.
40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2015)

Anh Huệ Thanh Khê

Trận đánh của 7 dũng sĩ Thanh Khê ngày 26-12-1968 đã tạc vào lòng người dân đất Quảng như một tượng đài bất tử.

Trong đó, tấm gương chiến đấu dũng cảm của liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ (còn gọi là Nguyễn Văn Huề) không bao giờ nhạt phai trong ký ức của những người trong cuộc.

Lần hồi chắp nối lời kể của các nhân chứng: bà Huỳnh Thị Trang (Tám Trang), Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám (Tám Tuyết), tôi hình dung được phần nào về người liệt sĩ duy nhất trong trận thư hùng năm ấy. Theo bà Tám Trang, anh Nguyễn Văn Huệ sinh năm 1945 tại quận Nhì (quận Thanh Khê ngày nay). Năm 1962, anh cùng 14 đồng chí khác thoát ly lên chiến khu. Đến năm 1968, dưới sự chỉ huy của đồng chí Năm Dừa (Anh hùng LLVTND Nguyễn Thanh Năm), anh là cán bộ biệt động về hoạt động tại quận Nhì. Tuy nhiên, cứ mỗi lần các anh về thành phố chỉ một vài tháng là đổi quân.

Thời điểm trước ngày diễn ra trận đánh, đội biệt động quận Nhì được chia 2 tổ, bố trí tại nhà mẹ Nhu và mẹ Hiền. Tổ nhà mẹ Nhu gồm các chiến sĩ Trần Đình Trung, Nguyễn Thị Tám, Nguyễn Văn Huệ và một cán bộ phụ trách. Không ngờ trong đêm 25-12-1968, người cán bộ phụ trách này đã bí mật báo cảnh sát về nơi trú ẩn của đơn vị.

Do đó, sáng 26-12, như mọi buổi sáng khác, 3 người còn lại vẫn mở đài nghe tin tức, tình hình chiến sự rồi quây quần trò chuyện chứ chưa vội xuống hầm. Anh Phạm Phú Long, con trai mẹ Nhu, đến giờ đi làm, định bước ra sân, chợt phát hiện lính vây liền bảo: “Các đồng chí xuống hầm. Bây giờ có địch đi ráp rồi”. Ba anh em vội vàng tụt xuống hầm. Sau khi ngụy trang cẩn thận, anh Long thản nhiên bước ra. Lúc này, cảnh sát dã chiến đã ập vào sân, áp sát anh Long yêu cầu chỉ hầm bí mật. “Nhà tôi không có hầm”, Phạm Phú Long trả lời.

Chúng đánh anh nhừ tử rồi bắt giải đi. Quay sang tra tấn mẹ Nhu không được, chúng nổ súng sát hại mẹ rồi tổ chức xăm hầm. Đón trước tình thế, các anh chị đã sẵn sàng chiến đấu. Phía trên, sau tiếng súng nổ, không còn tiếng đánh đập, họ biết mẹ đã hy sinh.

Địch sục sạo xăm hầm. Đất cát sạt ra từng mảng. Lúc ấy, 3 người lấy tấm ảnh Bác Hồ được giấu kỹ trong hầm ra, thầm hứa với Bác sẽ chiến đấu đến cùng để trả thù cho mẹ và nhân dân. Anh Huệ phân công: “Tôi sử dụng súng AK và lựu đạn. Trung cũng vậy. Còn Tám dùng súng K54 và cầm theo bao đạn AK phục vụ chiến đấu cùng một quả lựu đạn để tự hủy khi bị địch bắt”.

Ban đầu, Tám ngồi cạnh miệng hầm, nhưng anh Huệ bảo: “Tám vô trong để anh ra cửa hầm”. Địch xăm đúng lỗ thông hơi. Một tên lính reo to: “Lỗ thông hơi đây rồi”. Anh Huệ đã rút sẵn chốt lựu đạn. Khi bọn khui hầm vừa giật nắp, định nhào vô bắt sống, Huệ tung luôn hai quả M26. Không cho địch kịp phản xạ, anh nhảy lên xả súng vào những tên sống sót. Trung nhảy lên và tiếp tục bắn. Tám nhanh chóng xách bao đạn AK di chuyển theo.

