.

Tọa đàm "50 năm ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng"

.

ĐNĐT - Chiều ngày 6-3, Hội khoa học Lịch sử thành phố phối hợp với Quận ủy Liên Chiểu tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề “50 năm ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng” với sự tham gia của những học giả, nhà nghiên cứu lịch sử trên địa bàn thành phố, cùng những nhân chứng từng chứng kiến thời khắc lịch sử Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, cách đây tròn 50 năm.

Đoàn xe thiết giáp của quân đội Mỹ tập trung về căn cứ tại bãi biển Xuân Thiều, Đà Nẵng, ngày 8/3/1965.
Đoàn xe thiết giáp của quân đội Mỹ tập trung về căn cứ tại bãi biển Xuân Thiều, Đà Nẵng, ngày 8-3-1965.

Không nhằm “mổ xẻ” những vấn đề học thuật quân sự to tát, tọa đàm tập trung bàn thảo những vấn đề cụ thể như: thời điểm và địa điểm Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 9 đổ bộ lên bãi biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu) – bãi đổ bộ Red Beach Two ngày 8-3-1965 và nếu đặt bia chứng tích để ghi dấu sự kiện này thì nên đặt ở đâu trên bờ vịnh Đà Nẵng; hay tại sao Mỹ không đổ quân vào Cảng Đà Nẵng – một cảng nước sâu mà đổ quân vào bờ vịnh Đà Nẵng; sau khi đổ bộ, số lính thủy quân lục chiến này được chuyển đến đâu, đóng quân chỗ nào; cách đón tiếp của chính quyền Sài Gòn ở Đà Nẵng đối với “đồng minh Hoa Kỳ” ngày ấy của họ như thế nào…?

Khó chọn điểm cắm bia chứng tích

Tại buổi tọa đàm, ông Lưu Anh Rô, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, dẫn nhiều tài liệu đề cập đến thời điểm Mỹ đổ quân, như trong cuốn Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930-1975) cho biết thời điểm Mỹ đổ quân là 9 giờ sáng ngày 8-3-1965. Một số tài liệu khác, kể cả của Mỹ và Việt Nam đều nói chung chung là “vào sáng ngày 8-3-1965”. 

Tài liệu mới nhất là bài báo của một cựu chiến binh Mỹ vừa được đăng cách đây mấy ngày viết “vào lúc 9 giờ 3 phút ngày 8-3-1965…”. Trong khi đó, tường thuật trực tiếp của tờ báo Tia sáng (tại Sài Gòn) lúc bấy giờ kèm nhiều ảnh tư liệu thì cho rằng Mỹ đổ quân vào lúc 8 giờ 30 phút ngày 8-3-1965… Ông Lưu Anh Rô cho rằng, đây là thời điểm chính xác nhất.

Nhưng ngay sau đó, nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, lúc bấy giờ có sự chênh lệch giữa giờ Sài Gòn và giờ Hà Nội, và vào thời điểm Mỹ đổ quân, trời chuyển gió mùa Đông Bắc nên bị chậm so với kế hoạch dự kiến, cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian báo cáo và các tài liệu thông tin. 

Về địa điểm Mỹ đổ quân, cũng có nhiều tài liệu đề cập bằng nhiều cách gọi tên khác nhau như: Cảng Phú Lộc, bãi biển Bắc Ninh (Phú Lộc), bãi biển Nam Ô… , nghĩa là đều thuộc khoảng bãi biển Phú Lộc – Xuân Thiều thuộc quận Liên Chiểu ngày nay. Tuy nhiên, để xác định được một điểm chính xác để cắm bia chứng tích về địa điểm đầu tiên Mỹ đặt chân xuống Đà Nẵng thì không dễ. 

Các nhân chứng có mặt tại buổi tọa đàm như ông Phan Văn Tải (74 tuổi) – cán bộ hoạt động bí mật của biệt động thành, ông Lê Duy Anh (78 tuổi) – cán bộ văn phòng Bộ Chỉ huy vùng 1 tiếp vận ngày ấy đều khẳng định lực lượng thủy quân lục chiến đổ bộ xuống Đà Nẵng lúc bấy giờ “đông như kiến” và dàn thành hàng, với nhiều cụm nên rất khó để xác định chính xác tuyệt đối điểm đặt chân của tên lính đầu tiên. Vì vậy, nếu có đặt bia chứng tích về sự kiện lịch sử này cũng chỉ có thể chọn địa điểm một cách tương đối.

Trưng bày chuyên đề “50 năm Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng” khai mạc sáng 6-3 thu hút sự quan tâm của công chúng.
Trưng bày chuyên đề “50 năm Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng” khai mạc sáng 6-3 thu hút sự quan tâm của công chúng. Ảnh: Thanh Tân

“Nhớ quá khứ để không bao giờ lặp lại!”

