Quê hương vừa sạch bóng quân thù, cả Khu 5 tập trung chi viện chiến trường phía Nam và tham gia giải phóng Trường Sa.
40 năm trôi qua nhưng ký ức về những sự kiện hào hùng năm xưa vẫn sáng mãi trong tâm khảm của bao người trong cuộc.
Những đoàn xe tiếp viện
Ông Trần Thận (phường Thạch Thang, quận Hải Châu), nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà kể lại: Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Đặc khu ủy Quảng Đà nhận được điện của Bộ Tổng Tư lệnh và Khu ủy 5 yêu cầu khẩn trương huy động ô-tô, hàng hóa, lương thực, thực phẩm, để chở quân và cung cấp hậu cần cho các đơn vị bộ đội tiến vào giải phóng các tỉnh phía Nam.
Lúc bấy giờ, việc huy động hàng hóa, nhu yếu phẩm diễn ra hết sức sôi động. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở Đà Nẵng và các địa phương hai bên quốc lộ 1A ngày đêm xông xáo, vận động nhân dân ủng hộ tiền, gạo, đậu, nếp và các loại thực phẩm khác. Chị em mua cá ngừ và thịt heo, chế biến thành lương khô. Gạo, nếp, đậu xanh được gói thành bánh chưng, bánh tét. Nhu yếu phẩm các loại xếp thành từng gói nhỏ… Nơi nơi nhộn nhịp như ngày hội, người mổ heo, người gói bánh, người gánh, người khiêng. Các loại xe ùn ùn chở hàng ra để sẵn tại các điểm dừng dọc theo quốc lộ 1A.
Xe chở quân vào Nam chạy với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa…”, thời gian dừng ở mỗi điểm chỉ 10 phút. Nhân dân đứng hai bên đường hối hả trao quà, vẫy cờ, vẫy hoa, tiễn các anh bộ đội vào Nam lập nhiều chiến công, mau chóng giải phóng Sài Gòn. “Từ ngày 10-4, mỗi ngày có hơn 100 xe hàng ở Khu 5 tiếp tế cho chiến trường phía Nam. Bước tiến của quân ta đến đâu thì các đoàn xe tiếp viện từ Đà Nẵng, từ Khu 5 tiến theo đến đó, thiết thực góp phần làm nên Ngày Chiến thắng 30-4”, ông Thận nhấn mạnh.
Kịp thời giải phóng các đảo
Ông Phan Đấu (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), nguyên Thư ký của đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu 5, kể lại nhiều ký ức sâu sắc về việc giải phóng quần đảo Trường Sa.
… Đầu tháng 4-1975, Khu ủy 5 nhận điện của Quân ủy Trung ương yêu cầu khẩn trương chuẩn bị lực lượng tham gia với bộ đội hải quân giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Khu ủy liền chỉ thị Bộ Tư lệnh Quân khu điều một số đơn vị đặc công tập kết tại cảng Đà Nẵng. Đêm 10-4, 3 tàu hải quân 673, 674 và 675 từ Hải Phòng lần lượt cập cảng Đà Nẵng. Lập tức, một bộ phận của Tiểu đoàn Đặc công 471 được lệnh xuống tàu để cùng lực lượng hải quân ra giải phóng đảo Song Tử Tây (cách Đà Nẵng 470 hải lý).
4 giờ ngày 11-4, 3 tàu ta xuất phát. Đêm 13-4, tàu 673 tiến vào mép đảo, bí mật đổ bộ lên đảo Song Tử Tây. Hai tàu 674 và 675 sẵn sàng yểm hộ. 4 giờ 30 phút ngày 14-4, lực lượng đổ bộ chia hai mũi, đồng loạt nổ súng tấn công. Quân địch chống cự yếu ớt. Sau 30 phút, quân ta hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây, tiêu diệt và bắt sống hơn 40 tên địch.
Sau đó, quân ta tiếp tục tấn công, giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và Trường Sa… Đến 9 giờ ngày 29-4, bộ đội Quân khu 5 và bộ đội hải quân đã hoàn thành việc giải phóng quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, một bộ phận Tiểu đoàn Đặc công 407 và 1 đại đội của Trung đoàn Bộ binh 95 (Quân khu 5) phối hợp với tàu 643 hải quân bất ngờ tấn công, giải phóng Cù lao Thu vào đêm ngày 26-4…
Ánh mắt đầy niềm tự hào, ông Đấu tươi cười nói: Việc kịp thời giải phóng các đảo trên Biển Đông thể hiện sự nhạy bén chính trị của Đảng và quân đội ta, vì lúc đó quân địch đóng trên các đảo đang hoang mang, còn ngụy quyền Sài Gòn đang lúng túng đối phó khắp nơi. Nếu ta chậm trễ thì các lực lượng khác dễ lợi dụng cơ hội đến đánh chiếm các đảo của Tổ quốc ta.
LÊ VĂN THƠM