Bằng tuyên truyền vận động, Sở Công thương góp phần giúp các tiểu thương nhận ra thực tế rằng, lối đi nhỏ hẹp, lầy lội, nhếch nhác, sự lừa lọc… là cách nhanh nhất để đẩy khách hàng của mình vào những siêu thị khang trang, sạch sẽ.
Luôn hòa nhã, nói lời cảm ơn và nở nụ cười thật tươi là cách mà các tiểu thương bán hải sản chợ Đống Đa “định nghĩa” lại cụm từ “bà-bán-cá”. |
Để lôi kéo khách hàng quay lại với chợ truyền thống, để làm tròn vai trò “đại sứ” quảng bá Đà Nẵng với bạn bè bốn phương, vì lợi ích tự thân của mình, tiểu thương buộc phải có thái độ tận tình, hòa nhã với khách hàng, phải văn minh, lịch sự trong kinh doanh.
“Mỗi khi vào chợ, tôi rất sợ bị đốt… phong long và ánh mắt bực bội, trách móc của người bán. Vì thế, tôi bất ngờ đến ấn tượng khi được chào bằng nụ cười của tất cả các tiểu thương khi vào tham quan chợ Hàn. Dừng lại ở bất kỳ sạp hàng nào, tôi cũng được chào mời bằng câu nói nhẹ nhàng của người bán chứ không thúc ép, vồ vập. Gia đình tôi đã thoải mái lựa chọn, hỏi thăm và thậm chí dùng thử những món đặc sản độc đáo tại chợ. Cái chanh chua thường thấy nơi cửa chợ được thay thế hoàn toàn bởi sự vui vẻ, thân thiện của tiểu thương Đà Nẵng”, anh Trịnh Xuân Thắng, khách du lịch từ Quảng Ninh cho biết.
Đã 20 năm bán cá ở chợ Đống Đa, với cô Lê Thị Thiệp, chợ vẫn mang tên cũ nhưng không khí và quang cảnh thì đã khác xưa lắm rồi. Chợ không còn ẩm thấp, xập xệ; cá, tôm, mực không còn nằm trên đôi quang gánh mà được thay bằng bàn inox sáng loáng, sạch sẽ. “Chợ thay đổi, khang trang hơn nên mình cũng phải văn minh, lịch sự hơn để xứng đáng với chợ”, cô Thiệp nhìn nhận.
Luôn nói lời cảm ơn và nở nụ cười thật tươi khi gửi lại túi cá và nhận tiền từ khách, cô Thiệp cho biết: “Chị em bán hải sản chợ Đống Đa đang thực hiện “chiến dịch” hòa nhã, nhẹ nhàng, minh bạch trong buôn bán. Bằng cách làm này, chúng tôi tin rằng sẽ “định nghĩa” lại từ “bà-bán-cá” từ lâu luôn tạo ấn tượng xấu cho người mua”.
Thời gian gần đây, các tiểu thương buôn bán tại mặt tiền chợ Hàn trên đường Nguyễn Thái Học thành lập các tổ nhỏ, gồm 3 - 4 tiểu thương để chủ động nhắc nhở, dọn dẹp khi ngày buôn bán kết thúc. Toàn bộ các loại rác được các chị, các bà quét và gom gọn gàng vào lề đường. Điều này góp phần làm giảm khối lượng lớn công việc của công nhân vệ sinh môi trường cũng như khiến bộ mặt chợ thêm tươm tất.
Sinh ra trong gia đình có 4 đời buôn bán tại chợ Hàn, đã 30 năm làm bạn với gánh rau hành, với cô Phan Thị Thu Vân và hầu hết các tiểu thương buôn bán tại đây thì chợ cũng đã là nhà. Chợ sạch sẽ gọn gàng, người bán lịch thiệp là cách để giữ cái sầm uất bao đời nay của chợ Hàn, kể cả khi nhiều chợ hình thành trong các khu dân cư mới, người dân di dời, giải tỏa đến các xã phường xa trung tâm thành phố.
Để đạt được kết quả trên, trong suốt 8 năm qua, đặc biệt khi Đà Nẵng chọn năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, Sở Công thương phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế quận Hải Châu, Công ty Quản lý hội chợ triển lãm và các chợ Đà Nẵng tiến hành tuyên truyền, vận động thường xuyên, rộng rãi các tiểu thương kinh doanh văn minh bằng cách niêm yết giá công khai, thuận mua vừa bán, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường và chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm.
Theo ông Võ Văn Nhựt, Phó phòng Quản lý kỹ thuật an toàn và mở rộng (Sở Công thương) thì công tác bảo vệ môi trường, văn minh kinh doanh được phổ biến đến từng tiểu thương, cán bộ quản lý chợ. Sở Công thương thành phố thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền kiến thức bảo vệ môi trường, văn minh kinh doanh cho bà con tiểu thương tại các chợ trên địa bàn.
Thông qua hội nghị, các tiểu thương nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ đạo đức trong kinh doanh, vệ sinh môi trường cũng như nắm bắt được các kiến thức về kỹ năng bán hàng như: trưng bày hàng hóa, kỹ năng giao tiếp với khách hàng, mua bán hàng hóa phải có nhãn mác, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, cân đong đo đếm chính xác…
Bài và ảnh: MAI CHI MAI