.
40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2015)

Căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn 1954-1975

.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, các cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang (LLVT) tổ chức xây dựng nhiều khu căn cứ địa cách mạng như: Nước Oa, Nước Là, Phước Trà, Lam Sơn, Nam Trà, Hòn Tàu, Tiên Sơn, Quế Tiên, Bầu Bính (Quảng Nam); K20, Khu Sông Đà (Đà Nẵng)…; góp phần quan trọng vào thắng lợi công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại địa phương cũng như trên toàn miền Nam nói chung.

Bài 1: Nơi đứng chân và hoạt động của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy

Trong kháng chiến chống Mỹ, các căn cứ địa ở Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành nơi đóng trú của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo các cấp. Ở cấp khu, từ năm 1955, ngay khi bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Liên khu ủy đã chuyển cơ quan từ phía Tây Thừa Thiên vào đứng chân ở vùng Bến Hiên, Bến Giằng thuộc tỉnh Quảng Nam.

Trong những năm 1959-1960, Khu ủy 5 xây dựng căn cứ Nước Oa, Nước Là tại huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. Từ 1973 - 1975, cơ quan Khu ủy 5 chuyển về căn cứ Phước Trà (thuộc xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Tại căn cứ của khu, các cơ quan chuyên môn: Ban Tổ chức, Tuyên huấn, Quân sự, Kinh tài, Dân vận... từng bước được củng cố hoàn thiện về tổ chức, chất lượng hoạt động, tham gia có hiệu quả vào quá trình lãnh đạo cuộc kháng chiến ở địa phương và trên địa bàn Khu 5.

Ở cấp tỉnh, cuối năm 1962, sau thắng lợi của chiến dịch “vượt sông Tiên”, Tỉnh ủy Quảng Nam về đóng cơ quan tại căn cứ Sơn - Cẩm - Hà thuộc huyện Tiên Phước. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến (1973-1975), Tỉnh ủy Quảng Nam xây dựng chiến khu tại Tiên Sơn (Tiên Phước). Ở cấp thành phố, trong kháng chiến, cơ quan Thành ủy Đà Nẵng đóng ở khu Sông Đà và căn cứ K20. Căn cứ Hòn Tàu là nơi đóng cơ quan của Đặc khu ủy Quảng Đà trong những năm 1967-1975. Cấp huyện có một số căn cứ tiêu biểu như: “căn cứ lõm” Bầu Bính, Quế Tiên... là nơi đứng chân của các Huyện ủy Thăng Bình, Quế Tiên.

Với vai trò là địa bàn đóng trú của các cơ quan đầu não kháng chiến, căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũng là nơi diễn ra nhiều hội nghị đề ra những chủ trương, quyết định quan trọng của cuộc kháng chiến.

Tại căn cứ Nước Là, Liên Khu ủy 5 đã đề ra những biện pháp triển khai Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Nơi đây là địa điểm tập kết của nhiều cán bộ, LLVT từ miền Bắc vào trước khi được điều động về tham gia chiến đấu ở các địa phương. Hội nghị liên Khu ủy mở rộng tháng 4-1960 và Hội nghị Quân Khu ủy tháng 7-1961 được tổ chức tại Nước Là đã đề ra các chủ trương: Phát động quần chúng ở miền núi chống càn quét, đẩy mạnh xây dựng LLVT ở cả 3 vùng chiến lược và đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, xây dựng và mở rộng căn cứ địa, xây dựng các cơ quan: quân y, quân giới, các đơn vị sản xuất. Căn cứ Nước Oa là nơi diễn ra Đại hội Khu ủy 5 lần thứ III.

Tại đây, Khu ủy và BTL Quân khu 5 tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ các trung đoàn, sư đoàn, cán bộ các tỉnh trong toàn khu về học tập nghị quyết của Đảng; đồng thời đề ra những nghị quyết quan trọng chỉ đạo hoạt động quân sự trong năm 1971-1972, quyết định mở các chiến dịch, các trận đánh của LLVT Quân khu 5. Tháng 12-1973, tại căn cứ Phước Trà, trên tinh thần quán triệt Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng “nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”, (*) Đại hội đại biểu Đảng bộ Khu 5 lần thứ III đã thảo luận và ra nghị quyết mở các chiến dịch lớn diệt địch, mở rộng vùng giải phóng trên các chiến trường từ Tây Nguyên đến đồng bằng, tạo thời cơ thuận lợi tiến đến giải phóng các tỉnh trong toàn Khu 5.

Với thế trận lòng dân vững chắc và sự linh hoạt trong hoạt động tổ chức xây dựng căn cứ địa ở cả ba vùng chiến lược, các căn cứ địa ở Quảng Nam - Đà Nẵng đã trở thành nơi đóng trú an toàn cho cơ quan đầu não kháng chiến của Khu 5 và địa phương. Đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã huy động lực lượng thiện chiến nhất cùng các phương tiện chiến tranh và thủ đoạn tàn bạo nhất nhưng không thể nào thực hiện được mục tiêu xóa bỏ các căn cứ địa, tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến.

Trong chiến dịch “Bình Châu” tấn công vào căn cứ Sơn - Cẩm - Hà kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10-1963, địch huy động lực lượng cao nhất lên đến gần 16 tiểu đoàn, có xe tăng và máy bay yểm trợ nhưng cuối cùng trước các mũi đấu tranh của LLVT và quần chúng, chiến dịch này đã bị phá sản hoàn toàn, căn cứ địa Sơn - Cẩm - Hà vẫn được bảo vệ vững chắc.

Th.s TRẦN THÚY HIỀN (Trường Chính trị TP. Đà Nẵng)


(*)  Đảng Cộng sản Việt Nam (2004), Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 34 (1973), Nxb Chính trị Quốc gia, HN, tr. 232.

;
.
.
.
.
.