.
40 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975 - 30-4-2015)

Miền Bắc - hậu phương lớn của cả nước

.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Bắc được xác định là hậu phương lớn của cả nước.

Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai hiểu rõ vai trò của miền Bắc nên tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH của nhân dân ta. Từ năm 1959-1964, Mỹ - ngụy tung biệt kích, thám báo do thám tình hình, gây bạo loạn, chia rẽ nội bộ nhằm phá hoại sự nghiệp hòa bình xây dựng của nhân dân ta, ngăn cản ảnh hưởng cũng như sự chi viện của miền Bắc đối với nhân dân và phong trào cách mạng ở miền Nam.

Ngày 2-8-1964, Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Tiếp đó, ngày 5-8, Mỹ dùng không quân đánh phá miền Bắc, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân nhằm cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Tuy nhiên, sau 4 năm tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân, Mỹ thất bại thảm hại. Hơn 3.000 máy bay bị bắn rơi, hàng trăm phi công bị bắt, hàng trăm tàu chiến bị bắn cháy. Tháng 3-1968, Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, tuyên bố ném bom hạn chế và ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris. Tháng 11-1968, Mỹ ngừng ném bom miền Bắc.

Năm 1970, Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Campuchia bằng cách lật đổ chính quyền Sihanouk, dựng bọn tay sai Lon Non lên cầm quyền. Mục đích là tạo ra một chính quyền thân Mỹ, phụ thuộc Mỹ và cũng chặn nguồn tiếp tế của ta từ nước bạn Campuchia.

“Hạt gạo chia tư”

Chiến tranh đã được mở rộng ra toàn bán đảo Đông Dương. Lúc này, sự chi viện của miền Bắc không chỉ đối với cách mạng miền Nam mà còn làm nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Campuchia.
Ở miền Bắc lúc đó, từ khẩu hiệu “hạt gạo chia ba” chuyển sang khẩu hiệu “hạt gạo chia tư” là nói đến sự chia sẻ, viện trợ sức người, sức của của miền Bắc cho cách mạng miền Nam và nước bạn Lào, Campuchia.

Tỉnh Quảng Bình là hậu phương trực tiếp của các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Nhưng Quảng Bình cũng là tiền tuyến của hậu phương miền Bắc. Cùng với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, hợp thành vùng “cán xoong”, là nơi tập trung đánh phá của không quân và hải quân Mỹ. Quảng Bình là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh đường dây chiến lược 559, có nhiệm vụ chi viện cho các chiến trường.

Năm 1970, Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Quảng Bình. Lãnh đạo Quảng Bình lúc đó báo cáo tình hình tỉnh nhà, nêu quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình rằng dù khó khăn, gian khổ nhưng vẫn bảo đảm chi viện cho tiền tuyến gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người và báo cáo với Thủ tướng một cách hình ảnh là nhân dân Quảng Bình đã “nghiêng nồi” để chi viện cho các chiến trường.

Thủ tướng khen ngợi quân và dân Quảng Bình anh hùng trong sản xuất, chiến đấu và căn dặn dù “úp nồi” vẫn quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Cống hiến lực lượng tinh túy nhất

Cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra quyết liệt. Từ những năm 70, do yêu cầu của chiến trường, hàng vạn thanh niên, sinh viên, trí thức lần lượt lên đường cầm súng. Sinh viên là lực lượng trí thức tương lai xây dựng đất nước sau hòa bình nhưng do nhu cầu chiến trường, trước yêu cầu của Tổ quốc, lực lượng tinh túy nhất của đất nước sẵn sàng xếp bút nghiên, cầm súng lên đường. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, hàng vạn giảng viên, sinh viên các trường đại học đã nhập ngũ và hàng ngàn người đã ngã xuống trên các chiến trường.

Tháng 5-1975, sau khi ta giải phóng Sài Gòn, lực lượng Hải quân nhân dân vào tiếp quản Tân Cảng, Bến nhà Rồng. Tại Bến nhà Rồng, nơi 64 năm trước đó (1911-1975), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên là Văn Ba ra đi tìm đường cứu nước, đã diễn ra một cuộc đón tiếp đặc biệt. Đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đón tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam chở những người tù chính trị từ Côn Đảo trở về. Thấy một chiến sĩ hải quân trẻ xúng xính trong bộ quân phục rộng quá khổ, xuống tàu đứng làm tiêu binh, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ hỏi: “Cháu bao nhiêu tuổi?”. Người chiến sĩ trẻ trả lời: “Dạ, thưa Bác, năm nay cháu 17 tuổi ạ!”. “Cháu nhập ngũ bao giờ?”. “Dạ, cháu nhập ngũ tháng 1-1975”.

Lúc đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng quay sang nói với Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ: Miền Bắc hậu phương đã cống hiến tất cả những gì tinh túy nhất cho thắng lợi của cuộc kháng chiến.

TRƯƠNG MINH DỤC

;
.
.
.
.
.