang vào. Song, không khéo lại đẻ ra những mái che khác, mất mỹ quan đô thị”, ông Lê Anh nói.

Cũng theo ông Lê Anh, đối với cảnh che xe bằng áo mưa, bìa carton, gây nhếch nhác trên tuyến phố, quận đang suy nghĩ thực hiện đồng loạt cùng một quy cách, kiểu mẫu nhằm khắc phục tình trạng hiện nay.

Thục hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, người dân hy vọng các cấp chính quyền nhanh chóng tìm ra giải pháp tối ưu. Tháo dỡ mái che để trả lại bộ mặt mỹ quan thành phố nhưng lại để xuất hiện tình trạng che nắng, che mưa bằng nhiều hình thức nhếch nhách cũng chính là làm mất mỹ quan, gây phản cảm cho người dân và du khách.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.