Địch vẫn quyết tâm bắt sống, ném lựu đạn cay vào. Tám cùng các anh bình tĩnh lấy khăn ướt đắp lên mặt. Địch tiếp tục điều động bổ sung lính nghĩa quân quận Nhì bao vây khu vực Thanh Khê. Anh Trung bảo: “Tám ra lấy khẩu AR15 của địch để chiến đấu”. Nhặt khẩu súng của tên lính vừa bỏ mạng, Tám tiện tay cầm luôn 4 quả lựu đạn. Họ che khăn ướt và nhanh chóng di chuyển qua nhà ông Tư. Trên đầu, máy bay địch gọi hàng. Chúng gọi đúng tên các chiến sĩ biệt  động Tám, Huệ, Trung, Năm…

“Các bạn không còn đường nào thoát hết. Chúng tôi đã bao vây chặt. Nhân dân tản cư ra khỏi vùng”. Các anh bắn trả lời. Phần lớn nhân dân trong khu vực chiến sự đã sơ tán, chỉ những người già không chạy nổi và một số cơ sở nội tuyến ở lại nắm tình hình.

Tổ của Tám di chuyển sang nhà bà Sim. Ta vừa cơ động, vừa bắn. Địch dù đông nhưng cũng không dám vào sâu. Địa hình khu vực nhà mẹ Nhu thấp. Chúng từ trên cao chĩa súng bắn xuống. Lâu lâu địch lại cử một tốp xông vào đều bị ta đánh bật. Sau khi đẩy lùi hai đến 3 đợt tấn công, anh Huệ phát hiện một tên ác ôn mang khẩu cạc-bin đi vào. Mấy anh bắn luôn. Tám liền vứt khẩu AR15 đã hết đạn nhặt lấy khẩu súng của nó.

Kể đến đây, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Tám bất chợt trầm ngâm: “Chúng tôi xác định mình cũng hy sinh thôi, vì địch vây đông quá”. Lính Mỹ từ bên trong các căn nhà, nhìn thấy là nổ súng chứ không phải dàn trận chiến đấu. Quần nhau với ta được vài ba trận, chúng rút ra biển.

Nghe tiếng súng nổ, tổ bên nhà mẹ Hiền biết đã bị lộ liền thúc giục gia đình tản cư để ra “chia lửa”. Nghe tiếng súng AK, Tám biết tổ anh Chi đã nổ súng chi viện. Nhưng để hai mũi phối hợp chiến đấu thì ta phải đi vòng ra hướng biển mới có thể lên nhà mẹ Hiền. Song lúc này, địch đã đóng dày đặc trên bờ biển nên hai tổ bị cắt đứt liên lạc hoàn toàn.

Khoảng hơn 10 giờ sáng, tổ của Tám di chuyển gần đến bờ biển, Nguyễn Văn Huệ bị thương ở bụng, ruột xổ ra ngoài. Vai mang túi đạn, tay cầm súng, Tám dìu Huệ để Trung chiến đấu. Biết khó qua khỏi, anh Huệ trao khẩu AK cho Tám: “Thôi đập cây cạc-bin đi, dùng AK bắn cho nó uy hiếp hơn. Đưa lại cho tôi hai quả lựu đạn nữa”. Nghe lời anh, Tám đập vỡ báng khẩu cạc-bin. “Tôi thương anh Huệ khôn xiết. Trong lúc chiến đấu, ta không có bông băng, thuốc men nên anh ấy mất máu nhiều”, bà Tám rơm rớm nước mắt nói.

Đi thêm một quãng, anh Huệ nói đứt đoạn: “Anh mệt quá rồi không đi được nữa, để anh nằm lại đây chiến đấu đến phút cuối cùng. Còn các đồng chí di chuyển và chiến đấu tiếp”. Tám đành để người anh, người đồng chí thân thiết nằm trên con hẻm cạnh nhà bà Sắt Thường. Địch theo dấu máu lần theo. Tám và Trung di chuyển sang nhà bên, bí mật theo dõi. Họ thấy một cụ già đi đến chỗ anh Huệ, rồi đi tiếp ra ngoài. Một lúc sau, bọn lính ập vào. Không để chúng kịp phản ứng, anh rướn người tung hai quả lựu đạn lên. Biết anh Huệ đã hy sinh, lợi dụng tình thế, hai người nổ súng vào mấy tên sống sót và di chuyển.

Điên cuồng trước sự kiên cường của người chiến sĩ biệt động, địch bắt nhân dân bỏ thi thể anh trong một chiếc thúng mành, nằm vắt ngang đầu và chân thò ra ngoài rồi khiêng xuống ngã ba Quán Hộ. Chúng để anh nằm đấy để trấn áp tinh thần đấu tranh của nhân dân, đồng thời khoe chiến tích. Đêm xuống, bà con mới âm thầm đưa anh đi chôn cất. Hiện nay, dũng sĩ Nguyễn Văn Huệ đang yên nghỉ trong khuôn viên chùa Thanh Khê (Đà Nẵng). Hằng tháng, cứ đến rằm, mùng một và các ngày lễ, bà Tám Trang lại ra thắp hương, thì thầm bên mộ: “Chị đến với em đây”.

NGUYỄN AN KHÁNH

;
.
.
.
.
.