Cùng góp mặt tại tọa đàm, tham luận của tiến sĩ Trần Thị Mai An (giảng viên khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) không đi vào bàn luận vấn đề thời gian, địa điểm quân Mỹ đổ bộ xuống bãi biển Xuân Thiều, mà tập trung phân tích để khẳng định sự kiện ngày 8-3-1965 hải quân Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng như lời tuyên bố chính thức về việc tham chiến của Mỹ tại Việt Nam, sự lún sâu vào chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam của đế quốc Mỹ.

Đồng quan điểm này, ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng, khi nói ngày 8-3-196, Mỹ lần đầu tiên đặt chân lên Đà Nẵng – Việt Nam nghĩa là “đầu tiên” theo nghĩa đế quốc Mỹ chính thức tham chiến và phơi bày bản chất xâm lược tại Việt Nam, biến Việt Nam thành chiến trường khốc liệt.

Cụ thể, sau khi đổ bộ xuống Đà Nẵng, lính Mỹ triển khai chiếm đèo Hải Vân, núi Phước Tường, xây dựng lô cốt và trận địa pháo, lắp đặt hệ thống radar hiện đại trên bán đảo Sơn Trà để khống chế vùng trời. Sây bay Đà Nẵng và hai sân bay trực thăng Nước Mặn, Xuân Thiều được gấp rút xây dựng. Mỹ cho lập ty cảnh sát Gia Long, tòa thị chính, quân vụ, tòa lãnh sự ở Đà Nẵng… Hệ thống phòng thủ bên trong nội thành do quân Việt Nam Cộng hòa đảm trách, bên ngoài là quân Mỹ, biến Đà Nẵng thành căn cứ hỗn hợp lớn thứ nhì miền Nam.

Tuy nhiên, từ đề dẫn, ông Bùi Văn Tiếng đã khẳng định, tuyệt nhiên hội thảo hay các hoạt động kỷ niệm sự kiện ngày 8-3-1965 không dành để “khơi gợi thù hằn quá khứ”. “Xâm lược Việt Nam, Mỹ đã tạo nên một hố sâu ngăn cách, một vết hằn lịch sử.  Muốn hướng đến tương lai, chúng ta không thể lấp hố sâu, xóa vết hằn đó mà chỉ có thể bắc cầu qua đó. Nhắc nhớ quá khứ để không bao giờ lặp lại”, ông Bùi Văn Tiếng nói.

Buổi tọa đàm kết thúc với hình ảnh những nhà nghiên cứu, học giả cùng các nhân chứng lịch sử thong dong ngắm bãi biển Xuân Thiều trong ánh nắng chiều dịu nhẹ. Nhìn cảnh ấy, khiến người ta có cảm tưởng rằng nơi đây, đau thương, hận thù dường như chưa từng tồn tại…

150 thông điệp hòa bình!

Trong khuôn khổ các hoạt động ghi dấu sự kiện 50 năm ngày Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng (8-3-1965 – 8-3-2015) tiến hành chiến tranh cục bộ, xâm lược Việt Nam, ngày 6-3, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Hội khoa học Lịch sử thành phố khai mạc trưng bày chuyên đề 50 năm Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng”.

Trưng bày giới thiệu hơn 150 ảnh tư liệu, hiện vật về sự kiện trên, đặc biệt là phong trào Đô thị Đà Nẵng thời đánh Mỹ. Nội dung trưng bày được cấu trúc thành ba phần: Phần thứ nhất - “Khởi đầu từ Red Beach Two…” - là các ảnh tư liệu và hiện vật ghi lại những khoảnh khắc lịch sử từ khi lính Mỹ thuộc Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 9 viễn chinh Thủy quân lục chiến vừa đổ bộ lên bãi biển Xuân Thiều, tại một địa điểm có mật danh là Red Beach Two vào sáng ngày 8-3-1965, cho đến quá trình Mỹ xây dựng Đà Nẵng thành căn cứ liên hợp quân sự lớn thứ hai ở miền Nam và đến lúc buộc phải cuốn cờ rút quân về nước; Phần thứ hai - “Đà Nẵng kiên cường chống Mỹ” – tập hợp các ảnh tư liệu và hiện vật phản ánh cuộc đấu tranh chống Mỹ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, từ các phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ trong nội thành, đến ngày giải phóng Đà Nẵng. Và phần cuối cùng: “Quá khứ và hiện tại” - là các ảnh tư liệu thể hiện rõ quan điểm gác lại quá khứ hướng tới tương lai của người Đà Nẵng.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 6-4-2015.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.